Cháy nổ xe điện, trạm sạc: Tỉ lệ thấp nhưng hậu quả khôn lường

Hiện nay, khi xe điện đang ngày càng phổ biến thì ngày càng có nhiều vấn đề xung quanh phương tiện này được quan tâm, trong đó có yếu tố an toàn. Mới đây, một vụ cháy trạm sạc xe điện xảy ra tại Ấn Độ đã khiến nhiều người băn khoăn về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho xe điện.

Ngày 8/6 vừa qua, một vụ cháy lớn tại  bãi đỗ xe của nhà ga tàu điện phía đông nam Dehli, Ấn Độ. Theo giới chức địa phương, 11 xe cứu hỏa đã được cử tới hiện trường. Tuy vậy, vụ cháy đã khiến 100 phương tiện bị hư hỏng hoặc thiêu rụi hoàn toàn, may mắn là không có ai bị thương.

Được biết, ngọn lửa bắt nguồn từ trạm sạc xe điện trong khuôn viên bãi đỗ xe. Trạm sạc này thuộc quyền quản lý của ETO Motors - nhà cung cấp giải pháp di động chạy điện và những dịch vụ liên quan. Trạm sạc chuyên dành cho dòng xe ba bánh rickshaw điện. Nguyên nhân có thể do chập điện, hoặc pin của một chiếc rickshaw bị nổ khi đang sạc.

Đám cháy xuất phát từ trạm sạc cho xe rickshaw trong bãi đỗ xe tại Ấn Độ khiến tổng cộng khoảng 100 xe bị thiêu rụi hoặc hư hỏng. Ảnh: ANI

Trạm sạc là một trong những rủi ro khi phát triển xe điện bởi nguy cơ chập cháy, nổ pin. Tính hệ thống của các trạm sạc cũng như việc bố trí các cột sạc sát nhau cũng có thể khiến ngọn lửa lan nhanh hơn. Tuy vậy, trên thế giới thực tế rất hiếm vụ hỏa hoạn xảy ra do trạm sạc. Nhưng một khi đã xảy ra, theo các chuyên gia, thì quy mô và mức độ thiệt hại của vụ cháy có thể lớn hơn hỏa hoạn thông thường rất nhiều.

Ông Chas McGarvey, người đứng đầu Trung tâm PCCC tại Thị trấn Merion, bang Pennsylvania, Mỹ chia sẻ: “Xe điện khi bị cháy thì lửa bốc lên dữ dội. Nhiệt độ khi đó có thể làm tan chảy nhựa đường phía dưới, và toàn bộ chiếc xe sẽ cháy đến mức chỉ còn lại bộ khung”.

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe điện có thể do chập điện, hoặc do người dùng sử dụng các thiết bị sạc không đạt chuẩn, chưa qua kiểm định đối với vụ cháy tại các hộ gia đình. Nhưng dù nguyên nhân ban đầu là gì thì cũng sẽ dẫn tới mối nguy tiềm tàng mà quen thuộc nhất với một chiếc xe điện, đó chính là phần pin.

Pin xe điện ngày nay đang được cải tiến, trở nên hiện đại hơn và thời gian sử dụng lâu hơn, sạc nhanh hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này cũng khiến pin xe điện trở nên “mỏng manh” và nguy hiểm hơn.

Ông Eric Wachsman, Giám đốc Viện Đổi mới năng lượng, bang Maryland, Mỹ chia sẻ: “Pin xe điện đã trải qua nhiều công đoạn để tối ưu hóa công suất, trong đó bao gồm việc giảm khoảng cách giữa 2 điện cực, và điều này gia tăng khả năng khiến bị chập điện. Chưa kể dung dịch điện giải trong pin xe điện giống như xăng vậy, là thứ dễ cháy, dẫn đến quá trình tỏa nhiệt và làm pin nổ”.

Dù vậy, pin xe điện ngày nay vẫn được đánh giá là khá an toàn. Nghiên cứu từ đại học Newcastle, Anh ước tính, tỉ lệ để một chiếc pin xe điện phát nổ nằm trong khoảng 1 phần 10 triệu đến 1 phần 40 triệu. Một nghiên cứu khác cho thấy xe ô tô điện có khả năng bắt lửa ít hơn 500% so với xe chạy xăng.

