Cần thêm những 'cú huých' cho phát triển công trình xanh

Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 165 công trình được chứng nhận là công trình xanh. Trong đó, đa phần là những công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách. Số công trình có vốn đầu tư công, vốn ngân sách chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Đâu là nguy

Cần phải làm gì để gia tăng số lượng công trình xanh, nhằm thực hiện mục tiêu của tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khi hậu mà Chính phủ đã đề ra.

Thói quen tư duy ngắn hạn cũng là một trong những nhân tố khiến cho tốc độ phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn chậm

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tốc độ tăng trưởng các công trình xanh tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây có sự thay đổi vượt bậc so với 5 năm trước đó. Theo đại diện Hội đồng công trình xanh Việt Nam, mỗi năm có khoảng 20-40 công trình được cấp chứng nhận.

Tuy nhiên, đa phần những công trình xanh là những công trình có liên yếu tố nước ngoài, do chủ đầu tư nước ngoài hoặc khách hàng là người nước ngoài yêu cầu công trình phải được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường hoặc là do tư nhân đầu tư.

Hiện cả nước chỉ có 3 công trình gồm: Trụ sở Trung tâm lưu ký chứng khoán, trụ sở Tổng công ty viễn thông quân dội Viettel, Trung tâm  triển lãm phát triển và kiến trúc đô thị Bắc Ninh là những công trình có vốn ngân sách được chứng nhận là công trình xanh, chiếm tỷ lệ dưới 2% trong tổng những công trình được chứng nhận tại Việt Nam. 

Ông Đặng Thành Long- Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam phân tích, sở dĩ xảy ra thực trạng trên là do nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá lạ lẫm với  khái niệm công trình xanh, nên có tâm lý đề phòng:

 

"Bởi vì đó là cái gì đó vẫn còn mới đối với họ. Và trong công trình xanh, có nhiều tiêu chí là yêu cầu cao hơn trên quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng, tức là cao hơn mức trung bình hoặc mức tối thiểu. Cho nên, ít nhiều sẽ nảy sinh ra những cái lo lắng nhất định về mặt phát sinh thêm chi phí, cần thêm thời gian kéo dài tiến độ và nhiều rủi ro như đăng ký chứng nhận rồi thì dự án đạt được hay không? có được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ gì không?"

Ở góc nhìn khác, GS Đặng Hùng Võ- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, đa phần các doanh nghiệp đều nhận thức được những lợi ích mang lại của những công trình xanh như giảm chi phí vận hành , tiết kiệm điện, nước và giảm bớt khí phát thải nhà kính, nhưng do nguồn tài chính hạn hẹp nên chưa có điều kiện để thực hiện các công trình xanh.

Mặt khác, thói quen tư duy ngắn hạn cũng là một trong những nhân tố khiến cho tốc độ phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn chậm:  

 

"Bởi vì do cách tư duy của họ, cách thức phát triển. Cái thói quen của họ là tính lợi ích ngắn hạn, lợi ích trước mắt sao cho bán được nhiều tiền nhất, để làm sao gặt hái  lợi ích bằng tiền, ngay lập tức, sớm nhất và cao nhất".

Theo PGS-TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, hiện nay việc thực hiện các công trình xanh tại Việt Nam hiện nay chủ yếu do các chủ đầu tư thực hiện tự nguyện. Trong quá trình thực hiện, các chủ đầu tư gặp những khó khăn do không nắm được những yêu cầu cũng như quy trình thực hiện một công trình xanh.

Trong khi, trên thị trường đang áp dụng đồng thời nhiều Bộ công cụ đánh giá công trình xanh khác nhau như Lotus, Leed, Edge, Green Mark…nên doanh nghiệp rơi vào tình trạng loay hoay không biết lựa chọn bộ tiêu chí nào.

Bà Loan phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp không thực sự “mặn mà” với việc đầu tư xây dựng các công trình xanh là do còn thiếu những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và sự thiếu linh hoạt trong sử dụng vốn của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

 

"Hiện nay, không có cơ chế cụ thể nào cho việc khuyến khích phát triển các công trình xanh. Các công trình ngân sách bị điều tiết bởi Luật đầu tư công và những quy trình thực hiện nó rất khắt khe nghiêm ngặt. Các định mức đơn giá cho các công trình đầu tư công thì cũng khá chặt chẽ. Nếu thực hiện các công trình xanh từ đầu, chi phí có thể tăng từ 1 đến 5 % tổng mức đầu tư. Nhưng, các công trình vốn nhà nước thì chúng ta không có một độ đàn hồi cho phần kinh phí này cho nên việc thực hiện rất là khó khăn".

