Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Cơ hội và thách thức

Huy Hoàng: Thứ tư 17/05/2023, 15:26 (GMT+7)

UBND TP.HCM đang tổ chức xây dựng và lấy ý kiến đóng góp cho đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đề án đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện hết sức quan trọng, làm cơ sở để các bên liên quan hoàn thiện, triển khai trong thời gian tới.

MSC, hãng tàu container lớn nhất thế giới, bày tỏ nguyện vọng đầu tư vào Cần Giờ. Ảnh: H.P

MSC, hãng tàu container lớn nhất thế giới, bày tỏ nguyện vọng đầu tư vào Cần Giờ. Ảnh: H.P

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do hãng tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là công ty Mediterranean Shipping Company S.A. (MSC) đề xuất đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 5,45 tỷ USD được phân kỳ thành 7 giai đoạn (dự kiến hoàn tất vào năm 2045) với công suất khai thác vào khoảng 16,9 triệu Teu.

Cảng này dự kiến đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi (còn gọi là cù lao Ông Chó) thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ TP.HCM. Đây là vị trí được xem là đắc địa khi nằm trên tuyến hàng hải quốc tế Á-Âu Á-Mỹ, ngay cửa sông Cái Mép, bao quanh bởi sông Thị Vải và sông Thêu.

Theo đánh giá đơn vị tư vấn dự án, vị trí đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ như đề xuất của nhà đầu tư là rất phù hợp khi nằm trong khu vực hàng hải sôi động nhất của khu vực (chiếm đến 60% tổng lượng container luân chuyển toàn cầu) và dễ dàng kết nối với các cảng, hạ tầng sau cảng trong khu vực.

Ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết thêm: "Hơn 20 năm nay, Chính phủ Bộ GTVT và các địa phương cũng rất mong thực hiện dịch vụ trung chuyển quốc tế, nhưng điều ta thiếu là các hãng tàu chưa mặn mà cho đến khi hãng tàu số 1 thế giới MSC đặt vấn đề dịch chuyển hoạt động trung chuyển về Việt Nam. Ngoài tiềm năng, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để hiện thực hóa được giấc mơ trung chuyển quốc tế của Việt Nam".

Tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng cho rằng, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ phù hợp với thực tế hiện nay mà còn là thời cơ hết sức thuận lợi để khôi phục hoạt động giao thương bằng cửa ngõ hàng hải – nâng cao sức cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore hay Malaysia.

"Ta cần quên đi bên kia là Vũng Tàu bên này là TP.HCM mà đây là 2 bộ phận cấu thành tổng thể cảng trung chuyển quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ vì lợi ích chung của cả vùng chứ không phải chuyện của TP.HCM. Tôi mong chúng ta làm sớm, đừng mất cơ hội trong điều kiện này để tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ mà Bộ Chính trị mới vừa quy hoạch xong", Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển. Ảnh: Đơn vị tư vấn cung cấp

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển. Ảnh: Đơn vị tư vấn cung cấp

Là người có thâm niên nhiều năm công tác trong lĩnh vực hàng hải, ông Nguyễn Hải Linh – Chủ tịch công ty Elisa cho rằng, việc có được cảng Cần Giờ không chỉ giúp phát triển mạng lưới cảng biển mà còn là đòn bẩy để thúc đẩy TP.HCM nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính quốc tế:

"Khi cảng trung chuyển quốc tế hình thành, các tổ chức tài chính của các nước sẽ đặt văn phòng ở đấy để hỗ trợ chủ tàu, chủ hàng. Thực tế đã chứng minh nhiều thành phố phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Dù thành phố chúng ta hiện nay đang rất nhiều việc, muốn làm thì cần một quyết tâm rất lớn, nhưng nếu không làm bây giờ thì đến bao giờ mới làm được?", ông Linh nói.

Ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, đội tàu Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia), tuy nhiên hoạt động còn manh mún chưa tương xứng với tiềm năng. Việc được đầu tư xây dựng một cảng trung chuyển với quy mô quốc tế như Cảng Cần Giờ là cơ hội vàng để phát triển đội tàu, góp phần phát triển kinh tế biển của đất nước:

"Cơ hội như nhiều người nói là cơ hội vàng thì hiện nay lại càng đúng, ít nhất trong 2 năm nữa tình hình vận tải biển vẫn còn ở mức thấp kém hiệu quả thì cơ hội vàng vẫn còn. Chúng tôi kỳ vọng rất lớn ở cảng trung chuyển này sẽ hỗ trợ truớc tiên cho đội tàu container phát triển những tuyến trung như Nội Á, Nam Á, bán đảo À Rập hay xa hơn là Châu Mỹ, Châu Âu…để tích lũy tài sản, xây dựng đội tàu lớn mạnh hơn để đảm bảo chủ quyền quốc gia", ông Lê Anh Sơn cho biết.

