Cần bước đi và lộ trình cụ thể

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục ở ngưỡng báo động tại một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, và an ninh năng lượng đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, thì việc từng bước thay thế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một hướng đi buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để thực hiện được nhiệm vụ đó, công tác chuẩn bị phải bắt tay làm ngay từ bây giờ, với quyết tâm rất cao cho từng bước đi và lộ trình cụ thể.

Nếu nói theo ngôn ngữ của cánh tài xế: “yêu xe như con, quý xăng như máu”, thì việc đổi từ nhiên liệu truyền thống (xăng dầu) sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường, đó là một cuộc “thay máu” theo đúng nghĩa đen, cho hàng chục triệu ô tô xe máy – và con số có thể là hàng trăm, vào thời điểm chúng ta bắt đầu thực hiện được chính sách này.

Giảm dần và tiến tới thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông là yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nhằm góp phần thực hiện các cam kết về môi trường mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.

Song, đó không chỉ là câu chuyện của môi trường. Với những biến động dữ dội của giá xăng dầu thế giới theo tình hình địa chính trị vừa qua và ảnh hưởng nặng nề ngay lập tức của nó đến hàng loạt các lĩnh vực của kinh tế xã hội trong nước, cộng thêm các trục trặc làm thâm hụt nguồn cung nội địa, đã cho chúng ta thấy một tương lai bất ổn như thế nào, nếu còn tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cũng không thể có lý do để đột phá nếu quá trình chuyển đổi nhiên liệu và năng lượng vẫn ì ạch như lâu nay.

Song, từ nay đến khi phải thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, còn hơn 7 năm nữa để xây dựng lộ trình và bắt đầu thực hiện, và thêm 20 năm để tiến hành giảm thiểu, thay thế hoàn toàn phương tiện chạy bằng xăng dầu. Đó là thời gian không hề dư giả, nếu nhìn vào quá trình xúc tiến chuẩn bị trước đó để đưa nhiên liệu thân thiện vào giao thông.

Những tuyến buýt đầu tiên chạy bằng khí nén xuất hiện ở đô thị nước ta từ cách đây hơn 10 năm. Nhưng đến nay, số xe buýt CNG vẫn chỉ lác đác, và chưa tạo được thiện cảm gì thực sự đặc biệt với người sử dụng.

Với khoảng 6 triệu ô tô và gần 10 lần số đó xe mô tô gắn máy đang chạy bằng nhiên liệu xăng dầu, sẽ được xử lý ra sao khi thay bằng phương tiện chạy bằng nhiên liệu khác?

Các nhà sản xuất sẽ phải điều chỉnh chiến lược thế nào và từ lúc nào để có thể thích nghi từng bước, đáp ứng được với thay đổi về chính sách?

Các chính sách được điều chỉnh ra sao để đi từng bước, vừa khuyến khích, vừa thúc đẩy và cả gây sức ép cho quá trình chuyển đổi này, đối với tất cả các chủ thể liên quan?

Đó là những câu hỏi đặt ra, bên ngoài câu chuyện cụ thể, trực tiếp mà ai cũng nhìn thấy, là việc cơ cấu lại phương tiện, hoạch định đầu tư hạ tầng về trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu sạch khi thực hiện quá trình chuyển đổi này.

Quá trình chuyển đổi này còn trực tiếp liên quan và ảnh hưởng đến một loạt các lộ trình khác về đầu tư phát triển năng lượng, cơ cấu lại việc sử dụng năng lượng trong từng giai đoạn.

Vậy việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ thế nào theo từng bước thay thế nhiên liệu cho phương tiện giao thông, để đảm bảo tính chủ động và hiệu quả?

Các công nghệ sản xuất điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… cần đáp ứng ra sao cho đòi hỏi sẽ tăng lên rất mau chóng trong giao thông, khi mà các dự án thủy điện gần như đã tới hạn?

Cùng với chiến lược môi trường quốc gia, Chính phủ cũng đã xác định rất nhiều mục tiêu nhiệm vụ lớn liên quan để các địa phương cùng vào cuộc, như việc xây dựng đề án để giảm phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô từ 2030, tăng mạnh mức độ đáp ứng của giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đó là những gạch đầu dòng trong một “đề bài” lớn mà Chính phủ đã xác định, với quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ về trách nhiệm với thế giới.

Và để làm được, ngay từ bây giờ, cần có cơ quan điều phối cấp quốc gia để phân công, xác định rõ nhiệm vụ cho từng bộ ngành, từng lĩnh vực, từ đó hoạch định thành chính sách, mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, với lộ trình, bước đi rõ ràng.

Nhiệm vụ dù khó, nhưng không bắt tay vào làm thì không biết phải tháo gỡ ở đâu. Và chậm ngày nào, phối hợp rời rạc ngày nào, chờ đợi hoặc ỉ lại nhau ngày nào, những cái giá phải trả về môi trường sẽ càng nặng nề hơn, mục tiêu phát triển bền vững sẽ càng khó khăn hơn gấp bội.