Cần hạn chế tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ khi vi phạm

VOVGT- Khoảng 10.000 xe máy vi phạm giao thông trên địa bàn TP.HCM bị tạm giữ, quá thời gian giải quyết nhưng không có người đến nhận, và trở thành phế liệu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Số phương tiện bị thu giữ mỗi năm là rất lớn (Ảnh: Báo Lai Châu)

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2017, toàn lực lượng CSGT đã xử lý hơn 521.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 17.000 phương tiện, trong đó có 1.300 ôtô, hơn 13.000 môtô, gần 1.400 xe ba bánh...

Theo lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, mặc dù Nghị định 46 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đã giảm bớt nhiều trường hợp phải tạm giữ phương tiện, song hiện vẫn có hơn 20 hành vi vi phạm phải tạm giữ phương tiện. Vì vậy, số phương tiện bị tạm giữ hàng năm rất lớn, khiến hầu hết bãi giữ xe vi phạm rơi vào tình trạng quá tải.

Một lãnh đạo Xí nghiệp 3, thuộc Công ty TNHH 1 thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, mặc dù chỉ là nơi tạm giữ phương tiện vi phạm của Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, Công an huyện Từ Liêm, Thanh tra giao thông huyện Từ Liêm, nhưng tại đây thường xuyên tốn đọng khoảng 1.000 phương tiện, chủ yếu là xe máy. Điều này không chỉ gây lãng phí về tài sản, mà còn khiến khu vực lưu giữ xe vi phạm đối diện nguy cơ cháy nổ cao:

 

“ Phương tiện tồn, theo kinh nghiệm giữ xe vi phạm từ năm 2004 thì phương tiện tồn tăng theo các chiến dịch kiểm tra của các lực lượng chức năng CSGT, TTGT, khi kiểm tra, kiểm soát tăng cường thì các phương tiện vi phạm nói chung tăng lên và số phương tiện tồn cũng tăng lên. Số lượng tồn tăng khoảng 10% mỗi năm.”

Trong 11 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 17.000 phương tiện bị thu giữ (Ảnh: Dân trí)

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, việc để phơi mưa, phơi nắng phương tiện vi phạm đang gây lãng phí rất lớn tài sản của xã hội, bởi, dù đó là tài sản của người vi phạm cũng là của cải của xã hội.

Ông Quyền nói: “Khi để dưới trời mưa, trời nắng, không ai bảo quản rồi nó hỏng đi thì đó là sự lãng phí tài sản của xã hội. Thứ 2 đối với người dân, một chiếc xe là phương tiện đi lại rất cấp thiết hàng ngày, thậm chí còn là phương tiện kiếm sống của người dân, khi bị giữ, không sử dụng được, không khai thác được cũng rất lãng phí của tài sản.”

 

Từ thực tế này, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng UBATGTQG cho rằng nên hạn chế việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính. Theo ông Minh, nếu so sánh việc chỉ cần ghi giấy phạt và cài lên cần gạt nước hay tay nắm cửa xe với việc tạm giữ phương tiện đến khi xử phạt xong thì đòi hỏi rất nhiều chi phí xã hội và cũng rất phức tạp trong triển khai. Do vậy, chỉ nên tạm giữ phương tiện trong trường hợp rất hạn chế.

>>>Lo ngại mất an toàn khi taxi hết niên hạn sử dụng thành xe cá nhân

Chẳng hạn, nếu cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu khả nghi liên quan đến xe đó hoặc đòi hỏi phải điều tra phân tích thêm, hoặc nếu để phương tiện tiếp tục lưu thông có thể gây nguy hại cho cộng đồng thì mới phải tạm giữ phương tiện.

Ông Minh nói: “Còn lại những trường hợp khác nếu như không gây nguy hại mà chỉ là vi phạm hành chính thì tôi cho rằng chúng ta nên xử lý theo hướng phạt nguội, tức là phát hành biên bản phạt và gửi biên bản đó tới chủ xe. Cách này là hiệu quả nhất và là một trong những giải pháp rất quan trọng góp phần giáo dục, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.”

 

TS Trần Hữu Minh cũng cho rằng, để thực hiện được việc phạt nguội một cách hiệu quả mà không cần phải tạm giữ phương tiện, phải chuẩn bị hàng loạt hệ thống, từ thể chế, kết cấu hạ tầng, về trang thiết bị... Thông thường, ở các quốc gia phát triển luôn phải đảm bảo có hệ dữ liệu được cập nhật thường xuyên về chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện.

Quan trọng hơn là hệ thống địa chỉ để nhà chức trách có thể liên lạc, gửi giấy phạt và cưỡng chế thực thi nếu người vi phạm không nộp phạt. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ xây dựng, Bộ GTVT, Bộ tư pháp, Bộ Công an và cả chính quyền địa phương.

 

Ông Minh cho biết thêm: “Trong bối cảnh của Việt Nam thì việc xây dựng dữ liệu về địa chỉ có khối lượng công việc rất lớn, nhưng chắc chắn phải làm để làm sao hình thành một hệ dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quản lý TTATGT. Nếu có hệ dữ liệu đó và chia sẻ giữa các cơ quan chức năng thì công tác quản lý, xử phạt sẽ được thực hiện rất hiệu quả và lúc đó không cần phạt nhiều, mà chỉ một hình phạt với chi phí thấp nhưng có sức lan tỏa sâu trong xã hội.”

>>>Hà Nội ra quân xử lý vi phạm trật tự ATGT những tháng cuối năm