Cải tiến và hồi sinh dịch vụ tàu đêm để thúc đẩy kinh tế và du lịch

Khi ngành công nghiệp ô tô và máy bay phát triển, tàu hỏa dần bị quên lãng. Gần đây, nhiều quốc gia Châu Âu đã lên kế hoạch cải tiến, hồi sinh dịch vụ tàu đêm để cải thiện kinh tế và du lịch.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Tàu hỏa ngày nay bị lép về hơn so với hàng không ở nhiều mặt. Ảnh: CNN

Những toa tàu xa hoa với đầy đủ dịch vụ ăn uống, giải trí như khách sạn hạng nhất; dùng bữa tối và uống rượu trong khi nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài; đung đưa chìm vào giấc ngủ trong khi di chuyển xuyên khắp lục địa v.v…

Đó là nét đẹp của những chuyến tàu đêm tại Châu Âu trong thời kỳ huy hoàng.

Nhưng trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, việc đi lại bằng tàu hoả không còn được ưa chuộng, nhất là với những chuyến đi xa. Hàng không, tàu cao tốc thậm chí là xe buýt đường dài với giá vé cạnh tranh, dịch vụ không hề thua kém và đặc biệt là thời gian di chuyển được rút ngắn đi rất nhiều; nên dần dần, nhiều tuyến tàu đêm đã bị cắt bỏ trong vòng 10 năm qua do thiếu hành khách. 

Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, từ năm 2018 cho tới nay, dịch vụ tàu đêm đang có sự quay trở lại mạnh mẽ. Sắp tới đây, liên doanh 4 công ty đường sắt từ Áo, Đức, Pháp và Thụy Điển sẽ mở lại 4 tuyến tàu đêm với tên gọi Nightjet trong vòng 4 năm tới, trong đó 2 tuyến Vienna  – Munich – Paris và Zurich – Cologne – Amsterdam sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Riêng tại Áo, doanh thu của dịch vụ tàu đêm chiếm 20% tổng doanh thu của các tuyến đường sắt chặng dài.

Ông Bernhard Rieder, người phát ngôn của công ty đường sắt liên bang Áo OBB chia sẻ: “Người dân đang có xu hướng sử dụng tàu đêm nhiều hơn. Lượng hành khách sử dụng dịch vụ này đã tăng 10-15%. Vé giường nằm bán rất chạy, nhất là với các toa có giường đệm.”.

Giải thích cho sự quay trở lại mạnh mẽ của tàu hỏa nói chung cũng như tàu đêm nói riêng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lí do. 
Monisha Rajesh, tác giả của cuốn sách “Vòng quanh thế giới trên 80 chuyến tàu hỏa” cho biết các chuyến tàu đêm chưa bao giờ biến mất thực sự. Thực tế vẫn có nhiều người sử dụng tàu đêm khi đi du lịch bởi chúng giúp họ tiết kiệm tiền nghỉ khách sạn qua đêm và thân thiện với môi trường hơn so với máy bay. 

Những năm gần đây có nhiều phong trào kêu gọi người dân ít đi máy bay hơn, nhất là và với những chặng bay ngắn, để giảm bớt khí thải. Trong đó phải kể đến phong trào Flight Shame xuất phát từ Thụy Điển vào năm 2018, sau đó lan ra toàn cầu sau bài phát biểu của Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển về biến đổi khí hậu. Phong trào này đã làm cho lượng hành khách đi chuyến bay nội địa giảm dần, và nhiều người quay trở lại với đường sắt.

Sử dụng tàu đêm giúp người đi du lịch tiết kiệm tiền nghỉ khách sạn qua đêm. Ảnh: CNN

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân khách quan. Ngành hàng không trong năm 2020 đã bị đình trệ nghiêm trọng do dịch bệnh. Do đó, người dân phải tìm phương án di chuyển khác để thay thế. 

Việc giãn cách xã hội trên tàu hỏa chắc chắn là dễ dàng hơn so với máy bay. Công ty đường sắt OBB của Áo cũng lên kế hoạch ra mắt các toa tàu giường nằm con nhộng. Theo đó, mỗi buồng của toa tàu sẽ gồm 4 giường nằm. Mỗi giường có thể coi như một căn phòng nhỏ khép kín với cửa khóa riêng biệt, tạo không gian riêng tư cho hành khách cũng như đảm bảo việc giãn cách xã hội.

Về mặt chính sách, dịch vụ tàu đêm đang nhận được sử ủng hộ từ chính phủ các nước Châu Âu. Tiêu biểu như việc Pháp sẽ mở lại một số tuyến tàu đêm vào năm 2022. 

Năm 2021 đã được chỉ định là năm đường sắt Châu Âu. Còn Bộ trưởng Bộ GTVT của Đức thì cho biết, mục tiêu trong những năm tới là giúp đường sắt trở thành hình thức di chuyển thuyết phục, thay thế cho các chuyến bay trong khu vực Châu Âu.
Còn tại Việt Nam, do ảnh hưởng của COVID-19, Đường sắt Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất lịch sử khi dự kiến lỗ 1.200 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần thừa nhận đường sắt Việt Nam đang trở nên lạc hậu ở mọi mặt, nên bị tụt lại so với đường bộ, hàng không.

TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên bộ môn đường sắt metro - Trường ĐH GTVT TP.HCM cho biết, cần có giải pháp mang tính lâu dài như tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cho hệ thống đường sắt Bắc - Nam, kết nối tốt với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là các cảng biển quốc tế; cần có cơ chế hiệu quả cho ngành đường sắt, trong đó có thể nghiên cứu phương án xã hội hóa, cải thiện dịch vụ.