Chấm điểm qua mạng xã hội, lợi bất cập hại?

Hiện nay, từ cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp đều sử dụng mạng xã hội và kêu gọi like, share như một hình thức quảng bá và giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, khi một số trường đưa ra thể lệ tính điểm bằng cách đếm lượt like, share thì đã và đang có những ý kiến trái chiều...

Bởi cách làm này có thể gây ra sự thiếu khách quan, thiếu công bằng khi đánh giá học sinh. Vậy làm sao để đổi mới giáo dục, đổi mới cách đánh giá học sinh nhưng không khiến “Chấm điểm qua mạng xã hội - lợi bất cập hại”? 

Trước khi được áp dụng trong giáo dục thì khi thực hiện chấm điểm sự quan tâm của mọi người trên mạng xã hội đã được nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm bằng cách đặt ra một số tiêu chí như cuộc thi, bài viết phải được đăng tải trên fanpage và chấm điểm, trao giải dựa trên lượt like, share, lượt tương tác...

Việc này nhằm tạo ra sự lan tỏa và thu hút quan tâm của công chúng tới chương trình được tổ chức.

Hiện nay, sự tham gia của mạng xã hội (trên Facebook, TikTok, Zalo…) đang diễn ra ở nhiều mặt của đời sống xã hội trong đó có nhà trường. Tuy nhiên, hiện chưa có một quy định, hướng dẫn nào về việc nhà trường có thể sử dụng mạng xã hội để chấm điểm và đánh giá học sinh.

Do đó, phương pháp này không thể áp dụng tùy tiện khi nó có thể sẽ tạo ra áp lực cho học sinh, muốn có điểm tốt thì phải kêu gọi người này, người kia like, share cho mình. Chưa kể, mạng xã hội là ảo; nhóm nào nhiều bạn bè, người thân hơn thì tỷ lệ kêu gọi like, share sẽ nhiều hơn cộng thêm có nhiều công cụ có thể can thiệp đến kết quả khiến cho không thể đánh giá được đúng năng lực của học sinh.

Ảnh nh hoạ: Free/images

Trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, các nhà trường khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, nhưng sử dụng mạng xã hội chỉ là một kỹ năng trong việc cập nhật công nghệ nên nhà trường không nên quá khắt khe nhưng cũng không để các em sa đà vào mạng xã hội.

Bởi thực tế đã cho thấy, học sinh sử dụng mạng xã hội có nhiều hệ lụy như ảnh hưởng lớn đến tâm lý, mất thời gian, mất tập trung trong học tập. Một số học sinh do sử dụng quá nhiều nên ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm, hình thành lối sống ảo. Có những trường hợp vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường...

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, các hình thức dựa vào lượt like, share trên Facebook, Zalo chỉ nên xem là một trong những kênh để thầy cô giáo giúp học sinh hiểu rằng phương tiện, nền tảng công nghệ là công cụ hỗ trợ cho việc học tập, giải trí lành mạnh.

Đó cũng là công cụ để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời cũng là cơ hội để thầy cô giáo hướng dẫn học sinh cách ứng xử có văn hóa trên không gian mạng. Quá trình sử dụng mạng xã hội cũng đòi hỏi học sinh, giáo viên cần nắm rõ cách thức để thực hiện đúng yêu cầu. Vì khi kiểm tra đánh giá trên trang mạng xã hội, ngay lập tức kết quả có nhiều người biết đến.

Ngoài ra, khi giáo viên đưa ra hình thức này phải dựa vào thực tế điều kiện cũng như năng lực từng học sinh, đồng thời chú trọng yếu tố tất cả được tham gia, tránh tình trạng em có, em không gây mất bình đẳng giữa các em.

Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá đang được các trường học quan tâm, thực hiện nhằm giúp học sinh phát triển năng lực và các kỹ năng trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, muốn giáo dục cho học sinh sử dụng mạng xã hội văn nh có lẽ cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chứ không chỉ thông qua việc chấm điểm bài làm nhờ lượt like, share trên mạng xã hội.