Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Nắm bắt cơ hội để cạnh tranh khu vực và quốc tế

Rõ ràng phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thực sự là cơ hội có một không hai để TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam vượt lên trong dài hạn; ngành hàng hải Việt Nam có điều kiện cạnh tranh với khu vực Đông Nam á và thế giới.

 

Cù lao Phú Lợi rộng 75 ha, vị trí sẽ được chọn trong quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Vneconomy

Dù chưa được cập nhật bổ sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia thời kỳ 2021-2030 song dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chắc chắn sẽ là một trong những dự án cảng biển tiềm năng nhất nếu như được chấp thuận, phê duyệt đầu tư xây dựng trong tương lai.

Đây không thuần túy là một dự án đầu tư hạ tầng như nhiều dự án khác, mà nó thực sự là một điểm sáng của TP.HCM nói riêng, tổng thể hoạt động vận chuyển hàng hải, chất lượng dịch vụ logistics, nâng cấp đội tàu container và phát triển ngành kinh tế biển nói chung.

May mắn được trò chuyện, trao đổi với những nhà nghiên cứu Sài Gòn Gia Định xưa cũng như các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, chúng tôi dễ dàng nhận ra được sự “hưng phấn” của họ khi đề cập đến ý tưởng đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Bởi nếu Cảng này thành hình sẽ tái hiện lại được hình ảnh thương cảng Sài Gòn sầm uất ngày nào cũng như thỏa mãn kỳ vọng về một trung tâm logistics hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các cảng trung chuyển khác trong khu vực.

Ngoài ra, trong bối cảnh TP.HCM đang phải đối diện với quá nhiều thách thức cho mục tiêu tăng trưởng thì Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là điểm tựa cần thiết để cải thiện nguồn thu cho ngân sách địa phương lẫn quốc gia, thúc đẩy phát triển hoạt động logistics cũng như hệ sinh thái sau cảng. Quan trọng hơn, như phân tích của nhiều chuyên gia, việc hình thành cảng trung chuyển sẽ giúp TPHCM rút ngắn được quá trình trở thành trung tâm tài chính quốc tế, điều nhiều thành phố lớn trên thế giới như Thượng Hải, Hongkong, Singapore, Dubai…đã làm được.

Điều cần thiết mà TP.HCM và các đơn vị liên quan cần làm lúc này là tập trung tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án theo hướng khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tối ưu lợi ích song phải hạn chế xâm hại môi trường với một khu vực nhiều nhạy cảm như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Mặc dù việc đề xuất đề án này là hòan toàn phù hợp với các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Thành ủy hay Quy hoạch tổng thể quốc gia…tuy nhiên các bên liên quan cũng cần có những sự thận trọng nhất định, nhất là khi các dự báo về hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế còn chưa thực sự tích cực. Không chỉ vậy, việc đầu tư xây dựng một công trình lớn nằm sát vùng lõi khu dự trữ sinh quyển đòi hỏi sự khảo sát, đánh giá tác động môi trường phải được duy trì ở mức cao nhất.

Ngoài ra cũng cần phải đánh giá cụ thể nguồn hàng để cung ứng cho cảng hoạt động; tránh tình trạng xây cảng xây xong mà không có hàng hóa để hoạt động là lãng phí; làm theo phong trào. Đó là chưa kể việc giao thông kết nối cũng cần được tính toán chi tiết, tỷ mỷ; nhất là không cạnh tranh trực tiếp làm suy yếu với các cảng lân cận ở khu vực ền Đông Nam bộ mà hợp thành một hệ thống cảng liên hoàn, thực sự hiệu quả; có tầm cạnh tranh châu lục.

Rõ ràng phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thực sự là cơ hội có một không hai để TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam vượt lên trong dài hạn; ngành hàng hải Việt Nam có điều kiện cạnh tranh với khu vực Đông Nam á và thế giới; từ đó giúp đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực phía Nam nói riêng và đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước nói chung.