Các bến xe chuẩn bị như thế nào để các doanh nghiệp bị điều chuyển sớm ổn đinh?

VOVGT - Các bến xe đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, bến bãi, điểm đỗ, quầy vé để tạo điều kiện cho các nhà xe sớm hoạt động ổn định.

Trong đợt điều chuyển các tuyến vận tải hành khác tuyến cố định theo đúng luồng tuyến từ ngày 2/1 vừa qua, có 456 lốt xe thuộc 3 bến Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát thuộc diện điều chuyển. Đến thời điểm này, gần như toàn bộ các nhà xe thuộc diện điều chuyển đã đưa phương tiện về bến mới hoạt động. Các bến xe cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, bến bãi, điểm đỗ, quầy vé để tạo điều kiện cho các nhà xe sớm hoạt động ổn định.

Theo thông báo về việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 2/1/2017 có 456 lượt xe thuộc diện điều chuyển. Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng kế hoạch, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, với 3 bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm thì hầu hết là chuyển đi, trong đó riêng bến xe Mỹ Đình có số lượng xe đi và đến nhiều nhất với 494 lượt xe chuyển đi và 123 lượt xe chuyển đến. Theo ông Sơn, với trường hợp các doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển đi thì tại các bến tiếp nhận đều đã có sẵn các tuyến vận tải hành khách. Do vậy, việc các nhà xe chuyển đến chỉ là thêm lốt xe trên các tuyến đó.

Bến xe Mỹ Đình căng băng rôn thông báo về việc điều chuyển hơn 400 nốt xe. Ảnh: ANTĐ

Để thực hiện việc điều chuyển thuận lợi, Công ty quản lý bến xe Hà Nội đã có thông báo đến hành khách và các doanh nghiệp vận tải bằng loa phát thanh, băng rôn tại các bến, phát tờ thông báo của Sở GTVT Hà Nội đến từng doanh nghiệp. Ông Sơn cũng cho biết, Công ty quản lý bến xe đã yêu cầu các bến lập biểu đồ xe chạy cụ thể cho từng doanh nghiệp vận tải. Theo thống kê của Công ty quản lý bến xe, đến thời điểm này, việc điều chuyển gần như đã hoàn thành, các nhà xe đều đã thực hiện các thủ tục để chuyển sang bến mới hoạt động. Ghi nhận tại một số bến xe cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp đã hoạt động dần ổn định.

Ông Lý Trường Sơn cho biết: "Thật ra gần Tết, lượng khách trên tuyến đông. Do đó, việc chuyển về lúc này, người ta sẽ dần dần tiếp cận được lượng khách đó. Cũng như quảng cáo, từ giờ có tôi hoạt động ở đây, có lốt giờ này hoạt động ở đây, tức là lượng khách đi lại nhiều lên, nên họ có cơ hội để có khách, thứ hai là họ quảng bá dần cho lốt, lượt của họ trên tuyến".

Đại diện lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cũng cho biết, do số lượng xe thuộc diện chuyển đi lớn và số xe chuyển đến chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc sắp xếp cho các doanh nghiệp thuộc diện chuyển đến tương đối thuận lợi. Các doanh nghiệp chuyển đến cũng thuộc các tuyến có sẵn nên chỉ cần bổ sung thêm lượt xe xuất bến hàng ngày, do vậy việc điều chuyển diễn ra tương đối thuận lợi.

Đối với bến xe Nước Ngầm - đơn vị tiếp nhận hơn 440 lượt xe trong đợt điều chuyển lần này cũng đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, quầy bán vé thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải. Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, đến thời điểm này có hơn 300 lượt xe từ bến Mỹ Đình chuyển về, và có hơn 70 lượt xe chuyển đi. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới chuyển đến, bến xe Nước Ngầm mở rộng đường xe ra, vào, bố trí quầy vé cho các doanh nghiệp và các tuyến mới chuyển về ở tầng 1 để tạo thuận lợi cho hành khách và doanh nghiệp vận tải dễ nhận diện.

"Ví dụ như bố trí quầy bán vé cho các xe mới chuyển về ở tầng 1 để bà con đi lại nhận diện quầy bán vé của các xe mới chuyển về một cách dễ dàng và doanh nghiệp mới chuyển về còn bỡ ngỡ thì tiếp cận hành khách dễ dàng hơn. Thứ hai, những vị trí đỗ trong sân, chúng tôi cũng dành cho những xe mới chuyển về ở những vị trí hợp lý nhất để nhà xe dễ tiếp cận, dễ nhận diện hành khách trong lúc ra vào bến", ông Nguyễn Văn Lập cho biết.

Bến xe Nước Ngầm cũng đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, quầy bán vé thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Báo Đất Việt

Bên cạnh sự hỗ trợ về điểm đỗ, quầy bán vé, trong 10 -15 ngày đầu, bến xe Nước Ngầm cũng chỉ thu 80% tiền dịch vụ ra vào bến, đối với trường hợp xe xuất bến không có hoặc ít khách sẽ không thu tiền dịch vụ. Tuy nhiên, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cũng thừa nhận, việc thay đổi địa điểm đón khách cũng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp không ít khó khăn. Do vậy, các doanh nghiệp đều kiến nghị Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội tăng cường các các tuyến xe buýt kết nối từ bến xe Mỹ Đình và các bến xe khác đến bến Nước Ngầm, Giáp Bát để tạo thuận lợi cho hành khách và doanh nghiệp vận tải thực hiện theo đúng luồng tuyến, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Như vậy, sau nhiều lần bị lỗi hẹn, vừa qua Thành phố Hà Nội đã bước đầu thực hiện thành công việc điều chuyển các doanh nghiệp vận tải theo đúng luồng tuyến. Đây có thể được coi là bước đầu trong nỗ lực giảm xe khách chạy xuyên tâm trong khu vực nội đô, góp phần hạn chế ùn tắc và TNGT trên địa bàn Thủ đô.