Trong bối cảnh TP.HCM đã và đang gặp rất nhiều thách thức, trở lực trong quá trình tăng trưởng thời gian qua, theo ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, việc hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ giúp hoạt động hàng hải của TPHCM thoát khỏi cảnh chợ nhỏ, nâng tầm thành chợ đầu mối, thu hút giao thương ở quy mô lớn hơn:

"Thành phố không còn gì nữa, thực sự là vậy, với 2 cảng Tân Cảng và Hiệp Phước thì ta cũng chỉ là chợ nhỏ thôi, Cảng Cần Giờ mới là chợ lớn, chợ đầu mối. Dự án này là mong mỏi của nhiều thế hệ chứ không chỉ của chúng ta, nếu không làm thì sẽ bị tụt lại", ông Đinh Ngọc Thắng cho biết.

Cũng đồng tình với quan điểm nên đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuy nhiên ông Trần Thanh hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho rằng, cần có giải pháp để đa dạng hóa nguồn hàng cũng như rút kinh nghiệm từ các mô hình tương tự để tối ưu hóa được hiệu quả của Cảng nếu được chấp thuận đầu tư:

"Bản thân Việt Nam cũng phải có sự chủ động trong việc khai thác nguồn hàng, đa dạng hóa kết nối với các hãng tàu khác để chủ động được nguồn hàng. Tôi cho rằng cũng cần học hỏi kinh nghiệm của Malaysia trong việc phát triển cảng Tanjung Pelapas, đây là bài học cạnh tranh với Singapore. Điểm nữa là hạ tầng mềm hay là cơ chế, nếu ta không có một cơ chế hải quan thông thoáng, đủ thuận lợi thì rất khó để nói đến cảng trung chuyển", ông Trần Thanh Hải nêu ý kiến.

Từ một góc nhìn khác, ông Phạm Quốc Long – Chủ tịch Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept lại cho rằng, còn quá sớm để khẳng định được hiệu quả, sự thành công của Cảng Cần Giờ bởi dư địa hàng container trung chuyển hiện nay là không nhiều. Bên cạnh đó, trong các cảng lân cận cũng chưa được khai thác hết công suất cũng như vẫn còn có kế hoạch ở rộng hơn trong tương lai:

"Quan điểm của chúng tôi thì Cảng Cần Giờ nên làm sau khi đã hoàn thành khu vực Cảng Cái Mép Thị Vải vì quy hoạch đã có sẵn, đã có kết nối. Ngoài ra, Cảng Cần Giờ chỉ có mỗi cầu cảng mà không có hệ thống hạ tầng đằng sau trong khi Cái Mép Thị Vải có khoảng 900ha trung tâm logistics, cảng phi thuế quan, cảng mở… đầy đủ để phát triển theo định hướng quốc gia. Cái này mới bổ sung thêm nên cần xem xét kỹ, tránh lãng phí tài nguyên quốc gia cũng như đầu tư xã hội", ông Phạm Quốc Long cho biết.

Ảnh: Vneconomy

Ảnh: Vneconomy

Cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận với tiêu đề “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ -Nắm bắt cơ hội để cạnh tranh khu vực và quốc tế”.

Dù chưa được cập nhật bổ sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia thời kỳ 2021-2030 song dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chắc chắn sẽ là một trong những dự án cảng biển tiềm năng nhất nếu như được chấp thuận, phê duyệt đầu tư xây dựng trong tương lai.

Đây không thuần túy là một dự án đầu tư hạ tầng như nhiều dự án khác, mà nó thực sự là một điểm sáng của TP.HCM nói riêng, tổng thể hoạt động vận chuyển hàng hải, chất lượng dịch vụ logistics, nâng cấp đội tàu container và phát triển ngành kinh tế biển nói chung.

May mắn được trò chuyện, trao đổi với những nhà nghiên cứu Sài Gòn Gia Định xưa cũng như các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, chúng tôi dễ dàng nhận ra được sự “hưng phấn” của họ khi đề cập đến ý tưởng đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Bởi nếu Cảng này thành hình sẽ tái hiện lại được hình ảnh thương cảng Sài Gòn sầm uất ngày nào cũng như thỏa mãn kỳ vọng về một trung tâm logistics hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các cảng trung chuyển khác trong khu vực.

