Cây xanh đô thị: Chăm sóc cần phải xem xét lại

Bên cạnh việc gia tăng số lượng cây thì vấn đề chăm sóc, quản lý cây xanh trong nội thành vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét lại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển hệ thống cây xanh trong khu vực nội đô, điển hình là chương trình Trồng mới 1 triệu cây xanh triển khai từ năm 2016 đến nay.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc gia tăng số lượng thì vấn đề chăm sóc, quản lý cây xanh trong nội thành vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét lại. 

Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển hệ thống cây xanh trong khu vực nội đô. Ảnh: Báo Xây dựng

Phóng viên Kênh VOV Giao thông trao đổi chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam về vấn đề này

PV: Thưa ông, việc phát triển hệ thống cây xanh trong khu vực nội đô Hà Nội thời gian qua còn tồn tại những vấn đề gì?

Ông Lê Huy Cường:  Cây trồng trong nội đô Hà Nội phần lớn là cây đường kính lớn, người ta phải làm 4 cái cọc chống đỡ. Tất nhiên, cây vẫn ra lá, ra cành. 

Nhưng tôi đã quan sát tất cả những nơi mà người ta trồng cây trên đường phố rồi. Cây khi đánh về, gốc tròn như củ chuối và bọc bằng nilon. Sau khi trồng thì người ta phun thuốc kích thích. Khoảng 6 tháng đến 1 năm là nó sẽ ra cành ra rễ,  nhưng rễ của nó chỉ bằng ngón tay thôi. Nếu tán cây vẫn phát triển lòe xòe ra mà rễ cây vẫn chỉ xung quanh gốc như thế thì khi dỡ dàn đỡ ra, cây sẽ đổ kềnh nếu có trận gió đi qua.

Thế tại sao đường phố Hà Nội có nhiều cây xà cừ bị đổ kềnh? Bởi vì trong quá trình làm, trong quá trình đô thị hóa, làm đường thoát nước, làm đường cáp… người ta chặt hết rễ rồi. Chặt hết rễ thì chỉ cần trận gió là cây đổ. Vì vậy không nên đổ lỗi cho cây, mà nên đổ lỗi cho người trồng cây và chăm sóc cây đó như thế nào.

PV: Vậy trong quá trình trồng và chăm sóc cây xanh trong đô thị hiện nay, đơn vị chức năng cần lưu ý thêm những vấn đề gì, thưa ông?

Ông Lê Huy Cường: Đối với cây trong các công viên, vườn hoa thì mỗi địa điểm có cách xử lý riêng. Tôi lấy ví dụ như vườn hoa thì không cần đến tỉa. Vì vườn hoa là để tạo cảnh đẹp, cho nên vườn hoa nên để phát triển tự nhiên. Còn riêng đối với cây đường phố thì phải có biện pháp xử lý thích đáng.

Thứ nhất là đường kính của cây có phát triển. Nếu giá ôm thân cây bị kích thì anh phải dỡ ra và nới rộng ra đấy, chứ không thì cây sẽ bị bóp nghẹt và chết.

Thứ hai là gốc cây, đừng xây bó sát quá mà nên làm rộng ra, đồng thời không làm gờ cao lên, để bằng vỉa hè thôi. Vì sao? Nước mưa rơi xuống thì còn chảy vào rễ cây được. Chứ như những đường đang lát đá xẻ, chỗ nào thòi rễ người ta bạt đi, đổ một lớp bê tông 5-10cm rồi mới lát đất thì làm sao nước ngấm xuống được nữa. Trước kia người ta lát những viên hình lục lăng thì người ta chỉ đặt thôi, nước mưa vẫn ngấm xuống được.

Nhưng làm như thế này nước mưa không bao giờ ngấm được nữa và cây sẽ thiếu nước. Khi nào thấy cành cây khô, thấy rụng lá nhiều thì đấy là hiện tượng cây thiếu nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

---

Mời quý vị và các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị 9/7 tại đây: