Cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật: những khó khăn cần tháo gỡ

VOVGT- Mặc dù khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật nhưng đến nay số lượng người khuyết tật tham gia đào tạo, sát hạch vẫn còn ít.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhu cầu đào tạo của người khuyết tật hiện nay còn hạn chế (Ảnh: Báo Pháp luật)

Là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước trong việc đầu tư phương tiện đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật, song Trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cũng đang lo ngại về tính hợp lệ của phương tiện vừa đầu tư. Ông Trần Văn Toản, giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe Đông Đô cho biết, 2 phương tiện do đơn vị này mới đầu tư nhằm phục vụ cho ngững người khuyết tật chân trái, tay trái hoặc chân phải và tay phải. Tuy nhiên, ông Toản cũng băn khoăn, bởi nhu cầu đào tạo của người khuyết tật tương đối hạn chế, nếu chỉ phục vụ đào tạo, sát hạch cho người khuyết tật thì rất lãng phí, khó hoàn vốn cho các đơn vị đầu tư.

Ông Toản nói: Có những người khuyết tật đặc thù thì chúng ta cũng cần hoán cải xe và cũng đa dạng khuyết tật thì có những thứ cần sự hướng dẫn rõ hơn của cơ quan chức năng để chúng tôi thực hiện.

 

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, theo quy định hiện hành, phương tiện được hoán cải chỉ nhằm phục vụ việc lưu hành của cá nhân người khuyết tật đó. Tuy nhiên, nếu không quy định cụ thể những chi tiết hoán cải có thể tháo rời phục vụ nhu cầu của người bình thường thì khó khuyến khích các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật đầu tư phương tiện.

Ông Trí nói: Người ta không thể làm một chiếc xe chỉ để đào tạo cho người khuyết tật vì giá thành lớn, trong khi số người khuyết tật điều khiển xe rất ít. Do vậy họ muốn chiếc xe có nhiều công năng. Về phần này tôi nghĩ cần có sự điều chỉnh về luật để khi có người khuyết tật thì họ lắp bộ phận hỗ trợ cho người khuyết tật, không thì dùng để đào tạo cho người bình thường.

 

>>>Phương tiện giao thông cho người khuyết tật: Hoán cải và đăng kiểm thế nào?

Cần có những phương tiện giao thông thích hợp cho người khuyết tật (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, khi đi trên đường sẽ có trường hợp người khuyết tật cần thay người lái, như vậy để phù hợp với trường hợp người bình thường điều khiển phương tiện đó, các bộ phận hoán cải được lắp đặt trên xe phải tháo ra. Trong trường hợp này, nếu không có quy định cụ thể, người điều khiển phương tiện đã hoán cải cho người khuyết tật rất dễ bị lực lượng chức năng xử phạt.

Ông Trí kiến nghị: Nếu người khuyết tật không lái nữa có thể tháo ra để cho người khác vào lái. Tôi cho rằng có thể người khuyết tật lái lúc nào, người bình thường lái lúc khác thì phải có quy định để cái xe đó có thể sử dụng, thứ 2 là đi trên đường, các cơ quan kiểm soát người ta hiểu rằng cái xe này có thể lắp vào và tháo bộ phận hoán cải ra để không bị xử phạt, tức là không có quy định cứng như hiện nay là phải để như vậy để cho người khuyết tật đi.

 

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, việc quy định cụ thể đối với phương tiện hoán cải dùng cho người khuyết tật sẽ là động lực để các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn Hà Nội đầu tư phương tiện để đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật.

Ông Nghĩa nói: Nhu cầu của người khuyết tật sử dụng phương tiện đó là hết sức cần thiết và trách nhiệm của các cơ quan liên quan là phải chung tay tháo gỡ những khó khăn đó để đi đến phương án tốt nhất trong việc tham gia cùng người khuyết tật để khắc phục những hạn chế của họ. Tôi cho rằng đó là nhu cầu hết sức cần thiết.

 

Để khắc phục những bất cập, khó khăn về phương tiện đào tạo và lưu hành cho người khuyết tật, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm ghi chú các phần lắp thêm có thể tháo ra để phù hợp trong quá trình vận hành.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, đây mới chỉ là giải pháp tình thế và về lâu dài, các bất cập này cần được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

>>>Cơ hội cho người khuyết tật điều khiển ô tô