Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Quá nhiều bất ổn ở một ngôi trường chuẩn

Nhóm PV: Thứ ba 26/11/2024, 11:55 (GMT+7)

Chuyện ăn ngủ của học sinh tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt thường ngày. Song, chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học liên tục bị đặt dấu hỏi và vẫn còn là một “ẩn số” khiến phụ huynh không khỏi lo lắng về sức khỏe của con em mình.

Mặc dù phụ huynh đóng góp một khoản tiền không nhỏ cho bữa ăn bán trú, nhưng họ lại rất ít khi biết chính xác con mình được ăn những gì và chất lượng ra sao. Liệu những bữa ăn này có thực sự đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm như chính thực đơn mà họ nhận được hằng ngày?

Tại một ngôi trường được đánh giá là chuẩn quốc gia mức độ 1, và đang dần xây dựng đủ 18 tiêu chí “Trường học hạnh phúc” do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh quy định; lại đang xuất hiện tình trạng học sinh, phụ huynh phàn nàn về chất lượng bữa ăn bán trú.

Điều đáng nói, câu chuyện không chỉ diễn ra trong vài ngày, mà kéo dài đằng đẵng khiến phụ huynh phải đến tận Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam “cầu cứu”.

Câu chuyện về chất lượng bữa ăn tại một ngôi trường được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình cho các trường học khác đã gióng lên hồi chuông báo động về những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống giáo dục mà chưa được giải quyết triệt để.

Điều gì đang xảy ra với bữa ăn bán trú tại trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP.HCM?

HỌC SINH BỊ BỎ ĐÓI TRONG BỮA ĂN BÁN TRÚ?

Chuyện bắt đầu từ những than thở mỗi ngày của những học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn. Có em bỏ cơm vì than cơm “quá dở”, mua mì gói ở căn tin. Có em chấp nhận nhịn đói. Em thì được phụ huynh linh hoạt mang cơm ở nhà đi theo hình thức “bán trú không cơm”.

Cha mẹ không thể chịu đựng và họ phải tìm mọi cách để có được những hình ảnh bữa cơm của con mình nhằm đối thoại với nhà trường.

Bữa trưa bán trú của học sinh trường THCS Lương Định Của

Bữa trưa bán trú của học sinh trường THCS Lương Định Của

Thế nhưng, theo thông tin từ các phụ huynh, thay vì tiếp thu, thay đổi vì học sinh thân yêu, nhà trường lại đối phó qua loa, dựng “hàng rào” che chắn bữa ăn của học sinh, ngay cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng không được phép bước vào; thậm chí chỉ đi ngang qua cũng bị khiển trách và giám sát.

Một suất cơm bán trú tại trường THCS Lương Định Của có giá là 35.000 đồng, tức là mỗi phụ huynh đóng khoảng 1 triệu đồng/ tháng chỉ riêng tiền ăn (không bao gồm tiền nước uống).

Và đây là lời chia sẻ chân thật, nhưng đau lòng, của nhiều học sinh các khối lớp chúng tôi đã thu thập.

Phản hồi của học sinh về chất lượng bữa ăn 

"Mấy đám bạn con quen á, đứa nào cũng nói cơm dở hết trơn. Tôm dở thí mồ luôn. “Ủa tôm này ăn sao, tôm tao bỏ”. Đồ xào cũng dở nữa!"

"Tiếp theo là gặp đồ ăn hư như trứng kiểu nó tanh dã man luôn, một khi gặp là kinh khủng luôn. Còn đồ ăn kiểu bún bò lúc nào cũng thiếu."

"Ngày nào con ăn đồ nước con cảm thấy mắc ói hết trơn, mà chỉ ăn ở trường thôi mới mắc ói nha. Con chắc bỏ bữa 2-3 lần, con ăn được có chút xíu đi con cảm thấy mắc ói quá cứ đồ nước là bỏ. Hồi trước lớp con có bạn G. H chan canh thấy có con ruồi trong đó."