Ngoài ra, trong bối cảnh TPH.CM đang phải đối diện với quá nhiều thách thức cho mục tiêu tăng trưởng thì Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là điểm tựa cần thiết để cải thiện nguồn thu cho ngân sách địa phương lẫn quốc gia, thúc đẩy phát triển hoạt động logistics cũng như hệ sinh thái sau cảng. Quan trọng hơn, như phân tích của nhiều chuyên gia, việc hình thành cảng trung chuyển sẽ giúp TPHCM rút ngắn được quá trình trở thành trung tâm tài chính quốc tế, điều nhiều thành phố lớn trên thế giới như Thượng Hải, Hongkong, Singapore, Dubai…đã làm được.

Điều cần thiết mà TP.HCM và các đơn vị liên quan cần làm lúc này là tập trung tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án theo hướng khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tối ưu lợi ích song phải hạn chế xâm hại môi trường với một khu vực nhiều nhạy cảm như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Mặc dù việc đề xuất đề án này là hòan toàn phù hợp với các Nghị quyết của Bộ Chính Trị, Quốc Hội, Thành Ủy hay Quy hoạch tổng thể quốc gia…tuy nhiên các bên liên quan cũng cần có những sự thận trọng nhất định, nhất là khi các dự báo về hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế còn chưa thực sự tích cực. Không chỉ vậy, việc đầu tư xây dựng một công trình lớn nằm sát vùng lõi khu dự trữ sinh quyển đòi hỏi sự khảo sát, đánh giá tác động môi trường phải được duy trì ở mức cao nhất.

Ngoài ra cũng cần phải đánh giá cụ thể nguồn hàng để cung ứng cho cảng hoạt động; tránh tình trạng xây cảng xây xong mà không có hàng hóa để hoạt động là lãng phí; làm theo phong trào. Đó là chưa kể việc giao thông kết nối cũng cần được tính toán chi tiết, tỷ mỷ; nhất là không cạnh tranh trực tiếp làm suy yếu với các cảng lân cận ở khu vực miền Đông Nam bộ mà hợp thành một hệ thống cảng liên hoàn, thực sự hiệu quả; có tầm cạnh tranh châu lục.

Rõ ràng phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thực sự là cơ hội có một không hai để TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam vượt lên trong dài hạn; ngành hàng hải Việt Nam có điều kiện cạnh tranh với khu vực Đông Nam á và thế giới; từ đó giúp đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho TP.HCM, các tỉnh khu vực phía Nam nói riêng và đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Chủ vườn quất Tứ Liên thuê người Nigeria chuyển cây tránh ngập, 100.000/người/giờ

Chủ vườn quất Tứ Liên thuê người Nigeria chuyển cây tránh ngập, 100.000/người/giờ

Một nhóm thanh niên người Nigeria được chủ một nhà vườn quất ở Tứ Liên, Hà Nội thuê chuyển cây khỏi vườn bị ngập nước.

Hà Nội: Nước sông lên nhanh, nhiều tuyến phố ngập nước

Hà Nội: Nước sông lên nhanh, nhiều tuyến phố ngập nước

Hôm nay (10/9), PV VOV Giao thông đã ghi nhận rất nhiều thông tin về hàng loạt các điểm ngập, ùn tắc trên địa bàn Thủ đô.

Đi lại thế nào khi cấm lưu thông qua cầu Đuống?

Đi lại thế nào khi cấm lưu thông qua cầu Đuống?

Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên Cầu Đuống, Thành phố Hà Nội

Hà Nội sẵn sàng hộ đê, sơ tán người dân ven các sông Hồng, Đà, Đuống

Hà Nội sẵn sàng hộ đê, sơ tán người dân ven các sông Hồng, Đà, Đuống

Trước diễn biến mưa kéo dài, mực nước sông tiếp tục lên nhanh, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều; sẵn sàng sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Cấm xe vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập

Cấm xe vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập

Sáng 10/9, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, các xe đi lại sẽ không đảm bảo an toàn.

Nhiều người hiếu kỳ tụ tập tại bờ sông Hồng xem nước lên

Nhiều người hiếu kỳ tụ tập tại bờ sông Hồng xem nước lên

Giờ cao điểm chiều nay (10/9) VOV Giao thông tiếp tục ghi nhận nhiều thông tin về tình hình ngập úng trên nhiều tuyến phố, nhất là các khu vực ven sông Hồng.

Nước sông Hồng dâng cao, nhiều hoa màu ở bãi giữa mất trắng

Nước sông Hồng dâng cao, nhiều hoa màu ở bãi giữa mất trắng

Mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến nước sông Hồng dâng rất cao, hoa màu của người dân trồng ở bãi giữa bị dòng nước nhấn chìm.