Cải tạo chung cư: Cần sự đồng lòng

Câu chuyện cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội không phải là chuyện mới, thế nhưng nó vẫn luôn là chủ đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Hơn 1 năm trở lại đây chính quyền Hà Nội đã rốt ráo khởi động lại việc cải tạo chung cư cũ, với những quyết sách kịp thời.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, quyết tâm và hành động của chính quyền thôi chưa đủ mà cần sự đồng lòng của mỗi cư dân Thủ đô.

Tháng 9/2021 Nghị định số 69 sửa đổi Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được ban hành, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ, như: hệ số đền bù, tái định cư, tạm cư…

Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đề án “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội”, đến cuối tháng 12/2021 UBND thành phố đã chính thức ban hành Đề án này.

Ngay đầu năm 2022 kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đợt 1 đã được ban hành. Trong đó, giao cho chính quyền cấp quận hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, thời gian phá dỡ dự kiến từ quý III/2023.

Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tiếp được ban hành, nhưng lâu nay cái khó nhất vẫn là nguồn vốn, thì lần này “nút thắt” về vốn đã được khơi thông. Bởi, HĐND TP đã thống nhất bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỉ đồng giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ.

Trong đó, từ tháng 10 năm nay, tạm cấp gần 128 tỷ đồng từ ngân sách để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ. Điều này cho thấy quyết tâm “nói đi đôi với làm” của chính quyền “mới’ với những vấn đề “cũ” đã được khởi động.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền và nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy không ai nắm chắc địa bàn, đặc điểm và nguyện vọng của dân cư bằng chính quyền địa phương.

Đồng thời, cần có tiêu chí để lựa chọn được các chủ đầu tư có uy tín, đủ năng lực, kinh nghiệm và thực hiện đúng cam kết về thời gian xây dựng, tránh để người dân đi tạm cư không biết ngày về.

Mới đây Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 70 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia cải tạo chung cư trên địa bàn Hà Nội. Đây là tín hiệu tích cực đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm “ngán ngẩm” bởi những ràng buộc, hạn chế về chiều cao, mật độ dân cư và đòi hỏi mức bồi thường “trên trời” của một bộ phận cư dân.

Dẫu rằng, việc cải tạo khu chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch của Thành phố, thế nhưng để khích lệ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn này bằng các chính sách bù đắp tương xứng cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Và vấn đề mấu chốt, quyết định sự thành bại của đề án cải tạo chung cư cũ là cần sự đồng thuận của mỗi người dân. Muốn vậy, các thông tin về dự án cần được công khai, nh bạch, người dân được đền bù thỏa đáng hoặc hưởng quyền lợi chính đáng sau khi xây dựng lại.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị./.