Song, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ chưa thấy có sự lắng nghe từ phía nhà trường, chưa thật sự muốn cải thiện bữa ăn thật sự để con em phụ huynh đảm bảo sức khỏe học tập.
"VOV phản ánh như thế là chính xác rồi, năm ngoài mình có phản ánh một lần rồi nhưng không cải thiện được. Lần rồi mình hoan nghênh VOV đã phản ánh đúng tình trạng đó ở trường Lương Định Của".
"Thật sự rất cảm ơn quý báo và quý đài, vì không những con tôi mà các học sinh khác cũng về phàn nàn mỗi ngày và chịu đựng một thời gian khá dài".
Đã hơn 2 tuần sau khi đăng loạt bài phản ánh về những sự bất ổn của ngôi trường chuẩn Lương Định Của, VOV Giao thông đã tiếp nhận nhiều phản hồi từ phụ huynh học sinh qua đường dây nóng, các nền tảng mạng xã hội, nhiều vấn đề họ cũng muốn tiếp tục theo dõi, giám sát và phản ánh từ ngôi trường trên.
Song, tất cả tựu trung lại phụ huynh vẫn mong mỏi sự lắng nghe, tiếp thu từ phía nhà trường, tập trung vào bữa ăn bán trú để giải quyết những bức xúc tồn tại dai dẳng.
Chúng tôi tiếp tục tiếp nhận đơn kiến nghị tập thể của hơn 30 phụ huynh, ký đơn yêu cầu cần phải tiếp tục cải thiện suất ăn bán trú tương xứng với số tiền đóng theo quy định, theo quy chuẩn định lượng.
Đáng nói, sau loạt bài của VOV Giao thông nhà trường ra thông báo số 10/Tb-LĐC về việc giải quyết cho học sinh bán trú không dùng suất cơm tại trường. Từ đây câu chuyện lại phát sinh thêm vấn đề học sinh mang cơm theo phải ngồi ăn ngoài hành lang, trước khu vực toilet. Nhiều thầy cô và có cả ban đại diện cha mẹ học sinh chụp hình, quay phim suất ăn của các bé, tình trạng không đủ bàn ghế để sắp xếp nên chia ca để các em ăn trưa trong sự vội vàng.
Chị V.P phụ huynh của một học sinh khối 7 trường Lương Định Của đã xin cho con học bán trú mang cơm theo sau loạt bài của VOV. Chị thấy động thái này của nhà trường chỉ mang tính “chữa cháy” tạm thời và còn nhiều băn khoăn khi các bé mang cơm theo bị phân biệt vì không có một chỗ ăn tử tế với bán trú có cơm.
Chị P. cho rằng, bữa cơm con mang theo ăn mỗi ngày chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: “Chia sẻ với VOV ăn uống bàn ngồi rất chật chội, bây giờ bàn bỏ ra ngồi tới 5-6 người. Bàn ăn của các con kê ngay hành lang, có bàn đối diện luôn cả nhà vệ sinh giáo viên.
Chưa hết, mỗi ngày ăn đều bị giám thị, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh (team theo nhà trường), rồi cả hiệu trưởng, hiệu phó chụp hình, quay phim suất ăn các con. Câu hỏi đặt ra là hồi trước suất ăn nhà trường đâu có cho học sinh chụp hình đâu. Vậy bây giờ suất ăn của các con cả trường ùa ra chụp hình, tôi không biết mục đích này để làm gì”.
Tương tự, phụ huynh N. T. N. K, đầu năm mỗi học sinh đều phải đóng 190.000 đồng/ tiền mua sắm thiết bị vật dụng phục vụ bán trú và 210.000 đồng cho dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú. Suất cơm bán trú độc lập chỉ 35.000 đồng/ ngày vậy thì các bé mang cơm theo cần có một chỗ ăn cơm đàng hoàng trong nhà ăn thay vì lang thang bữa trưa để kiếm chỗ ăn:
“Phát sinh vấn đề chỗ ăn cho các bé không có nên các em ngồi lung tung theo ăn uống không có chỗ. Có một tấm hình liên quan đến vấn đề ăn uống các bé ngồi rất là phản cảm. Bản thân tôi là phụ huynh cũng không đồng ý. Còn việc cải thiện bữa ăn bán trú thì từ phía phụ huynh khác thì không cải thiện gì hết. Phụ huynh có phản ứng thì Phòng giáo dục TP Thủ Đức ra văn bản giải thích các vấn đề phụ huynh thắc mắc. Tuy nhiên, việc giải thích đó bằng văn bản phụ huynh cũng không đồng ý luôn”.
Riêng các phụ huynh có con vẫn ngày ngày ăn cơm bán trú tại trường ở góc độ họ ghi nhận nhà trường có chút chút cải thiện.
Anh M.H.C một phụ huynh khối 7 chia sẻ cố gắng nhà trường nhưng vẫn mong được giám sát và cải thiện hơn nữa bữa ăn bán trú của con: “Sau loạt bài của VOV khoảng một tuần, cháu mới nói ba ơi cơm ăn cũng được được rồi, nên tôi cũng bảo thôi chắc nhà trường có cải thiện, con cứ yên tâm. Song mức độ cải thiện chỉ chút chút so với trước. Và theo như kỳ vọng chỉ ở mức trung bình thôi, cũng không thể nào bằng đi ăn cơm bình dân”.
Trong khi đó chị T. L. H cũng không thể nào chuẩn bị cơm cho con như hơn 100 phụ huynh vừa đăng ký bán trú mang cơm theo, chị vẫn bám trụ với cơm của nhà trường. Theo chị, cơm có cải thiện về cách nấu, đỡ mặn, canh có đỡ nguội hơn nhưng chị mong muốn nhà trường cần lắng nghe thật sự. Đừng nghĩ bao nhiêu phụ huynh kêu ca, phản ánh lên là nhóm nhỏ, thiểu số.
“Theo tôi nghĩ quan điểm nhà trường nói phản ánh phụ huynh là nhóm nhỏ thì không đúng. Ví dụ một trường có gần 2.000 học sinh thì đến 200-300 phụ huynh lên tiếng thì số đó không phải là nhỏ, đó là họ lên tiếng còn những người không dám lên tiếng thì sao. Tỷ lệ chừng 10-20 % trường cũng phải giải quyết chứ không thể nói nhóm nhỏ bỏ qua được. Tôi thấy cách giải quyết của trường không thỏa đáng”.
Để cho khách quan, PV VOV Giao thông đã liên hệ với bà Vũ Thị Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức để phỏng vấn thêm những “tín hiệu” khả quan trong việc cải thiện bữa ăn bán trú. Song, bà Hiếu đã từ chối trả lời.
Hơn 2 tuần qua, Kênh VOV Giao thông đã tạm ngừng đăng tải những thông tin liên quan câu chuyện ở ngôi trường chuẩn. Vì suy cho cùng chúng tôi – phóng viên mong muốn câu chuyện này nhà trường và phụ huynh lắng nghe, ngồi lại với nhau để chăm lo bữa ăn, việc học hành cho các học sinh.
Đến hiện tại, câu chuyện “bữa cơm bán trú” và “bán trú mang theo cơm” lại phát sinh thêm mâu thuẫn, và vẫn chưa thể dừng lại khi phụ huynh liên tiếp cung cấp thông tin, thêm kiến nghị nhiều vấn đề khác bất ổn ở ngôi trường.
Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật thông tin để quý thính giả, độc giả theo dõi.