Dù tỉ lệ rất nhỏ, nhưng nếu xảy ra cháy nổ, thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn những vụ cháy khác rất nhiều.

Vào năm ngoái, hãng General Motors đã phải thu hồi hơn 140 nghìn xe điện Chevrolet Bolt sản xuất năm 2016 do lỗi khiến pin xe dễ bắt lửa. Trước khi thu hồi, đã có ít nhất 12 trường hợp xe điện dòng này bốc hỏa và hãng đã phải đưa ra cảnh báo người dùng xe Chevrolet Bolt nên đỗ xe tránh xa các phương tiện khác trên 15 mét.

Tỉ lệ xảy ra hỏa hoạn thấp hơn ô tô chạy xăng, nhưng thiệt hại từ các vụ cháy xe điện, trạm sạc xe điện có thể lớn hơn. Ảnh: ANI

Bên cạnh đó, cách dập lửa khi có hỏa hoạn xảy ra với xe điện cũng khác so với thông thường. Ông Robert Swamp, kĩ sư, chuyên gia về pin và ô tô điện chia sẻ: “Với xe chạy xăng, cứu hỏa thường sẽ phun nước lên trên để dập lửa. Nhưng với xe điện thì cần phun nước cả vào phần phía dưới của xe để hạ nhiệt phần pin. Hiện một số thành phố tại Châu Âu đã có kế hoạch riêng cho trường hợp này, đó là họ sẽ cẩu cả chiếc xe lên và cho vào một container chứa đầy nước”.

Ông Robert cũng cảnh báo, đối với xe điện, dập lửa xong chưa phải là kết thúc, bởi pin xe điện vẫn có thể bắt lửa trở lại trong vài ngày sau. Do đó, chiếc xe sau khi dập lửa cần được đưa đến nơi an toàn và phong tỏa để tránh gây ra một vụ cháy khác.

Sự xuất hiện của xe điện cũng đang khiến lực lượng cứu hỏa bối rối, bởi không phải đơn vị nào cũng được phổ biến cách chữa cháy cụ thể dành cho xe điện. Chưa kể việc xe điện đang được cải tiến, thay đổi liên tục khiến việc cập nhật thông tin, cập nhật chiến lược trở nên khó khăn.

Ông Dalan Zartman, giám đốc điều hành cơ quan an ninh năng lượng Mỹ chia sẻ: “Không phải cơ sở phòng cháy chữa cháy nào cũng cập nhật các hướng dẫn cho những trường hợp như thế này. Bên cạnh đó, hiện nguồn tiền để mở các khóa đào tạo cho lính cứu hỏa cũng đang rất hạn chế. Hiện tại cũng chưa có một quy định chuẩn nào với pin xe điện, cho nên mỗi loại xe lại khác nhau, và rất khó để nắm rõ cách thức chữa cháy cho tất cả”.

Trở lại với Việt Nam, hiện chưa ghi nhận vụ cháy lớn nào liên quan tới xe điện. Nhưng vào cuối tháng 3 vừa qua, một chiếc xe máy điện đã bốc cháy tại ngã tư Phan Huy Ích - Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM. Nguyên nhân là do người sử dụng đã can thiệp vào hệ thống điện trên xe nhằm mục đích “cá nhân hóa” phương tiện.

Bên cạnh việc tránh can thiệp vào hệ thống điện, để hạn chế tình trạng cháy nổ, các hãng xe khuyến cáo người dùng chỉ nên sạc khi bình điện gần hết và không sạc qua đêm; sử dụng nguồn điện phù hợp và ổn định để sạc pin. Nếu lâu không dùng xe, nên sạc pin đầy bình rồi tháo rời khỏi xe. Không để bình điện ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…

Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực bình điện rồi mới hoạt động lại. Đặc biệt, không nên tự ý thay đổi kết cấu, lắp thêm phụ kiện hay tác động đến hệ thống dây điện, nguồn điện của xe…