Cần định danh cho loại hình vận tải như Uber, Grab

VOVGT - Trong khi cơ quan quản lý khẳng định đây là loại hình vận tải bằng hợp đồng, có ý kiến lại cho rằng, bản chất của Uber, Grab hiện nay là hoạt động taxi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cần định danh cho loại hình vận tải như Uber, Grab

Tại cuộc họp đối thoại với các doanh nghiệp taxi truyền thống và các địa phương tham gia đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT cho rằng, bản chất của loại hình gọi xe bằng ứng dụng công nghệ như Grab, Uber hiện nay là loại hình vận tải bằng hợp đồng điện tử.

Lý giải về điều này, ông Ngọc cho rằng, Uber, Grab đã được Bộ GTVT phê duyệt đề án thí điểm hợp đồng điện tử, tức là thay hợp đồng giấy bằng điện tử, chứ không phải taxi. Thêm vào đó, cả hai loại hình này đều có quy định phải đăng ký kinh doanh vận tải, phải có lái xe đảm bảo tiêu chuẩn về bằng cấp, sức khoẻ..., xe phải đảm bảo các điều kiện môi trường và an toàn kỹ thuật, được đăng kiểm và xe phải được gắn các thiết bị giám sát hành trình.

Ông Ngọc nói: "Xe này không phải xe taxi, nó khác với taxi ở một loạt điểm khác nhau, xe taxi thì tính theo km, hành khách đi theo km nào thì trả tiền theo km ấy. Xe hợp đồng thì đã ký hợp đồng trước rồi cho nên tôi trả tiền theo cái đã thỏa thuận, còn anh đi đường dài ngắn thế nào mặc kệ anh, tắc đường anh phải chịu".

 

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận, loại hình vận tải bằng hợp đồng điện tử lại không thuộc 5 loại hình vận tải đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa loại hình vận tải này vào quản lý cho phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: "Hiện nay chúng ta có 5 loại hình vận tải, trong đó taxi là một loại hình, và vận tải bằng hợp đồng là một loại hình. Như vậy, rõ ràng khi xuất hiện Grab, Uber thì chúng tôi sẽ tiếp thu, làm rõ thêm để đưa vào sửa đổi Nghị định số 86 sắp tới để nó rõ ràng hơn".

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty taxi Thành Công (Hà Nội) cho rằng, cần xác định rõ loại hình xe vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử như Grab, Uber đang hoạt động hiện nay. Theo ông Quân, mô hình hoạt động hiện nay của các đơn vị tham gia đề án thí điểm bản chất là hoạt động của taxi, nhưng cơ chế quản lý đang coi đó là xe hợp đồng điện tử. Chính điều này khiến cơ quan quản lý lúng túng trong việc đề ra biện pháp quản lý phù hợp.

Ông Quân nói: "Do việc chưa định danh được cho nó trong 5 loại hình vận tải hiện nay chúng ta đang có thì mới đưa ra vấn đề thí điểm. Do vậy, việc thí điểm phải có thời hạn và kết thúc. Từ việc hoạt động thực tế, từ việc chứng nh hoạt động của nó, bản chất của nó là taxi, thì theo quan điểm của tôi, sau khi hết thời gian thí điểm thì phải định danh đúng bản chất của nó và nếu nó là taxi thì hãy để nó là taxi. Và từ cái định danh thì chúng ta mới có được cơ chế quản lý".

 

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, Grab, Uber đang hoạt động như taxi nhưng lại áp hình thức “xe hợp đồng” là chưa đúng bản chất. Theo ông Bình, bản chất của loại xe vận tải hành khách như Grab và Uber là hoạt động của taxi. Điều này cũng được nhiều nước thực hiện và xếp vào loại hình taxi để có biện pháp quản lý phù hợp.

Ông Bình nói: "Bắt buộc phải định danh nó, và định danh nó là taxi đặt xe qua mạng. Các nước khác cũng đặt như vậy và Trung Quốc cũng đặt như vậy, đích danh tên nó là như vậy. Khi đặt tên cho nó rồi thì sẽ có giải pháp thứ hai là biện pháp quản lý".

 

Cũng theo ông Đỗ Quốc Bình, nếu Uber, Grab định danh đúng với bản chất hoạt động của các hãng, được quản lý chặt chẽ như taxi thì các hãng taxi truyền thống hoàn toàn có thể cạnh tranh một cách song phẳng với Uber, Grab. Tuy nhiên, hiện nay, trong khi taxi truyền thống bị trói buộc bởi nhiều quy định, thì Uber, Grab lại đang được thả lỏng, trong khi về bản chất 2 loại hình này gần như tương đồng, điều này khiến nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống gặp khó và chịu thiệt thòi khi Uber, Grab nở rộ.