Cần sớm khắc phục tình trạng 'lệch pha' trong việc xử lý xe quá tải

VOVGT - Việc xử lý xe quá tải hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tình trạng không thống nhất trong căn cứ xử phạt xe quá tải khiến nhiều lái xe bức xúc.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc không thống nhất trong căn cứ xử phạt xe quá tải khiến nhiều lái xe bức xúc.

Phản ánh đến Kênh VOVGT Quốc gia, anh Nguyễn Đức Long, một tài xế xe tải ở Huế cho biết: anh điều khiển phương tiện chở hàng từ Huế ra Bắc. Khi đến địa phận tỉnh Hưng Yên thì bị lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện lỗi chở hàng quá tải từ 10 đến dưới 30% và vi phạm tải trọng cầu từ 10-20%.

Theo anh Long, thông thường, với những lỗi này, lực lượng CSGT sẽ phạt lái xe căn cứ theo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Hưng Yên đã xử phạt anh Long với 2 mức phạt: 3,4 triệu đồng đối với lái xe và phạt 12 triệu đồng đối với doanh nghiệp.

Anh Long bức xúc: Xe mang tên anh, trong Huế quê anh bắt buộc các đầu xe phải vào Hợp tác xã, khi đó, Hợp tác xã sẽ cung cấp phù hiệu cho anh đi, trên phù hiệu mang tên HTX vận tải Trường An. Như vậy, mức phạt đó như thế nào?

 

Giải thích về quyết định của mình, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên – người trực tiếp xử lý vụ việc cho biết, với trường hợp của anh Nguyễn Đức Long và các trường hợp tương tự, lái xe thường bị phạt 2 lỗi: vi phạm tải trọng xe ở mức 10-30%, thứ hai là vi phạm tải trọng cầu đường. Theo ông Hùng, xe của anh Long dù đăng ký mang tên cá nhân, nhưng phù hiệu mang tên hợp tác xã, nên theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt thì phạt cả chủ xe và lái xe.

Cũng theo ông Hùng, trước khi ban hành quyết định xử phạt, Thanh tra GTVT tỉnh hưng Yên đã có công văn xác nh tại Sở GTVT Thừa Thiên –Huế thì được biết, phù hiệu này cấp cho hợp tác xã.

Ông Hùng nói: Đối với những trường hợp như thế là phải căn cứ vào phù hiệu vì khi tham gia một tổ chức để kinh doanh thì tổ chức đấy là đại diện cho chiếc xe người này, lúc đó đối tượng xử phạt là tổ chức chứ không phải cá nhân.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Hưng Yên nói:

 

Thừa nhận sự bất cập này, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay có sự vênh nhau giữa Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải và nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Cụ thể, lực lượng CSGT thường xử phạt căn cứ vào đăng ký xe. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông lại căn cứ vào phù hiệu để xử phạt, dẫn đến thiếu sự nhất quán trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, với các xe quá tải thường phải chịu 3 mức phạt, thứ nhất là lái xe, chủ doanh nghiệp và đơn vị bốc xếp hàng hóa. Những quy định này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập huấn rất kỹ cho các lực lượng thanh tra giao thông thực thi nhiệm vụ trên đường.

Theo ông Huyện, có thể lực lượng công an chỉ phạt 1 lỗi, dẫn đến có sự vênh nhau khi căn cứ xử phạt và mức phạt đối với hành vi chở quá tải. Thậm chí, ngay cả lực lượng thanh tra giao thông cũng có khi chỉ phạt phạt lỗi vi phạm tải trọng đường bộ.

Ông Huyện nói: Cái này trong lực lượng thanh tra các Sở có. Vì vậy tại sao một xe chở quá tải trên 100% là phạt 70 triệu, nhưng bên dưới chỉ phạt có ba mấy triệu, tức là không phạt những hành vi tiếp theo.

 

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng xe quá tải có dấu hiệu tái diễn (Ảnh nh hoạ)

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng xe quá tải có dấu hiệu tái diễn, chủ yếu tại các vùng có mỏ vật liệu xây dựng, các cảng nhỏ, các khu mà các lực lượng kiểm soát không với tới được. Đặc biệt là xe cơi nới thành thùng xuất hiện tương đối nhiều với mục tiêu là chở quá tải. Đây là tình trạng đáng báo động. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải chạy đường dài cũng đã xuất hiện, và đã bị phát hiện, bắt giữ.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng thanh tra giao thông vận tải và các Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về tải trọng.

Ông Chung cho biết thêm: Không vì một lợi nhuận rất nhỏ mà đem lại sự mất công bằng trong kinh doanh vận tải đường bộ. Và đặc biệt là hậu quả gây hỏng đường mà trực tiếp đến mình là hỏng xe, tai nạn. Mặt khác, lái xe có thể đi qua được người nọ, người kia, qua trạm nọ, trạm kia, nhưng chỉ cần một lực lượng kiểm tra, một chốt kiểm tra thì tiền phạt ấy có thể làm 1 tháng, 2 tháng không đủ.

Nghe ý kiến của ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ:

 

Tuy vậy, đề cập giải pháp khắc phục, ông Chung cũng cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang giao cho các đơn vị liên quan rà soát, tạo sự thống nhất trong thực thi nhiệm vụ thực hiện.