Cần chế tài xử lý xe tồn đọng tại nơi tạm giữ

VOVGT - Một trong những biện pháp được nhiều chuyên gia đề xuất để hạn chế xe bị tồn đọng tại nơi tạm giữ là cho phép người dân được cược tiền xe vi phạm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hàng vạn phương tiện bị tồn đọng tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm gây lãng phí

Đề cập việc hàng nghìn phương tiện bị tồn đọng tại nơi tạm giữ, ông Hoàng Minh Hải, Phó giám đốc Xí nghiệp 3 - đơn vị trông giữ xe vi phạm tại Mỹ Đình cho biết, hiện lượng xe vi phạm tồn tại công ty khoảng 1.000 phương tiện, trong đó phổ biến nhất là phương tiện bị tạm giữ khoảng 2-3 năm. Theo ông Hải, số lượng phương tiện tồn tại bãi giữ xe này thường tăng theo các chiến dịch kiểm tra của các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông và số phương tiện tồn cũng tăng lên.

Ông Hải cho biết, sở dĩ số phương tiện vi phạm bị tồn đọng ngày càng nhiều còn có nguyên nhân từ việc thủ tục thanh lý liên quan đến rất nhiều Sở, ngành, cơ quan. Chẳng hạn, CSGT phải xác nh phương tiện đó có giấy tờ hợp lệ, hoặc xe nhập lậu, xe ăn cắp… và thông thường cũng phải sau 3 năm tạm giữ, nếu chủ phương tiện không đến nhận, cơ quan chức năng mới tiến hành các thủ tục để thanh lý.

Ông Hải nói: "Thật ra mà nói có cơ quan đến thanh lý, mang xe đi đã mừng lắm rồi. Chứ còn để đi đến cơ quan nào đấy để thu lại tiền tổ chức trông xe từ khi bị bắt đến khi thanh lý thì giá trị xe đó không đủ tiền, bởi vì lúc đó thanh lý theo dạng phế liệu".

 

Từ thực tế nêu trên, ông Hải cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế phù hợp, chẳng hạn cho phép người vi phạm cược tiền để họ tự bảo quản phương tiện tại nhà. Khi đó, người dân sẽ yên tâm hơn khi họ được tự bảo quản phương tiện và cũng không tốn kho bãi phục vụ việc tạm giữ phương tiện vi phạm.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang, Giám đốc văn phòng luật sư Đăng Quang (Hà Nội) cũng cho rằng việc cho phép người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện cũng là biện pháp tạo thuận lợi cho người dân trong việc tự bảo quản tài sản để giảm sức ép về kho bãi. Bởi thực tế, những điểm trông giữ xe máy vi phạm hiện cũng đã trở thành sức ép đối với những đơn vị trông giữ xe vi phạm. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đăng Quang cũng cho rằng số tiền bảo lãnh cũng cần đủ lớn để tăng tác dụng răn đe với người vi phạm.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang nói: "Nếu cho cược tiền nhưng tiền cũng phải tương đối cao để đảm bảo, nếu tiền bảo lãnh ít quá thì ai cũng bảo lãnh được, ai cũng nộp được. Phải hơn nhiều số tiền vi phạm, phải bảo đảm gấp nhiều lần và phải giữ giấy tờ xe, thậm chí giữ cả bằng lái của người vi phạm".

 

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng việc cho phép người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo ông Quyền, ở một số nước, đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng, luật pháp còn cho phép bảo lãnh bằng tiền. Tức là người phạm tội có thể bị bắt giam, nhưng cũng có thể nộp khoản tiền để bảo lãnh để tại ngoại.

Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng số tiền bảo lãnh cũng phải tương đối lớn để đủ sức răn đe bởi việc tạm giữ tài sản trong một thời gian nhất định để người vi phạm thấy xót vì tài sản bị giữ và không tái phạm.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, những quy định về đấu giá tài sản vi phạm như hiện nay là thiếu năng động, thiếu hợp lý, tạo ra những hệ quả là lãng phí nguồn lực của xã hội. Theo ông Thủy, cần sớm nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục bán đấu giá tài sản để tránh tình trạng hàng vạn phương tiện cơ giới bị biến thành sắt vụn.

Ông Thủy nói: "Chúng ta làm cái gì có lợi cho xã hội thì chúng ta làm chứ không phải là chần chừ. Tại sao chúng ta không dựa vào các Thông tư, nếu luật thiếu chúng ta có thông tư giải quyết được ngay chứ không nhất thiết phải chờ luật. Cho nên ở đây chúng ta phải uyển chuyển để xử lý thì người dân sẽ hưởng lợi".

 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2017 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp và các Bộ, ngành liên quan giải quyết tình trạng xe bị xử lý vi phạm hành chính tồn đọng tại các bãi tạm giữ, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực của xã hội.