Bà Loan nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng các công trình xanh có thể làm phát sinh chi phí đầu tư ban đầu, nhưng bằng việc sử dụng những vật liệu, công nghệ mới, về lâu dài có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí vận hành, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia. Điển hình như Đài Loan, mỗi năm có hơn 1.000 công trình được cấp chứng nhận xanh, trong khi Singapore, tỷ lệ công trình xanh hiện đã đạt 50%.

Cùng với những cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm thiểu khí phát thải nhà kính, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng ban hành những quy định, yêu cầu buộc các doanh nghiệp thực hiện phát triển công trình xanh và sớm có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích xu hướng này trong thời gian tới.

Xây dựng các công trình xanh có thể làm phát sinh chi phí đầu tư ban đầu nhưng về lâu dài có thể tiết kiệm nhiều chi phí vận hành công trình

Xu hướng thiết kế và xây dựng các công trình xanh ở Việt Nam đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở nước ta. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn so với những quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Để xu hướng này có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai, thì cần phải luật hóa thành những quy định cụ thể.

Đây cũng chính là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Xanh hóa công trình, không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích

 

Với tốc độ đô thị hóa đạt 39,2% và được dự báo sẽ tăng đến 50-52% vào năm 2030, các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề: thiếu hụt về năng lượng, quá tải hạ tầng và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ngành xây dựng đang có tốc độ tăng trưởng gần 10% mỗi năm, là lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên và có mức độ phát thải khí nhà kính nhiều nhất.

Để giải quyết những vấn đề trên và thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường mà Việt Nam đã cam kết, đòi hỏi Chính phủ cần có những hành động quyết liệt, những biện pháp rốt ráo để thúc đẩy phát triển các công trình xanh, thị trường xây dựng xanh.

Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về công trình xanh và những lợi ích mang lại của công trình xanh. 

Công trình xanh không chỉ là những công trình có nhiều cây xanh mà là những công trình được thiết kế, sử dụng những vật liệu, công nghệ thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm năng lượng, nước, quản lý và xử lý hiệu quả rác thải, hạn chế những tác động đến môi trường.

Xây dựng các công trình xanh có thể làm phát sinh chi phí đầu tư ban đầu nhưng về lâu dài có thể tiết kiệm nhiều chi phí vận hành công trình.

Thứ hai, thực hiện chính sách Nhà nước đi đầu trong xây dựng các công trình xanh. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng từ 3.000-4.000 công trình sử dụng vốn ngân sách được xây dựng.

Những công trình này cần phải tiên phong trong phát triển theo xu hướng xanh, làm tiền đề khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác thực hiện. Đây cũng là chính sách của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện. 

Xây dựng, phát triển các công trình xanh cần phải được coi là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương, các doanh nghiệp, chủ đầu tư thay vì chỉ dừng lại ở việc khuyến khích như hiện nay. Đi kèm với đó là những chính sách ưu đãi về thuế, mật độ xây dựng, diện tích xây dựng…và những chính sách khuyến khích cho các thành phần tham gia. 

Việc xây dựng một Bộ công cụ đánh giá công trình xanh dành riêng cho Việt Nam hoặc lựa chọn một Bộ công cụ đánh giá làm tiêu chuẩn nền cũng cần sớm được thực hiện, bởi nó là căn cứ để các doanh nghiệp thực hiện.

Xanh hóa các công trình cần phải được thực hiện đồng thời ở các công trình xây dựng mới và các công trình hiện hữu. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng cần xem xét đến các dự án cải tạo, chỉnh trang hay thay đổi thiết kế để làm sao những công trình hiện có trở nên xanh hơn.

Thúc đẩy xây dựng và phát triển công trình xanh, chuyển dịch ngành xây dựng theo hướng xanh là xu hướng tất yếu của các đô thị văn nh.

Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, rất cần sự quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan thông qua những hành động cụ thể, như việc điều chỉnh những chính sách hiện có theo hướng linh hoạt hơn, bổ sung thêm những quy định mới về suất đầu tư, định mức đầu tư trong các dự án sử dụng vốn ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình xanh.  

Song song với đó, rất cần sự đồng hành của các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, đơn vị thiết kế cùng tham gia, phối hợp triển khai dự án đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh.