Cấp bằng cho người đi xe máy điện: Thực hiện thế nào?

Theo đề xuất của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, xe máy điện có tốc độ lưu thông như mô tô, xe gắn máy có dung tích đến 50cm3, bởi vậy, người điều khiển mô tô, xe gắn máy đến 50cm3, xe máy điện cũng cần phải học và được cấp giấy phép lái xe.

 Để thực hiện được điểu này, cần chuẩn bị những gì? Lộ trình thế nào?

 

Nhiều học sinh THPT đi xe máy, xe đạp điện đến trường. Ảnh: Tiền Phong

Nhà buôn bán vặt gần cổng trường học, anh Nguyễn Thái Hòa không lạ lẫm với cảnh học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện. Bên cạnh sự tiện dụng, không ít học sinh thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức khi sử dụng xe máy điện lạng lách, đánh võng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường:

"Vào giờ tan tầm, rất nhiều em học sinh không đội mũ bảo hiểm, nhiều em thậm chí nẹt pô, nẹt ga, lạng lách, đánh võng, các em phóng với vận tốc rất cao, gay nguy hiểm rất nhiều cho người đi bộ", anh Hòa cho biết.

Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Thập (ở Đống Đa, Hà Nội) hiểu rõ những mối nguy hiểm tiềm tàng khi học sinh điều khiển xe máy điện, bởi đã từng bị một phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu đẩm phải khi vừa từ trong ngõ đi ra: "Một lần tôi cũng bị các cháu từ trong ngõ ra đâm vào tôi, tôi cũng bị ngã sây sát hết cả chân tay. Cháu đi phóng bừa, vượt ẩu, xong bắt đầu đường gnang ngõ dọc không chú ý gì cả".

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia năm 2023 cho thấy, có khoảng 2.300 trẻ em dưới 18 tuổi chết và bị thương do tai nạn giao thông, trong đó, khoảng 1.000 trẻ em tử vong, phần còn lại là bị thương. 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, đa số là trẻ em tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.

Bởi vậy, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, khi góp ý cho dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề xuất, người từ 16-18 tuổi khi điều khiển xe máy điện cũng cần phải có bằng lái:

"Mặc dù trong dự thảo Luật hiện nay cũng có quy định, ghi là Trường THPT và cơ sỏ giáo dục nghề nghiệp chủ trì phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn theo quy định. Cũng không biết là hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn ở đây là theo quy định nào và ai quy định. Vì vậy chúng tôi tha thiết đề nghị chương trình đào tạo sao không biết, nhưng sát hạch là phải ats hạch nhu với bằng lái xe A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy".

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề xuất, người từ 16-18 tuổi khi điều khiển xe máy điện cũng cần phải có bằng lái.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT, Công an TP. HN cho biết, xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ lưu thông đến 35km, thậm chí 40km/h. Với tốc độ này, nếu xảy ra va chạm hoặc TNGT sẽ rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện và người khác. Bởi vậy, việc yêu cầu người từ 16-18 tuổi điều khiển xe máy điện phải có bằng lái là cần thiết:

"Việc sử dụng xe máy điện từ 16-18 tuổi có phải có giấy phép lái xe hay không, theo em là cần thiết, để cho các em biết khi sử dụng, điều khiển phương tiện giao thông, đi ra đường lưu thông thì cần phải tuân thủ những quy định gì, phải có trách nhiệm gì để đảm bảo, tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông".

Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cũng thừa nhận, hiện nay việc sử dụng xe máy điện, xe máy dưới 50cm3 đang có lổ hổng lớn khi người điều khiển không được cấp bằng lái: "Quan trọng nhất là số lượng này lưu thông trên đường mà không học luật, nguyên tắc thì có nhưng người ta không thực hiện. Đi trên đường mà không biết luật thì rất nguy hiểm cho mình và những người khác".

Cũng đồng tình với việc phải có quy định cấp giấy phép lái xe với đối tượng lái xe máy điện và mô tô dưới 50cm3, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, trước mắt cần tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, cũng như người dân. Đồng thời, trong chương trình giáo dục pháp luật của các nhà trường cần tuyên truyền cho các em về kỹ năng tham gia giao thông. Thông qua tuyên truyền với học sinh, người dân, sau đó, chúng ta tiến tới thực hiện cấp bằng lái là phù hợp:

"Cái này chúng ta phải có giải pháp tuyên truyền, và ngay cả công tác đào tạo thì bản thân chúng ta bây giờ trong hệ thống nhà trường chúng ta đang giáo dục về ATGT trong hệ thống phổ thông. Chúng ta đang dạy rồi cơ mà. Ngay cả luật đi đường, quy tắc giao thông các cháu cũng đã nắm được rồi. Vấn đề còn lại là chúng ta tuyên truyền và hoàn thiện lại các vấn đề về kỹ năng cho các cháu, cũng như là quy tắc giao thông và một số hướng dẫn cụ thể để đảm bảo các cháu có thể đi lại an toàn và sau đó chúng ta sẽ cấp giấy phép lái xe", chuyên gia Khương Kim Tạo nêu ý kiến. 

