Chậm phê thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy làm khó công tác quản lý

VOVGT- Do khó khăn về kinh phí, đến nay việc điều tra vẫn chưa được thực hiện, công tác quản lý vẫn dựa trên những số liệu thống kê từ năm 2007...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ đầu tháng 7/2016, Bộ GTVT được giao chủ trì thực hiện việc tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái hoàn thành trong năm 2017

Đánh giá về những khó khăn khi vẫn phải sử dụng số liệu được thống kê từ năm 2007, đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết phổ biến nhất hiện nay là việc thống kê số lượng phương tiện thủy và số thuyền viên có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Từ việc chưa có số liệu một cách chính xác 2 dữ liệu này, khiến cho việc đề ra các giải pháp nâng tỷ lệ số người điều khiển phương tiện thủy có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cũng khó đạt hiệu quả.

Từ thực tế này, từ năm 2016, Cục Đường thủy Việt Nam phối hợp với Cục Đăng kiểm, Cục CSGT, Bộ Công an đã đề xuất việc thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, song do khó khăn về kinh phí (khoảng 151 tỷ đồng) nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Dẫn chứng thêm về việc số liệu chưa kịp cập nhật, ông Trần Văn Thọ, nguyên phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, riêng việc phát triển đội tàu hiện nay đã vượt quy hoạch đến năm 2020. Cụ thể, đến thời điểm này, tổng tải trọng phương tiện thủy trên toàn quốc đạt trên 13 triệu tấn.

Trong khi quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì tổng tải trọng phương tiện là 12 triệu tấn. Theo ông Thọ, việc phát triển quá nhanh về tổng tải trọng phương tiện đường thủy đã tạo áp lực đáng kể lên hệ thống kết cấu hạ tầng, luồng đường thủy cũng như bộ phận người lái phương tiện. Ông Trần Văn Thọ nói:

 

"Đương nhiên việc phát triển nhanh đội tàu cũng như tổng tấn phương tiện thì đòi hỏi về luồng tuyến, cảng bến và người điều khiển phương tiện phải đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển đội tàu cũng như công tác quản lý phương tiện này cũng như công tác quản lý cảng vụ cho an toàn khi vào và rời cảng khi bốc xếp hàng hóa."

Cũng theo ông Thọ, sự phát triển nhanh về tổng tải trọng phương tiện thủy tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, bởi theo quy định, với tàu có tải trọng đến 1.000 tấn thì khoảng tĩnh không cầu phải cao trên 7m. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, chỉ riêng tuyến đường thủy do trung ương quản lý đã có 251 cầu có khoảng tĩnh không thấp dưới 7m, không đảm bảo khoảng tĩnh không và khoang thông thuyền theo quy định.

Công tác quản lý hiện nay vẫn dựa trên những số liệu thống kê từ năm 2007, thiếu tính sát thực

Đặc biệt, trong số này có 32 cầu cần phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông hoặc dỡ bỏ, cải tạo, nâng cấp như cầu Đuống, cầu Long Biên, cầu sông Đào Hạ Lý, cầu đường sắt Ninh Bình. Còn khu vực phía Nam chiếm chủ yếu với 117 cầu có khoảng tĩnh không không đảm bảo. Đây cũng là một trong những trở ngại cho vấn đề vận tải và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn trên lĩnh vực đường thủy nội địa, mà vụ sập cầu An Thái (Hải Dương), sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) xảy ra năm 2016 là những vụ việc điển hình.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho biết, đặc thù của giao thông đường thủy đa phần mang tính lưu động, có khi cả nhà ở trên phương tiện đi lại nhiều nơi dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, điều tra phương tiện thủy. Phương tiện được đóng theo kiểu dân gian, ít khi tuân thủ các quy định về đăng kiểm. Chưa kể một số người dân trình độ học vấn còn hạn chế nên thường điều khiển phương tiện theo kiểu cha truyền con nối, ảnh hưởng không nhỏ đến những công tác đảm bảo TTATGT.

>>> An toàn giao thông đường thủy cần được quan tâm đúng mức

Dẫn chứng trường hợp vận động người dân vùng lòng hồ Hòa Bình chuyển đổi từ phương tiện thủy sản sang phương tiện chở khách hoạt động trên vùng lòng hồ, nhưng rất ít người dân chấp hành vì đòi hỏi kinh phí lớn và người dân khó tiếp cận. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết:

 

"Có thể thấy tình hình TTATGT đường thủy tồn tại hơn 10 năm nay, “5 không” trên đường thủy: phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, cả về bằng cấp, chứng chỉ, và bến bãi không phép… Đó là những tồn tại cần phải khắc phục, cần phải được cải tạo ngay."

Dù các cơ quan chức năng đều khẳng định sự cần thiết phải thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy để có cơ sở dữ liệu chính xác phục vụ việc hoạch định các chính sách đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Tuy vậy, các ý kiến cũng cho biết, chưa thể khẳng định thời điểm nào có thể thực hiện việc tổng điều tra để có một hệ thống dữ liệu chính xác.

>>> Thiếu đầu tư, điểm nghẽn giao thông đường thủy khó tháo gỡ