"Cơm khô canh nguội, còn đồ ăn thì gà chiên nhiều dầu nhưng thi thoảng vẫn chưa chín. Đồ ăn như thịt kho khô và mặn, 1 tuần con bỏ gần 5 bữa, hôm nào đồ ăn ngon thì con ăn, còn không thì bỏ mà đa số dở không à."

Nhiều em học sinh chấp nhận chịu đói, bỏ đi rất nhiều thức ăn.

Không khó để có được những câu trả lời đa phần giống nhau từ các học sinh ở hầu hết các khối lớp.

Bên cạnh đó, nhóm phóng viên đã tiếp cận nhiều phụ huynh nhằm xác minh vấn đề suất cơm bán trú kém chất lượng và nhà trường đã biến nhà ăn, bếp ăn thành “lãnh địa” bất khả xâm phạm.

Nhà trường gần như “cấm” các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn qua lại ở khu vực nhà ăn buổi trưa, dù bất cứ lý do gì.

Vì bất lực trước suất ăn bán trú nghèo nàn, chị V. đã chọn hình thức “bán trú không cơm”, nghĩa là cho con đem cơm nhà đi học. Chị V. bức xúc chia sẻ:

“Mình đã cho con “bán trú không cơm” bắt đầu từ đầu tháng 11/2024, có nghĩa là mình tự mang cơm. Tại vì thấy suất ăn tại nhà trường không đảm bảo chất lượng, cũng như rất khó ăn. Cái vị ngon hay dở thì tùy mỗi bạn thôi, nhưng nhìn thực đơn tên thì rất hay, thực chất thì khi các con ăn có mùi hôi. Theo hình ảnh mới nhất thì rất nghèo nàn và ít định lượng, không phù hợp cho các bạn đang ở lứa tuổi phát triển”.

Cơm khô - rau lèo tèo - và món mặn chiên khô quắt

Cơm khô - rau lèo tèo - và món mặn chiên khô quắt

Trong cuộc gặp trực tiếp giữa Ban Đại diện cha mẹ học sinh với Ban giám hiệu, vị phụ huynh trên đã phản hồi về suất ăn có vấn đề và yêu cầu cải thiện. Song, câu trả lời là “Phải đợi”! Hiệu trưởng giải thích thực đơn được nhà trường gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức mỗi tháng 1 lần, vì vậy muốn thay đổi phải đợi tới tháng 12.

Còn về định lượng bữa ăn bán trú, vị hiệu trưởng cho biết phải chờ câu trả lời từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, cụ thể là Phó Trưởng phòng phụ trách bán trú. 

Chọn cách tự cải thiện chất lượng bữa ăn cho con bằng việc cho con mang cơm ở nhà đến trường thì bị phản đối, học sinh lén lún ăn cơm nhà nếu bị giám thị phát hiện sẽ bị khiển trách.

Và để được “bán trú không cơm”, phụ huynh phải “chạy” được giấy của bác sĩ xác nhận con họ bị dị ứng với một đồ ăn nào đó:

“Như tôi vừa rồi làm hồ sơ bán trú không cơm cho con phải ghi rõ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho con, phụ huynh là người chịu trách nhiệm. Vì bé nhà mình có dị ứng mới xin được đơn của bác sĩ, mình phải đi 2 lần mới giải quyết đơn, phải thật sự “lì mặt” ngồi đó chứ không phải lên lần đầu hợp lệ cho duyệt luôn. Trường làm khó dễ và không tạo điều kiện cho phụ huynh”, chị V. cho biết.

Đằng sau những thực đơn có vẻ đầy đủ là hình ảnh những suất ăn nghèo nàn

Đằng sau những thực đơn có vẻ đầy đủ là hình ảnh những suất ăn nghèo nàn

Tương tự, phụ huynh Y. được con kể rằng cơm ở trường thường khô, rất ít đồ ăn, và món mặn thường có mùi hôi nên phải bỏ thừa lại.