Trong chương trình giáo dục pháp luật của các nhà trường cần tuyên truyền cho các em về kỹ năng tham gia giao thông. (Ảnh nh họa)

Để việc học an toàn giao thông không chỉ là hình thức

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện đã lồng ghép nhiều nội dung về an toàn giao thông, nhưng chưa thực sự được chú trọng. Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, hoàn toàn có thể cấp bằng lái cho đối tượng học sinh, từ 16-18 tuổi, trên cơ sở xây dựng và tăng cường thêm các nội dung, các quy tắc tham gia giao thông an toàn, trong đó học sinh phải vượt qua một kỳ thi sát hạch của cơ quan chuyên môn.

Không phải đến bây giờ việc cấp bằng lái cho người từ 16-18 tuổi mới được quan tâm, mà trước đó, năm 2020, khi xây dựng dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc cấp bằng lái A0 đã được đặt ra.

Vào thời điểm đó, một khảo sát của UBATGTQG cũng cho thấy, có 52% học sinh bậc THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy. Trong bối cảnh phát triển rất nhanh của các loại phương tiện giao thông, trong đó có phương tiện hướng đến lứa tuổi từ 16-18 tuổi cũng ngày càng đa dạng.

Nhu cầu lớn, phương tiện nhiều, nhưng các em lại không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Việc để cho học sinh sử dụng chiếc xe với vận tốc 30 km/h, thậm chí lớn hơn, mà không yêu cầu giấy phép lái xe khi các em chưa đủ kiến thức về an toàn giao thông để chấp hành luật an toàn giao thông và nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Bởi vậy, cấp giấy phép cho người trên 16 tuổi là rất hữu ích đối với các em học sinh, được trang bị kiến thức an toàn giao thông từ sớm sẽ giúp các em tham gia giao thông một cách an toàn, hạn chế các vụ tại nạn đáng tiếc; đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Cấp giấy phép lái xe cho người từ 16 tuổi, về mặt pháp luật đang có nhiều thuận lợi. Khác với trước đây, với việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp căn cước công dân cho người từ 14 tuổi, giúp cơ quan quản lý có đầy đủ nguồn dữ liệu, không chỉ quản lý dễ hơn, mà có thể đối chiếu để thực hiện việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho lứa tuổi này.

Để thực hiện được điều này, từng bộ, ngành phải xác định việc đảm bảo ATGT cho học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là ưu tiên hàng đầu, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện cho tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.

Trước mắt cần tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cũng như người dân. Theo đó, trong chương trình giáo dục pháp luật của các nhà trường cần tuyên truyền cho các em về kỹ năng tham gia giao thông. Cần đưa kiến thức và các nội dung về giao thông đường bộ, lồng ghép vào môn giáo dục công dân như một phần bắt buộc.

Cùng với đó, các em phải vượt qua kỳ thi sát hạch, có thể tổ chức tại nhà trường để được cấp giấy phép lái xe, tránh gây xáo trộn quá lớn cho việc thực hiện. Điều này vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa phù hợp với tình hình thực tế về tâm sinh lý, ý thức chấp hành giao thông hiện nay của thanh thiếu niên.

Ngoài ra, các phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc không giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, nhắc nhở con em chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Phụ huynh cũng phải nhận thức được rủi ro khi khi cho con em tham gia giao thông đường bộ có thể bị tai nạn, và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây tai nạn cho người khác.

Đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cần kết hợp với nhà trường trong việc “nói không” với việc để học sinh chưa có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông yêu cầu phải có giấy phép.

Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ nhà trường, gia đình và xã hội, thông qua tuyên truyền với học sinh, người dân, từ đó tiến tới thực hiện cấp bằng lái hoàn toàn có thể thực hiện được

Việc quy định sẽ đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho nhóm người điều khiển phương tiện này sẽ vừa gắn trách nhiệm pháp lý của cả người điều khiển xe máy điện, cả người giám hộ, đồng thời cũng là hình thức tuyên truyền mạnh mẽ, thiết thực, nghiêm túc, hướng đến việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người điều khiển phương tiện và nhiều người tham gia giao thông khác.

Đó là lý do nhiều nước như Mỹ, Canada, Mexico… thực hiện cấp giấy phép lái xe cho người dưới 18 tuổi, thậm chí có quốc gia cấp bằng lái cho người đủ 16 tuổi./.