Cân nhắc biện pháp xử phạt lao động công ích với vi phạm ATGT

VOVGT- Việc tuyên truyền, xử phạt đã được đẩy mạnh, với hàng triệu trường hợp bị xử lý mỗi năm, nhưng tình trạng “nhờn” luật vẫn diễn ra.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thay bằng việc xử phạt hành chính, chúng ta có thể nghĩ đến hình thức xử phạt lao động công ích (Ảnh: Báo Lao động)

Đề cập việc quy định hình thức xử phạt lao động công ích đối với một số hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng UBATGTQG cho rằng đây là hướng đi rất đúng và và nhân văn. Đây cũng là hình thức phạt bổ sung đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo ông Minh, trong từng hành vi vi phạm, từng tình tiết cụ thể, có thể yêu cầu người vi phạm làm việc nào đó có ích cho xã hội. Bởi vì phạt tiền đôi khi gây sức ép không cần thiết và đôi lúc không phải ai cũng đủ tiền nộp phạt.

TS Trần Hữu Minh nói: Lao động công ích là giải pháp người vi phạm phải dành thời gian suy nghĩ về việc làm của mình và họ phải dnhf thời gian làm việc gì đó tốt cho cộng đồng. Nh vậy nó rất nhân văn và giúp người vi phạm nhớ rất lâu hành vi vi phạm đó. Đó là mục tiêu của xử phạt.

 

Nói về kinh nghiệm quốc tế, TS Trần Hữu Minh cho rằng phần lớn các quốc gia đều có, trong đó tùy từng hành vi để áp dụng. Chẳng hạn những hành vi có mức độ nguy hiểm cao đối với cộng đồng thì thông thường ngoài phạt về tiền, thì còn phạt bổ sung là lao động công ích để vừa đánh vào túi tiền, vừa đánh vào hành vi, nhận thức của người vi phạm. Như vậy sẽ giúp thay đổi rất mạnh về nhận thức của người tham gia giao thông để từ đó thay đổi hành vi khi tham gia giao thông.

Người vi phạm Luật giao thông phải tham gia lao động công ích mục đích là để nâng cao nhận thức, giáo dục (Ảnh: Tuổi trẻ)

Đồng tình quan điểm này, TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cũng cho rằng, hình thức xử phạt vi phạm giao thông bằng việc bắt buộc lao động công ích sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện tại xét trên phương diện pháp luật thì đề xuất này rất khó khả thi. Theo ông Tuấn, hành vi vi phạm trong linh vực trật tự an toàn giao thông được xếp vào nhóm vi phạm hành chính và chỉ bị xử phạt hành chính, như tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe, phạt tiền…

Trong khi đó, phạt lao động công ích lại là câu chuyện khác. Trong các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Giao thông đường bộ hay Nghị định 46 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đều không có văn bản nào quy định người vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt lao động công ích. Như vậy, để có thể áp dụng đề xuất phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông thì điều đầu tiên cần làm là phải sửa đổi các điều luật hiện hành, bổ sung thêm quy định này. Nhưng việc sửa đổi, bổ sung luật không phải muốn là có thể làm được ngay mà cần có lộ trình cụ thể.

>>>Cần hạn chế tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ khi vi phạm

TS Lê Anh Tuấn nói: Người vi phạm Luật giao thông phải tham gia lao động công ích mục đích là để nâng cao nhận thức, giáo dục thôi. Nhưng để làm được việc đó, đi kèm với nó là cả một hệ thống về luật, về thể chế chặt chẽ. Ở Việt Nam, cái này thiên về phần pháp chế và cưỡng chế khi xử phạt, thực thi cái xử phạt đó như thế nào.

 

Bên cạnh đó, Ts Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, ngay cả trong trường hợp luật quy định xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông thì khi thực hiện cũng sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề khác, chẳng hạn như: Đơn vị nào sẽ quản lý, giám sát người vi phạm lao động công ích? Thời gian lao động công ích sẽ như thế nào? Nếu một người đang sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng vi phạm giao thông ở Đà Nẵng thì sẽ phạt họ lao động công ích ở đâu... Do vậy, để có thể áp dụng xử phạt lao động công ích đói với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trước hết cần bổ sung quy định này vào Luật và các Nghị định liên quan.

Những ý kiến nêu trên hoàn toàn không mới và đã được các chuyên gia phân tích từ lâu. Điều đáng quan tâm là dù nhiều lần dư luận phản ánh, chuyên gia lên tiếng và thực tế ứng dụng tại nhiều nước đã cho thấy hiệu quả của hình thức xử phạt lao động công ích đối với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Do vậy, dư luận cho rằng, cơ quan chức năng liên quan như GTVT, công an cần sớm thúc đẩy việc đưa hình thức phạt bổ sung này vào các văn bản luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện.

>>>Tái diễn nhiều vi phạm gây nguy cơ cao TNGT ở đường Vành đai 3 trên cao