Cha mẹ trẻ tự kỷ vật vã chăm con mùa dịch

Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, trong sự khó khăn chung của hầu hết các gia đình, thì gần 1 triệu gia đình có người tự kỷ ở Việt Nam đang phải xoay xở, vật lộn với sự sụt giảm về kinh tế và việc đảm bảo học tập, can thiệp cho trẻ tự kỷ được xuyên suốt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Gần 2 tháng nay, dù có những ngày Hà Nội nắng nóng lên đến hơn 40 độ C, chị Lan ở quận Thanh Xuân trưa nào cũng vượt quãng đường hơn 5 cây số về nhà lo cơm nước, chăm sóc cho Hưng- cậu con trai út mắc chứng tự kỷ.

Thời gian Hà Nội giãn cách, bố mẹ vẫn phải đi làm, anh trai bận ôn thi Đại học, các trường, trung tâm dạy trẻ tự kỷ đóng cửa, Hưng quanh quẩn cả ngày với những trò chơi tự nghĩ: lúc thì ném đồ qua cửa sổ, khi thì xả nước trong nhà tắm, lúc lại chạy ra bấm thang máy...

Cuộc sống gia đình bị đảo lộn, gặp không ít khó khăn.

Điều lo nhất là việc học tập của Hưng gián đoạn quá lâu, học online gần như không hiệu quả. Để duy trì những kỹ năng, thói quen mà con đang học, chị Lan buộc phải mời giáo viên đến kèm tại nhà: “Mẹ phải nhờ cô giáo ở trung tâm đặc biệt đến giảng cho con tuần 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 2 tiếng để giảm thời gian ở nhà một mình. Chi phí lớn, tăng khoảng gấp rưỡi. Trong thời điểm covid này, mọi thứ khó khăn."

Ảnh nh họa: A365.vn

Một số gia đình không đủ điều kiện mời giáo viên chuyên biệt, đành gửi con đến nhà cô giáo hoặc người thân quen. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức và sự kiên nhẫn đối với trẻ tự kỷ để hỗ trợ, can thiệp đúng hướng. Đó còn chưa kể có nhiều nguy cơ tiềm ẩn thiếu an toàn đối với các em. 

Có con trai 9 tuổi mắc tự kỷ, Chị Hồng – một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ, trẻ mắc tự kỷ dư thừa năng lượng nên việc bố trí các hoạt động vận động, thể dục thể thao, vui chơi rất quan trọng. Ngoài việc đầu tư một bể bơi di động cho con bơi một tiếng mỗi ngày, chị luôn chủ động giúp contương tác với mọi người trong gia đình.

“Ví dụ như nhà mình chọn thời gian không trùng học bài, các con sẽ cùng tham gia lau dọn nhà cửa, nấu cơm nước, hoặc cùng chơi trò chơi, mở nhạc trên TV để cho con tham gia cùng, kéo con vào các hoạt động. Nếu mình biết khai thác, biết tận dụng hoàn cảnh thì vẫn có thể biến khó khăn thành cơ hội để mẹ con có điều kiện làm việc cùng nhau", chị Hồng chia sẻ.

Trong số khoảng 1 triệu gia đình có người tự kỷ ở Việt Nam, có nhiều   gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế và chăm sóc trẻ tự kỷ trong thời kỳ dịch bệnh. Điều họ thấp thỏm hơn, là nếu chẳng may con trở thành F1 phải cách ly thì sẽ thế nào.

Chị Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ Hà Nội trăn trở: “Các bậc cha mẹ như chúng tôi rất lo lắng nếu chẳng may các con mắc F0 hoặc trong diện cách ly F1. Bởi lẽ chỉ có những người hiểu về chứng tự kỷ thì mới hỗ trợ được. Vì trẻ có những dấu hiệu rồi loại về giác quan, về hành vi, có khi không đảm bảo việc cách ly, hai là gây khó khăn cho các y bác sỹ."

Được biết, Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ Hà Nội đã làm đơn lên Hội người khuyết tật Hà Nội đề xuất phương án cho người thân được phép đi cách ly nếu trẻ tự kỷ trở thành F0 và cho cách ly tại nhà nếu là F1.

Đồng thời, các gia đình cũng đề xuất, các cơ quan chức năng có phương án, mô hình hoạt động riêng đối với các trường, trung tâm dạy trẻ tự kỷ để việc dạy, can thiệp trẻ được xuyên suốt nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu 5K của Bộ y tế./.