Mỗi ngày như thế, con chị bị đói và muốn mẹ cho mang thêm đồ ăn nhưng cũng lén lút vì sợ bị phạt. Vị phụ huynh cũng bức xúc khi muốn giám sát bếp ăn từ khâu tiếp phẩm, nấu cho đến khi lên bàn ăn nhưng bị từ chối. Chị cho hay, bé nhỏ học tiểu học cùng địa bàn, mỗi ngày thực đơn công khai trên nhóm Zalo trường, lớp; cô chủ nhiệm trực tiếp bám sát báo cáo phụ huynh và đặc biệt hơn, trường cho phụ huynh bất cứ lúc nào cũng có thể đột xuất kiểm tra, giám sát bếp ăn.

“Riêng trường này thì phụ huynh muốn kiểm tra, tham gia một bữa trưa của các con thì hoàn toàn không được. Bữa ăn về số lượng đã không đầy đủ, về chất lượng bé nói bữa ăn các bạn ăn cơm ngửi thấy mùi hôi món mặn”, phụ huynh Y. nói.

Phụ huynh N.cho biết, chưa bữa nào con chị khen đồ ăn nhà trường ngon, cùng lắm là nói ráng thì thôi cũng ăn được, nhiều lần về nhà đói lả, chị phải chuẩn bị thêm chuối và sữa cho con.

Không ít lần đối thoại trong vô vọng, chị N. cho hay, nhà trường hứa hẹn có điều chỉnh, nhưng hứa hẹn chỉ là hứa hẹn: “Điều chỉnh thì phải hiệu quả, chứ không thể cứ nói điều chỉnh là điều chỉnh được. Cùng một chi phí, cùng một lực lượng, cùng một khả năng đạt được, nhưng tại sao cùng địa bàn lại có trường làm được, có trường không? Cái đó nằm ở cái tâm của người làm giáo dục”.

Những thùng đồ ăn đổ đi hàng ngày. Ghi nhận ngày 11/11/2024.

Những thùng đồ ăn đổ đi hàng ngày. Ghi nhận ngày 11/11/2024.

Song song với đó, nhà trường mời Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đến dùng bữa với học sinh. Những hình ảnh này đều được trường chủ động ghi lại và đăng tải. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã bình luận dưới bức ảnh đăng trên trang fanpage “Trường Lương Định Của” bày tỏ sự bức xúc.

Vài nguồn tin trong trường cung cấp hình ảnh mỗi ngày có 3 thùng để chứa thức ăn thừa đổ đi của học sinh. Một giáo viên cho hay:

“Thay vì cô ấy sẽ xuống xem nhà bếp như thế nào, nhắc nhở nhà bếp làm cơm mềm hơn cho đám trẻ ăn . Buổi trưa tụi nhỏ mệt xong bắt ăn cơm cứng, đồ chiên cứng, trẻ không ăn nổi. Thấy trẻ đổ đi quá nhiều, trong đó có 3-4 cái thùng đổ đi mình nhìn thấy rõ ràng. Tại sao trò đổ đi? Buổi sáng thậm chí có trò đã ăn đâu. Bây giờ bữa trưa đổ đi thì bụng trò thế nào, rồi sức khỏe ra sao? Mình làm cha làm mẹ mình xót ruột con mình thì con người ta cũng vậy chứ”.

Phản hồi của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú

Phản hồi của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú

Câu chuyện về suất ăn của học sinh trường Lương Định Của không đơn thuần chỉ là một sự cố cá biệt mà là biểu hiện của một vấn đề hệ thống trong quản lý dịch vụ ăn uống tại các trường học.

Và câu chuyện này cũng đã chỉ lối phóng viên VOV Giao thông tìm hiểu về những điều bất ổn không thể ngờ tới, ở một môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc gia.

HỌC SINH BÁN VÉ SỐ, CÔ GIÁO PHÁT TỜ RƠI

Từ những dấu hiệu suất ăn bán trú không minh bạch, nhiều phụ huynh tìm hiểu và cung cấp cho phóng viên VOV Giao thông thêm thông tin liên quan đến các hoạt động vận động, quyên góp của nhà trường.

