Cần đơn giản hóa thủ tục giải quyết xe vi phạm (Bài 3): Quy trình thế nào?

VOVGT - Theo quy định, quá trình từ khi tạm giữ phương tiện đến khi ra được quyết định tịch thu phương tiện ít nhất phải mất 6 tháng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Như các bài viết trước đã đề cập, mặc dù quy định hiện hành đã giảm đáng kể các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông phải tạm giữ phương tiện, song lượng phương tiện tồn tại các bãi tạm giữ vẫn gia tăng, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Vậy, quy trình xử lý xe vi phạm tồn đọng hiện nay ra sao; vì sao nhiều phương tiện bị tồn đọng lâu ngày vẫn không thể giải quyết?

>>> Đơn giản hóa thủ tục giải quyết xe vi phạm (Bài 1): Những bãi xe hàng trăm triệu đồng biến thành sắt vụn

>>> Đơn giản hóa thủ tục giải quyết xe vi phạm (Bài 2): Khi chủ bỏ của chạy lấy người

Quy trình giải quyết phương tiện tồn đọng gặp một số khó khăn khi thực hiện. Ảnh: Báo Bắc Giang

Đề cập thủ tục, trình tự để tịch thu phương tiện bị tạm giữ, đại úy Đỗ Xuân Khoa, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện tại quy trình đang thực hiện theo hướng dẫn số 09 của Công an Thành phố về việc giải quyết phương tiện tồn đọng.

Theo đó, khi phương tiện hết thời hạn tạm giữ theo quy định (2 tháng), lực lượng chức năng sẽ kiểm tra số khung, số máy thực tế trên xe. Tuy vậy, ngay ở khâu này đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng bởi số máy có thể nhìn dưới gầm phương tiện, còn số khung của một số phương tiện lại nằm dưới yên xe. Nếu mở yên xe không được phép của chủ phương tiện sẽ gây rắc rối về sau.

 

"Việc mở yên xe để kiểm tra số khung, khi cơ quan chức năng mở yên khi không được sự cho phép của người vi phạm thì sau 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, người ta lên người ta bảo xe của tôi bị cậy, phá, đục thế này, các ông tự ý mở yên của tôi ra lấy đồ hoặc thế nào đấy… Chẳng may xảy ra trường hợp đấy thì trách nhiệm rất vất vả, và rất nhiều cơ quan phải giải trình việc đó. Vấn đề phát sinh ngay từ khâu bắt đầu làm là khâu kiểm tra số khung số máy đã bị vướng".

Sau khi kiểm tra số khung, số máy phát hiện bị đục xóa lại phải giám định. Quá trình giám định lại phải mất thời gian nữa vì từ số khung, số máy sẽ phải tra cứu trên dữ liệu xe tang vật.

Nếu tra cứu đúng dữ liệu của xe thì sẽ mời chủ sở hữu đến giải quyết. Nhưng xác nh chủ phương tiện rất khó khăn. Chủ phương tiện hoặc là chuyển nhà, chuyển địa chỉ, đã mất hoặc bán xe mà không sang tên đổi chủ…nên việc xác định chủ sở hữu cuối cùng mất nhiều thời gian.

Đại úy Đỗ Xuân Khoa cho biết thêm:

 

"Có nhiều trường hợp khi mời chủ phương tiện cuồi cùng lên thì họ đã bán qua rất nhiều người, có những xe là tang vật các vụ án, có những xe là do mất phương tiện, nhưng người ta không trình báo hoặc có trình báo nhưng vì một lý do nào đó mà cơ quan chức năng chưa đẩy lên hệ thống tang vật toàn quốc nên nếu không cẩn thận chúng ta tịch thu nhầm tang vật các vụ án".

Hàng trăm phương tiện cũ nát không ai đến nhận tại bãi trông giữ xe vi phạm Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Báo Giao thông

Thừa nhận thực tế này, Đại úy Trần Thị Hồng Nhung, Phó đội trưởng đội Tuyên truyền giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm đường bộ, đường sắt, Phòng CSGT, Công an Tp.HCM cho rằng, không chỉ việc xác định chủ sở hữu khiến việc tịch thu, đấu giá phương tiện tạm giữ bị tồn đọng mất thời gian, mà ngay cả việc định giá phương tiện cũng không dễ. Bởi việc định giá phương tiện phụ thuộc nhiều cơ quan, từ Sở Tài chính, Sở GTVT, Công an Thành phố… nên việc sắp xếp thời gian giữa các cơ quan này cũng không dễ dàng.

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung cho biết:

 

"Trình thự, thủ tục để ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu. Một số phương tiện bị tạm giữ không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, dẫn đến không cần thiết, gây lãng phí".

Sau khi tra cứu các thủ tục sẽ niêm yết tại trụ sở những phương tiện không tìm thấy chủ sở hữu hoặc người điều khiển không đến giải quyết sẽ đăng báo ít nhất 2 lần. Sau 1 tháng đăng báo mà không ai đến nhận hoặc giải quyết phương tiện đó thì lực lượng chức năng mới đề xuất để ra quyết định thu.

Quá trình ra quyết định thu cũng khiến cơ quan chức năng "toát mồ hôi", bởi Hội đồng định giá gồm nhiều cơ quan nên việc mời các đơn vị sắp xếp thời gian cũng rất mất thời gian. Do vậy, quá trình từ khi tạm giữ phương tiện đến khi ra được quyết định tịch thu phương tiện ít nhất phải mất 6 tháng.

Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính khi phương tiện bị tạm giữ tồn đọng quá lâu tại các bãi giữ xe. Điều này không chỉ tránh lãng phí tài sản của xã hội, mà còn giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các bãi giữ xe vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ hiện nay. Những nội dung này sẽ được chũng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.