Cần sớm xử lý vi phạm dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber

VOVGT - Một số ý kiến đề nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp mạnh mẽ với Grab và Uber khi đưa vào sử dụng dịch vụ xe đi chung.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đề cập hoạt động đi chung của Grab và Uber, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, ngay khi nhận được công văn của công ty Grab về việc triển khai dịch vụ đi chung xe (gọi tắt là Grabshare), Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Grab và Uber không triển khai dịch vụ đi chung xe với xe hợp đồng.

Cụ thể, theo ông Ngọc, đối với dịch vụ Grabshare, Bộ GTVT cho rằng việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải là không sử dụng dữ liệu thiết bị điển tử thay cho hợp đồng vận tải. Vì vậy, Bộ yêu cầu không chỉ công ty TNHH Grab, mà các đơn vị tham gia Đề án thí điểm không thực hiện dịch vụ này.

Tương tự như vậy, đối với giải pháp UberPOOl, hình thức đi xe chung khác của công ty TNHH Uber Việt Nam, Bộ GTVT cũng cho rằng tương tự như Grabshare. Do vậy, Bộ cũng đề nghị Uber không áp dụng loại hình này.

Ông Ngọc nói: "Bộ GTVT hoàn toàn hiểu được lợi ích của việc đi chung xe, nhưng đã là xe hợp đồng thì mỗi xe chỉ ký một hợp đồng vận tải. Và quan trọng nhất, hiện nay các cơ sở pháp lý không ủng hộ việc đó. Thông tư 63 quy định rõ là không được ký 2 hợp đồng đối với một xe. Trong Nghị định 46 cũng quy định rất rõ nếu có 2 hợp đồng với một xe thì bị phạt".

 

>>> Lúng túng trong quản lý làm khó taxi truyền thống

Mặc dù Bộ GTVT đã có chỉ đạo các doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ xe đi chung, tuy nhiên, đến thời điểm này, Grab vẫn ngang nhiên thực hiện tính năng GrabShare. Còn Uberpool của công ty Uber Việt Nam cũng chuẩn bị đưa dịch vụ này vào sử dụng, bất chấp các chỉ đạo của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Về điều này, đại diện công ty taxi Sao Mai – một trong 7 đơn vị được Bộ GTVT cấp phép tham gia Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý kết nối vận tải bằng xe hợp đồng cũng cho biết, Uber và Grab đang không tuân thủ pháp luật Việt Nam, Grab vẫn triển khai rầm rộ dịch vụ đi chung tại Hà Nội và Tp. HCM. Còn Uber vẫn có kế hoạch đưa dịch vụ này vào hoạt động. Do vậy, theo đại diện hãng taxi Sao Mai, Bộ GTVT cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với vi phạm của các đơn vị này.

Đại diện công ty taxi Sao Mai nói: "Chúng ta đều nhìn thấy, khi Bộ đã có công văn hỏa tốc, nhưng cả Grab và Uber vẫn bỏ qua, Grab vẫn triển khai bình thường và Uber đang chưa triển khai dịch vụ đó. Và nếu như việc xử lý đối với Grabshare không được dứt điểm thì 7 đơn vị thí điểm chúng tôi cũng sẽ tiến hành dịch vụ đi chung".

 

Cũng theo đại diện Công ty Sao Mai, nếu Bộ GTVT chậm trễ trong việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm, mà chỉ có sự nhắc nhở sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng lên tiếng phản đối kịch liệt và khẳng định đó là hành vi vi phạm pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải. Do vậy, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng liên quan cần có hành động mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Ông Thanh cho biết thêm: "Quan trọng là cơ quan Nhà nước phải ra tay, trả lời rõ, quản lý đến nơi và xử lý nghiêm. Không thể để tình trạng ta cấm. chưa cho phép làm, họ cứ làm, chả làm gì được cả".

 

Được biết, để ngăn chặn các doanh nghiệp như Uber và Grab thực hiện sai quy định, Bộ GTVT cho biết sẽ yêu cầu thanh tra giao thông các địa phương đang thực hiện thí điểm tăng cường xử lý các xe cung cấp dịch vụ đi chung. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính từ 4 đến 6 triệu đồng/lần.

Theo quy định hiện hành, dịch vụ đi chung bằng hợp đồng điện tử như của công ty Grab đang thực hiện là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, phớt lờ quy định và chỉ đạo của Bộ GTVT, Grab vẫn đang triển khai dịch vụ này, trong khi Uber cũng đang có kế hoạch đưa dịch vụ đi chung UberPool tham gia vào thị trường vận tải bằng xe hợp đồng. Do vậy, việc hành đồng mạnh mẽ, áp dụng chế tài xử lý nghiêm đối với những đơn vị này là cần thiết để tạo lập lòng tin cho các doanh nghiệp vận tải, tạo sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh.