Cấp bù lãi suất 2%: Đừng “đánh đố” doanh nghiệp

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng, sự chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn đang đi ngược lại với mục tiêu mà Đảng, nhà nước đề ra.

Ảnh nh họa

Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế nước ta, để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 trình Bộ Chính trị, Quốc hội phê duyệt.

Ngày 11/01/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, ngày 30/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 tháng nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp vẫn “phấp phỏng” chờ đợi.   

Một số ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Hiện nay vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đó là thời hạn hỗ trợ của gói tín dụng này khá ngắn, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nhà ở, doanh nghiệp chưa kịp “xoay sở” xong thủ tục về dự án và trình ngân hàng vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực.

Đồng thời, các điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất tương đối khắt khe, nhiều doanh nghiệp đang vướng nợ xấu, nếu không được hạ chuẩn tín dụng sẽ khó có cơ hội tiếp cận và gượng dậy sau đại dịch.

Vì thế để gói hỗ trợ này không còn nằm trên giấy, cần xem xét kéo dài thời gian thực thi cũng như cắt giảm các thủ tục “làm khó” doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, với khoản "vốn mồi" 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 tỷ đồng được tung ra, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm vốn đối ứng. Đây là con số rất lớn nên ngành ngân hàng phải có những bước đi thận trọng là cần thiết.  

Để khoản cấp bù lãi suất đúng địa chỉ, đúng đối tượng, tránh “vết xe đổ” năm 2009, Bộ Tài chính cần phải công khai, nh bạch các đối tượng được thụ hưởng, trên cơ sở đó các ngân hàng thương mai thực hiện khấu trừ cho các khoản vay này.

Bài học từ gói cấp bù lãi suất 4%/năm năm 2009 cho thấy, đã có nhiều khoản vay không đúng đối tượng, không đúng mục đích, tiền ngân sách nhà nước đã đổ vào chứng khoán, bất động sản, thậm chí có những doanh nghiệp đi vay rồi mang chính số tiền đó gửi lại ngân hàng để hưởng lợi.

Vì thế đến nay sau 12 năm nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong hạng mục này. Bởi vậy, gói hỗ trợ lần này cần được tính toán cẩn trọng, tránh những hệ lụy sau này là điều tất yếu.