Cái gì cũng hỏi

Không ít ý kiến đã bày tỏ lo ngại việc năm nào cũng xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết để sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vừa mất thời gian, công sức vừa gây khó khăn cho nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Trong khi việc tính toán chốt phương án kỳ nghỉ này có thể đơn giản hơn, nếu chúng ta không chọn cách làm phức tạp, như hiện nay.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, việc lấy ý kiến về ngày nghỉ Tết Âm lịch không cần phải tốn công đến vậy bởi không phải “Cái gì cũng hỏi”.

Lịch nghỉ và số ngày nghỉ lễ có tác động rất lớn đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội, từ mỗi người dân cho đến các cân đối vĩ mô. Cho nên việc tính toán, cân đối để xác định một phương án phù hợp nhất là yêu cầu không thể thiếu. Đặc biệt với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, kỳ nghỉ dài nhất trong năm.

Tuy vậy, cũng bởi mức độ tác động này, nên đòi hỏi nó phải được lên phương án sớm, chốt sớm để đảm bảo sự chủ động cần có cho tất cả các bên.

Đối với giao thông, người dân cần thông tin sớm để chủ động đặt vé tàu xe, lên kế hoạch cho chuyến đi, tránh chen chúc khi cao điểm, và có cơ hội mua vé giá rẻ. Các hãng vận tải cần biết để xác định mình phải tăng cường tàu xe những ngày nào, mới có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương cần biết lịch sớm để xây dựng phương án mở cao điểm đảm bảo TTATGT phòng chống tội phạm.

Một lịch nghỉ lễ, Tết được thiết kế phù hợp cũng sẽ cho phép kéo giãn các chuyến đi, tránh tập trung vào một vài thời điểm, từ đó giảm sự quá tải cục bộ dẫn đến ùn tắc.

Đó là điều mà cả chục năm nay chưa thể có được, với các lịch nghỉ Tết chỉ được chốt khoảng hơn 1 tháng trước khi kỳ nghỉ diễn ra. Cả chục triệu dân từ mỗi đô thị đầu tàu tỏa đi cả nước trong một cuộc di cư ồ ạt và cấp tập vài ngày đầu cuối kỳ nghỉ, dẫn đến kịch bản giao thông không thể nào chống đỡ.

Chưa kể, mọi kế hoạch dạy và học, làm và nghỉ, sắm sửa và thăm nom, du lịch và trải nghiệm, giao dịch đóng và mở…đều phụ thuộc vào kế hoạch các kỳ nghỉ này.

Đã có những ý kiến chỉ ra rằng, không cần phải phức tạp hóa cách xác định lịch nghỉ Tết nói riêng và lịch nghỉ lễ nói chung như hiện nay. Việc xây dựng 2-3 phương án, xin ý kiến đủ các bộ ngành và bên liên quan, rồi sau đó mới chọn phương án và trình lên Chính phủ là quá nhiêu khê và mất thời gian. Chỉ cần bàn một lần, thống nhất với nhau các tiêu chí đầu vào làm căn cứ để xác định số ngày và điểm đầu cuối kỳ nghỉ, sau đó đơn vị chủ quản cứ thế tiến hành.

Tiêu chí đầu vào là điều kiện hết sức quan trọng. Nó là thứ giúp cho nhiều quốc gia khác quyết được kỳ nghỉ lễ từ cách đó cả nửa năm, dù họ cũng có các kỳ nghỉ nghỉ dài ngày.

Nhưng ở ta, có vẻ như một bộ tiêu chí rõ ràng với các nguyên tắc và kịch bản để quyết định kỳ nghỉ, vẫn chưa được xác định. Bằng chứng là cứ mỗi khi kỳ nghỉ rơi vào ngày cuối tuần, hoặc có “xen kẹt” với ngày làm việc, thì quá trình chốt phương án lại bắt đầu…loay hoay.

7 hay 9 ngày, nghỉ liền mạch hay ngắt quãng, nhẽ ra không cần trao đi đổi lại nhiều thế, nếu đã sẵn kịch bản lựa chọn.

Đồng ý rằng, sau đại dịch hoặc các biến cố lớn, nhịp điệu kinh tế, tình hình của đời sống xã hội có sự thay đổi, và việc cân nhắc các điều kiện cụ thể này để chốt lịch nghỉ lễ, Tết, là điều cần thiết. Nhưng cũng không nhất thiết phải cân nhắc đến vài tháng trước Tết mới trình phương án.

Cái lợi nhờ sự cân nhắc - cứ cho là cẩn trọng này – chưa chắc đã bù đắp được thiệt hại do sự bị động của tất cả các bên gây ra, khi lịch nghỉ chốt quá muộn.

Cơ chế hỏi ý kiến là một cách huy động trí tuệ tập thể vào giải quyết những vấn đề lớn, nhằm tìm ra một phương án tốt nhất, hài hòa nhất. Nhưng nó không nhất thiết phải áp dụng trong mọi việc, nhất là với các việc lặp đi lặp lại hàng năm, như xác định ngày nghỉ Lễ, Tết. Cơ chế này chỉ nên dừng lại ở khâu lập tiêu chí đầu vào.

 Hỏi ý kiến nhiều và việc gì cũng hỏi, không những gây lãng phí thời gian cho cả người đi hỏi và người được hỏi, mà còn đẩy cả xã hội vào một sự chờ đợi và bị động hết sức vô lý. Chưa kể, nó cho thấy vai trò mờ nhạt của bên chủ trì, gần như chỉ tổng hợp ý kiến.

Vì vậy, đã đến lúc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên tham mưu với Chính phủ để quyết định một cách làm khác. Để bắt đầu một năm, người dân và doanh nghiệp đã có thể nắm được danh mục ngày nghỉ của cả năm đó.

Làm được điều này, giá trị của các kỳ nghỉ sẽ khác rất nhiều, đối với mỗi người cũng như toàn xã hội./.