Cần dỡ bỏ những rào cản trói buộc taxi truyền thống

VOVGT- Taxi truyền thống đang phải cạnh tranh bất bình đẳng với xe ứng dụng khoa học công nghệ vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử….

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong khi taxi truyền thống bị khống chế số lượng thì taxi công nghệ lại gia tăng nhanh chóng

Theo thống kê của Vụ Vận tải, Bộ GTVT, hiện tại, cả nước đã có gần 30 nghìn xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách. Tuyệt đại đa số xe tham gia thí điểm kết nối với 2 ứng dụng Uber và Grab; chỉ có khoảng hơn 1.000 xe là kết nối với các ứng dụng nội địa.

Riêng tại Hà Nội, hiện nay có 7 đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm với khoảng 14.500 xe, trong đó Công ty TNHH Uber Việt Nam có 2.282 xe, Công ty TNHH Grabtaxi: có trên 11 nghìn xe.

Như vậy, hiện Hà Nội đã có 21.800 xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi và 19.265 taxi truyền thống. Đề cập sự gia tăng quá nhanh số lượng phương tiện tham gia vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử như Uber, Grab, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, điều này là bất hợp lý đối với taxi truyền thống.

>>>Taxi ở Việt Nam bị bỏ rơi trên hành trình chính sách (Kỳ 1): DN thiệt thòi, người dân bí bức

Theo ông Bình, trong khi taxi truyền thống bị khống chế số lượng, từ năm 2011 đến nay không được phép tăng đầu xe, trong khi taxi ứng dụng công nghệ gia tăng nhanh chóng.

Do vậy, theo ông Bình, cần nếu không khống chế được số lượng xe tham gia đề án thí điểm ứng dụng công nghệ trong vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử thì cũng phải dỡ bỏ quy định khống chế số lượng xe taxi truyền thống.

Ông Bình nói: “Với phần quy hoạch của UBND TP. Hà Nội thì cho tới năm 2020 thì số lượng mới đạt 25 nghìn xe, nhưng thực tế con số tại Hà Nội đã lên tới hơn 40 nghìn xe. Quản lý chặt chẽ thế nào mà để rồi dẫn tới tình trạng bất ổn trong xã hội.”

 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội cũng kiến nghị cần coi taxi truyền thống như một phương thức vận tải công cộng đúng nghĩa. Lý giải về điều này, ông Bình cho rằng, mõi năm taxi truyền thống vận chuyển được hơn 150 triệu lượt khách, nhưng hiện tại vẫn bị xếp sau cùng trong các chính sách quản lý, thậm chí xếp sau cả xe cá nhân.

Theo ông Bình, khi đã coi taxi truyền thống là phương tiện công cộng thì sẽ không có chuyện hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường như hiện nay: “Nếu coi tôi là công cộng thì ông không được cấm tôi ở những tuyến phố cấm. Vì ông coi tôi dưới cả xe cá nhân, có nghĩa là thấp nhất trong các loại phương tiện vận tải.

 

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc doanh nghiệp taxi Nguyên Minh cho biết, việc hạn chế taxi trên một số tuyến phố là quy định bất hợp lý vì taxi đã được Bộ GTVT coi là một loại hình vận tải hành khách công cộng, nhưng không những không được hưởng những ưu tiên nhất định, mà ngược lại, taxi còn bị hạn chế hoạt động ở nhiều tuyến phố, có tuyến phố cấm theo giờ, có tuyến cấm toàn bộ.

Taxi truyền thống bị hạn chế ở nhiều tuyến phố khiến người dân khó khăn trong việc sử dụng

Trong khi xe hợp đồng điện tử hoạt động theo đề án thí điểm của Bộ GTVT, cũng vận chuyển hành khách như taxi lại không bị cấm. Đó là điều bất hợp lý.

Ông Nguyễn Hồng Minh nói: “Khi một khách hàng gọi taxi, nếu đường phố đó bị cấm thì taxi phải đi vòng, dẫn đến tiêu hao nhiên liệu nhiều, dẫn đến tắc đường ở những khu vực khác, công sức lái xe, hao mòn máy nhiều, cước phí đương nhiên là đắt hpn taxi công nghệ. Một ông đi đường chim bay thì 5 cây, nhưng một ông đi đường vòng thì phải 7 cây, rõ ràng nó dài hơn 2 cây thì cước phí nó phải đắt hơn 2 cây. Rõ ràng nó là một sự cạnh tranh không công bằng.

 

Không chỉ góp phần tạo ra sự mất công bằng trong sự cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ, việc hạn chế taxi vào một số tuyến phố cũng góp phần làm gia tăng phương tiện cá nhân trên đường phố.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM cũng cho rằng, trong khi taxi truyền thống bị bó buộc bởi 13 điều kiện, từ phương tiện, con người đến chính sahcs giá, thuế, thì Uber, Grab thì gần như không có điều kiện rằng buộc nào, như: không bị hạn chế đi vào phố cấm, thậm chí trong giờ cao điểm, các phương tiện tham gia thí điểm còn tăng giá cước.

Theo ông Hỷ, đây chính là sự bất ổn về cơ chế chính sách và điều kiện kinh doanh, dẫn đến khó có sự công bằng mặc dù hình thức kinh doanh và phương tiện kinh doanh thì hoàn toàn giống nhau. Từ những bất cập trong chính sách quản lý đối với taxi truyền thống nêu trên, một số ý kiến cũng đề xuất một số điểm mới nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ.

>>>410 phương tiện chưa nộp lại phù hiệu bị thu hồi: Cần chế tài mạnh hơn