Cần có thuốc đặc trị

Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi đi mô tô, xe gắn máy vào cao tốc, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Đối với hành vi này, mức phạt thôi là chưa đủ, cần có biện pháp giám sát hữu hiệu, để người vi phạm biết rằng, cứ vi phạm sẽ bị phát hiện và xử lý. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy vào cao tốc. Nghị định 100/2019 cũng quy định xử phạt 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng và tạm giữ xe máy đến 7 ngày đối với hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc.

Với những mức phạt này, khó có thể nói người vi phạm không sợ bị phát hiện, xử lý. Đó là chưa kể những nguy hiểm tiềm ẩn đối với cả người vi phạm khi cố tình điều khiển mô tô, xe gắn máy vào cao tốc.

Nhưng vì sao vi phạm vẫn diễn ra?

Về thiết chế đường cao tốc, hầu hết các tuyến có thu phí đều có hệ thống camera giám sát, nên ngay khi phát hiện vi phạm, đơn vị quản lý tuyến đường sẽ dễ dàng ghi nhận, phối hợp với lực lượng chức năng dừng xe để xử lý nên tần suất vi phạm giảm đáng kể.

Điều này phần nào đã được thể hiện qua số liệu xử lý vi phạm trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Cụ thể, trong số 260 vụ xe máy đi vào cao tốc được ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2022, gần 99% số vụ vi phạm được ghi nhận thực hiện từ km số 0 (điểm giao giữa vành đai 3 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) – đến km số 10 (nơi đặt trạm thu phí đầu tiên).

Điều đó cho thấy, những người điều khiển mô tô, xe gắn máy biết rõ nếu vi phạm trên các đoạn đường đang thu phí, có hệ thống camera giám sát, dễ bị chốt chặn và xử lý ngay tại các điểm thu phí, nên rất ít trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm trong những đoạn đường này.

Trong khi đó, để ngăn chặn hành vi điều khiển mô tô, xe máy vào cao tốc, đến thời điểm này, các lực lượng chức năng vẫn phải lập các chốt chặn để kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm ngay tại hiện trường.

Ngay cả các lực lượng chức năng cũng thừa nhận, biện pháp này không thể ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm, bởi chỉ cần vắng bóng CSGT, hành vi vi phạm lại diễn ra.

Thêm vào đó, toàn tuyến Đại lộ Thăng Long hoặc Vành đai 3 trên cao có hàng chục lối ra, vào thì việc bố trí lực lượng túc trực thường xuyên gần như là điều bất khả thi.

Đó là chưa kể, khi thấy bóng dáng lực lượng CSGT tuần tra, chốt chặn, không ít phương tiện bỏ chạy, thậm chí chạy ngược chiều, càng tiềm ẩn nguy cơ TNGT cho cả phương tiện ô tô lưu thông trên tuyến.

Đáng chú ý, dù nhiều lần lực lượng chức năng kiến nghị lắp đặt hệ thống camera, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, phần vì thiếu dự án, phần vì vướng các thủ tục với dự án đầu tư công…

Tuy vậy, trong khi chưa có hệ thống camera giám sát, trước mắt, cần sớm đưa vào áp dụng và huy động dữ liệu hình ảnh của người dân về tình trạng vi phạm. Bởi rất nhiều ô tô đã trang bị hệ thống camera hành trình. Chỉ cần huy động được những dữ liệu này cũng góp phần đáng kể trong việc phát hiện hành vi vi phạm.

Bởi thực tế, sau vụ tại nạn đáng tiếc xảy ra ngày 8/5 trên Đại lộ Thăng Long khiến 1 cô gái tử vong, hình ảnh do VOV Giao thông đăng tải về 1 người đàn ông không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy vào cao tốc và sử dụng điện thoại khi lái xe, nhiều thính giả đã nhận diện được “người quen” và không ngại ngần bêu tên họ.

Do vậy, chắc chắn, những hành vi vi phạm sẽ được giảm thiểu dưới sự giám sát của cộng đồng.

Về lâu dài, chỉ có thể đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, giám sát bằng hệ thống camera mới có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn triệt để hành vi đặc biệt nguy hiểm này.

Khi người tham gia giao thông nhận thấy, bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể bị phát hiện, bị ghi nhận và xử lý, chắc chắn họ sẽ phải đắn đo, cân nhắc trước khi thực hiện hành vi vi phạm.