Các tuyến cao tốc phía Nam đừng để "hụt hơi”

Có thể thấy các tuyến cao tốc khi đưa vào vận hành ngoài giảm lương phương tiện ở các tuyến đường khác mà còn góp phần tạo liên kết vùng, thúc đẩy nền kinh tế khu vực phía Nam phát triển.

Chính vì vậy khi triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến Cao tốc phía Nam cần có tầm nhìn dài hơi và đúng chuẩn, không làm một cách cho có hay vá víu từ quy hoạch đến thực tế để thực sự gỡ khó cho giao thông khu vực phía Nam.

 

Chưa bao giờ, các tỉnh, thành khu vực phía Nam khát các tuyến cao tốc như lúc này. Xe cộ, hàng hóa rồng rắn, ách tắc hàng loạt vì các tuyến cao tốc đều quá tải.

Tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương giờ là “hạ tốc”” khi mới đây báo cáo của Tổng Cục đường bộ cho thấy, tốc độ lưu thông chỉ khoảng 70 km/h, kể từ khi dừng thu phí.

Tuyến đường này nhiều lúc trở lên hỗn loạn, xe to xe nhỏ chen nhau đi, lấn cả làn đường khẩn cấp. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa mới đưa vào sử dụng nhưng nhiều lúc cũng kẹt cứng. Chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp so le nhau, nhỏ hẹp. Lái xe dừng nghỉ để ô tô khỏe máy trước khi tiếp tục lộ trình mà nơm nớp lo sợ vì tai nạn.

Do thiết kế có 4 làn xe nên chỉ cần một phương tiện bị sự cố quay ngang là lập tức ùn ứ. Khu vực phía Nam với hàng chục tỉnh, thành, là đầu tàu kinh tế; đóng góp tới hơn 50% ngân sách quốc gia; đồng thời cũng là khu vực tập trung hạ tầng logistics, đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước nhưng hiện chỉ có khoảng chưa đầy 300 km đường cao tốc được sử dụng.

Tuyến cao tốc Bến Lức- Long Thành đang ở giai đoạn nước rút nhưng hiện đống băng vì vướng khâu giải phóng mặt bằng. Các tuyến cao tốc trục ngang, trục dọc ở cả khu vực ền Đông và ền Tây Nam bộ tuy một số đã được phê duyệt nhưng việc triển khai vẫn còn trên văn bản giấy tờ.

Nhiều tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng đã chật hẹp là do làm theo quy hoạch cách đó cả chục năm. Không dự tính hết lưu lượng xe tăng vọt theo hàng năm. Rất lạc hậu.

Việc các tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam chậm phát triển có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nền đất yếu, suất đầu tư cao nên nhà đầu tư không mặn mà.

Đó là chưa kể khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn nhọc nhằn qua nhiều năm. Sự quan tâm của các bộ, ngành trong tháo gỡ các khó khăn cho các địa phương phát triển đường cao tốc là chưa đủ mạnh và thiếu kịp thời.

Rõ ràng những thay đổi về chiến lược đầu tư phát triển cho cao tốc phía Nam phải được thể hiện thực sự trên thực tiễn. Ngay lúc này, các tuyến cao tốc đang bị quá tải phải được gấp rút mở rộng để giải quyết ngay bài toán hụt hơi hiện nay.

Nhất là khi các chủ đầu tư đã có kiến nghị, đề xuất thì cần được xem xét và chấp thuận; tránh đẩy tới lui, lòng vòng mà không sao quy được trách nhiệm.

Riêng đối với các tuyến cao tốc đã và sắp được phê duyệt, cần tính toán dài hơi, có dự báo, dự đoán tầm nhìn từ 10-20 năm. Tạo điều kiện thực sự để các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào làm, đảm bảo có lợi nhuận.

Cao tốc cho khu vực phía Nam muốn phát triển mở rộng cần sự đầu tư tập trung của nhà nước; sự hợp lực của Bộ Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương cùng xắn tay.

Đừng để quy hoạch xong rồi mà không biết đến bao giờ mới triển khai; hoặc vừa làm xong đã lỗi thời, lạc hậu như đã xảy ra hiện nay.