Các nước quản lý và xử phạt xe điện thế nào?

Tại Việt Nam, Ban biên soạn dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bỏ quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có bằng lái hạng A0. Vậy nếu không yêu cầu bằng lái, các nước quản lý việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện như t

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Singapore quy định sử dụng xe điện phải từ 16 tuổi trở lên và phải thi lý thuyết. Ảnh: Facebook/Land Transport Authority

Vào cuối tháng 2/2020, Tòa án Anh xét xử Thomas Hanlon, 32 tuổi, vì gây ra cái chết của bà Sakine Cihan, 56 tuổi; do lái xe đạp điện bất cẩn vào ngày 28/8/2018 khi nạn nhân đang đi bộ băng qua đường ở Dalston, phía đông London.

Đây là trường hợp người đi bộ tử vong đầu tiên liên quan đến va chạm với xe đạp điện tại Anh.

Công tố viên cho biết: vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông Hanlon đã đi với vận tốc 50km/h trên con đường giới hạn tốc độ 32km/h.

Trường hợp trên không phải là quá hiếm bởi nhiều năm nay, xe đạp điện, xe máy điện đang là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng; bởi chúng ít gây tiếng ồn nhưng lại có tốc độ lên tới 50km/h và thậm chí hơn thế.

Chính bởi vậy nhiều nước có quy định nghiêm khắc đối với phương tiện điện.

Tại Israel, từ năm 2019, học sinh phải hoàn thành một khóa học để thi lấy bằng lái xe đạp điện. Trẻ em dưới 16 tuổi bị cấm đi xe đạp điện và sẽ bị tịch thu xe nếu vi phạm. Điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại cũng sẽ bị xử phạt.

Còn tại Singapore, từ ngày 1/4/2020, các loại xe điện không được đi vào đường dành cho người đi bộ. Nếu vi phạm, bị phạt tới 2.000 đô la Singapore hoặc phải ngồi tù tới 3 tháng, hoặc cả hai, cho lần vi phạm đầu tiên. Vi phạm nhiều lần phải đối mặt với mức phạt lên tới 5.000 đô la Singapore hoặc phạt tù tới 6 tháng hoặc cả hai. Đáng chú ý, Singapore quy định sử dụng xe điện phải từ 16 tuổi trở lên và phải thi lý thuyết

Người dân bày tỏ sự đồng tình với sự thay đổi này:

“Tôi ủng hộ quy định này bởi điều đó giúp người dân nhận thức được trách nhiệm của mình khi điều khiển phương tiện, nâng cao ý thức để không ra tai nạn đáng tiếc nào”. 

“Đối với những đi bộ, đặc biệt là người già, rất sợ hãi mỗi lần người điều khiển xe điện phóng vèo vèo đi qua. Rất nguy hiểm”. 

“Tôi nghĩ đây là một quyết định khôn ngoan nhằm bảo vệ những người đi bộ được an toàn khi đi trên đường”. 

Còn tại Thụy Sỹ, xe đạp điện được phân ra 2 loại: xe đạp điện chậm (tốc độ tối đa 25 km/h); và xe đạp điện nhanh hay xe đạp điện tốc độ (tốc độ lên tới 45 km/h), loại xe này cần phải có đăng ký xe, gắn biển số xe và dán tem cũng như bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Độ tuổi tối thiểu được sử dụng xe đạp điện ở Thụy Sĩ là 14 tuổi. Từ 16 tuổi, người đi xe đạp điện chậm không cần bằng lái xe. Trên 14 tuổi được phép đi xe đạp điện chậm nếu có bằng lái xe hạng M (một loại bằng lái xe máy).

Nhiều quốc gia quy định người sử dụng xe đạp điện tốc độ phải đăng ký phương tiện, mua bảo hiểm và phải có giấy phép.

Tương tự, tại Pháp, người sử dụng xe đạp điện tốc độ phải đăng ký phương tiện, mua bảo hiểm và phải có giấy phép.

Ngoài ra, xe đập điện đi vào đường dành riêng xe đạp sẽ bị phạt 150 euro. Nếu không có biển số xe bị phạt 750 euro. Xe điện không có bảo hiểm bị coi là vi phạm luật nghiêm trọng và các biện pháp trừng phạt có thể tăng nặng nếu gây ra tai nạn.

Bên cạnh đó, một số quốc gia không yêu cầu phải có bằng lái mới được sử dụng xe điện nhưng lại có những yêu cầu chặt chẽ về giới hạn tốc độ.

Cụ thể, tại Phần Lan, Nga, động cơ xe điện cần dưới 250W và tốc độ tối đa không quá 25 km/h. Thậm chí ở Thổ Nhĩ Kỳ, xe đạp điện sẽ tự động ngắt động cơ nếu tốc độ quá 25 km/h.

Còn tại Canada, từ năm 2000, xe đạp điện có một mục quản lý riêng, nếu không có bằng lái thì chỉ được được sử dụng xe có công suất dưới 500W và tốc độ không quá 32km/h.

Ngoài ra, mỗi địa phương lại có quy định tuổi được phép sử dụng loại xe này khác nhau, chẳng hạn tại tỉnh Alberta, người điều khiển phải từ 12 tuổi trở lên trong khi tỉnh Ontario lại yêu cầu độ tuổi từ 16.

Tại Việt Nam, Ban soạn thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) đề xuất, bằng lái A1 quy định từ 16 đến 18 tuổi, chỉ được điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe máy điện không vượt quá 4kw.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch bày tỏ sự đồng tình với đề xuất mới vì sẽ giúp cắt giảm các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông: “Trên thực tế là lượng người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện xe cơ giới là rất lớn thế thì chúng ta chỉ cần đề ra 1 hạng bằng lái thôi. Lúc đấy chúng tan sẽ đưa được những người này vào quy trình đi học và thi, kiểm tra, cấp bằng. Sau đó đến trên 18 tuổi chúng ta cần cập nhật vào bằng thôi. Nhờ vậy, chúng ta sẽ bỏ bớt đi rất nhiều các thủ tục hành chính cũng như là nguồn lực xã hội dành cho việc thi cũng như cấp giấy phép lái xe hạng A0”.