Cần Thơ: 65.000 lao động mất việc tạm thời, chỉ còn 6,7% làm việc

Trong 1.090 doanh nghiệp thì có 1.029 đơn vị đã tạm ngưng hoạt động, kéo theo hơn 65.000 lao động tạm thời mất việc, chiếm hơn 93%. Hiện Cần Thơ chỉ có 6,7% số lao động còn đang làm việc tại các doanh nghiệp. Đây là một trong những chuỗi ảnh hưởng từ dịch

Ảnh: Phạm Hải - VOV ĐBSCL

94% DOANH NGHIỆP TẠM NGƯNG HOẠT ĐỘNG

Giữa tháng 8/2021, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã có báo cáo nhanh về tình hình sản xuất, cung ứng và giá cả các mặt hàng chủ yếu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo báo cáo này, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” trong và ngoài khu công nghiệp mà thành phố đang theo dõi là 1.090 doanh nghiệp. Đến ngày 15/8, có đến 94% doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động. Số doanh nghiệp còn hoạt động chỉ 61 đơn vị.

Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động đã kéo theo hơn 65.000 lao động phải tạm thời mất việc làm, chiếm tỷ lệ đến 93%. Tức là chỉ có 6,7% số lao động còn đang làm việc tại các doanh nghiệp. 

Báo cáo của Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng cho biết, việc thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” của doanh nghiệp đã làm chi phí tăng cao do phải bố trí thêm chỗ ăn, ở cho lao động và các chi phí về công tác phòng, chống dịch… Trong khi đó, công nhân lao động phải trải qua hơn 3 tuần liền hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp, cho nên, có hiện tượng lao động không đủ sức khoẻ, nhớ gia đình…v.v, dẫn đến công nhân xin rời nhà máy. 

Chị Nguyễn Thị Minh Thư, công nhân thuộc một công ty TNHH chế biến hải sản xuất khẩu tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ là một trường hợp điển hình với nhiều trăn trở khi bị mất việc tạm thời.

Theo đó, doanh nghiệp nơi chị Thư làm việc được duyệt phương án “3 tại chỗ” ngay từ đầu mùa dịch, tuy nhiên, chị cùng một nửa số công nhân đã xin nghỉ tạm thời vì không an tâm về sức khỏe chính mình. Chỉ còn 200 người chịu ở lại “vừa cách ly, vừa sản xuất”, được hơn 20 ngày thì quá nhớ nhà nên xin nghỉ phép. Đến ngày đi làm lại, dịch bước vào giai đoạn phức tạp nên xí nghiệp cũng đóng cửa toàn bộ. 

NHIỀU CHUYẾN HỖ TRỢ CHO 2 NHÓM MẤT VIỆC

Trong hơn 65.000 lao động mất việc làm tạm thời, được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, Liên Đoàn Lao Động TP Cần Thơ đang quản lý hai khối Hành Chính và Doanh Nghiệp với gần 50.000 người. Từ khi dịch bùng phát, Liên đoàn đã tổ chức nhiều chuyến hỗ trợ, trung bình 1 triệu và 1 phần quà/ lao động. Đây là chế độ người lao động được hưởng từ Công đoàn ngành.

Bà Huỳnh Thị Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP. Cần Thơ thông tin: “Trước tiên chọn ra đối tượng công nhân lao động khó khăn, trong đợt dịch vừa rồi doanh nghiệp ngừng sản xuất, công nhân nghỉ việc thì hỗ trợ từng gói, có nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu. Trải đều ra từ thành phố về tới quận, huyện. TP cũng đi thăm, trao tiền và thực hiện nhiều chính sách theo quy định nữa. Thống nhất hỗ trợ thêm dinh dưỡng cho công nhân lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” một triệu/ người”.

Nhóm 2 là nhóm doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn trực thuộc Liên Đoàn Lao Động TP, nhóm này Cần Thơ đang có trên dưới 1.500 lao động. Theo Liên Đoàn Lao Động TP Cần Thơ, đây là số lao động khó được nhận các khoản bù đắp từ chính sách khi mất việc tạm thời. Nếu là trao quà thì được, còn tài chính thì rất gian nan.

Thế nên, Liên Đoàn đã kết nối doanh nghiệp với Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội TP để người lao động được nhân gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Tại Cần Thơ, lao động tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Ảnh: TTXVN

TRÔNG CHỜ VÀO VACCINE

Báo cáo từ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Công đoàn các cấp đã hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 1.222 tỷ đồng, với hơn 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng. Tuy nhiên đối với công nhân chỉ có lao động bền bỉ mới có thể giải quyết được nhu cầu về kinh tế của họ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Với công nhân hầu hết thu nhập của họ chỉ đảm bảo chi cho hàng tháng, nên khi doanh nghiệp dừng sản xuất đồng thời là với những người không có tích lũy họ gặp khó khăn ngay. Chỉ bằng cách họ có việc làm thì họ mới duy trì được đời sống, tổ chức được cuộc sống gia đình. Do đó chúng tôi đang vào cuộc tích cực ở những nơi đủ điều kiện sản xuất 3 tại chỗ, để đảm bảo việc làm và đời sống người lao động.

Cùng với đó chúng tôi kiến nghị với chủ sử dụng lao động điều chỉnh phương án sản xuất cố gắng duy trì nhiều người lao động cùng có việc làm, mỗi người có một ít việc thôi cũng được, cố gắng việc đó chia cho nhiều người hơn, mỗi người có thể lương không cao nhưng đủ sống”.

Còn đối với nguy cơ mất người lao động vĩnh viễn, các chuyên gia lao động cho rằng, để giảm bớt khó khăn cho người lao động ngay trong dịch bệnh và tránh được việc thiếu hụt nhân lực khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp cần có giải pháp để giữ chân người lao động ngay trong dịch bệnh.

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động chia sẻ: “Kinh nghiệm ở đây là nếu chưa khó khăn đến mức là phải ngừng hoạt động thì các doanh nghiệp nên thỏa thuận với người lao động về việc duy trì việc làm. Một số kinh nghiệm hay là có thể cho người lao động nghỉ việc và hưởng mức lương tối thiểu; khó khăn hơn có thể doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và không trả lương, nhưng họ đưa một cái thư ưu tiên tuyển dụng và khi doanh nghiệp gọi trở lại thì những lao động có thư ưu tiên này sẽ được tuyển ngay và tuyển đúng vào vị trí mà trước đây họ đã từng làm”.

Theo nhận định và tính toán của nhiều chuyên gia, với lượng vaccine được cam kết sẽ bàn giao trong quý III và quý IV năm nay, cùng nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, thì mục tiêu Việt Nam sẽ đạt ễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022 là khả thi.

Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào việc mở cửa lại và khôi phục hoạt động kinh tế vào đầu quý II/2022. Khi đó thị trường lao động sẽ sôi động hơn, có chính sách giữ chân thì các doanh nghiệp sẽ đón người lao động quay lại nhanh hơn. 
    
.