Theo phản ánh của phụ huynh và giáo viên, chương trình “Vé số yêu thương” được khởi động từ năm 2023 và bước sang cả năm 2024 với mục đích tạo niềm vui nhận may mắn đầu năm, gây quỹ ủng hộ cho học sinh khó khăn. Song, số lượng vé số được phát hành không giới hạn, hết là in tiếp. Việc này giáo viên chủ nhiệm cũng không nắm được thông tin.

Một số học sinh sẽ đến phòng Đội TNTP để nhận xấp vé số đi bán dạo quanh trường trong giờ ra chơi. Học sinh khi nhận xấp vé số không bán hết phải đi năn nỉ các bạn học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh để mua hộ.

Chương trình học bổng Thắp sáng ước mơ - Mỗi em 1 triệu đồng của trường THCS Lương Định Của, TP.Thủ Đức

Chương trình học bổng Thắp sáng ước mơ - Mỗi em 1 triệu đồng của trường THCS Lương Định Của, TP.Thủ Đức

Đáng chú ý, ngay cả các cô bảo mẫu cũng bị phân công bán các xấp vé số. Các cô không chỉ rao bán vào giờ ra chơi, mà còn vào trong các tiết thể dục của các em dưới sân trường để chào mời.

Tổng giải thưởng của vé số cho giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích là 9 triệu đồng. Một giáo viên cho biết vé số phát hành 10.000 đồng/ vé và đầu số lớn nhất mà cô được nhìn thấy là 4.847. Một giáo viên nhận định, hoạt động này thiếu sự tế nhị lẫn nhân văn:

“Tôi thấy hành động này không được hay trong trường học học. Tôi chưa biết là có sai luật không nhưng học sinh cầm vé số chạy khắp trường rao bán tìm người mua, các bạn chạy tứ tung khắp trường, gặp ai cũng chào mời hết. Cả những cô bảo mẫu cũng chào mời vé số trong trường. Nhiều lúc có bạn cầm vé số đến ngày quay số cũng lo lắng vội vàng tìm cách làm sao để mời thầy cô mua giùm thậm chí mời chào ngay trong tiết học vì đã lỡ nhận tập vé số”.

Trả lời phóng viên VOV Giao thông trưa 25/11, bà Vũ Thị Minh Hiếu, Hiệu trưởng trường THCS Lương Định Của xác nhận thông tin này và khẳng định đây là hoạt động thường niên đã 7 năm nay. Tuy nhiên, về số lượng vé số phát ra, bà sẽ cung cấp thông tin sau.

“Các con cũng mời tôi, tôi rất vui vẻ. Tôi thấy đó là hình ảnh yêu thương lẫn nhau trong một ngôi trường. Tất cả những hoạt động trong Hội xuân đều được trích từ hoạt động Vé số yêu thương. Mọi kế hoạch đều được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Đức”, bà Vũ Thị Minh Hiếu khẳng định.

Học sinh tham gia bán vé số tại trường

Học sinh tham gia bán vé số tại trường

“Vé số yêu thương” chỉ là một trong số rất nhiều chương trình kêu gọi gây quỹ khác của trường như “Thắp sáng ước mơ – Trung thu 2023”, “Trung thu yêu thương 2023”, “Trung thu yêu thương 2024”, “San sẻ yêu thương” – Trung thu 2024”, “Quỹ cây xanh năm học 2024 – 2025”...

Đặc biệt, hầu như tất cả hoạt động này đều được quyên góp qua số tài khoản cá nhân của cô giáo vụ Tô Thị Xuân Hằng với 4 số tài khoản ngân hàng khác nhau.

Tại cuộc phỏng vấn trưa 25/11, bà Tô Thị Xuân Hằng xác nhận thông tin với phóng viên VOV Giao thông:

“Đó là tài khoản tôi lập ra để phụ huynh chuyển vào để rõ ràng, không nhập nhằng với tài khoản nhận lương cá nhân của tôi. Thời điểm đoàn thanh tra về tài chính nhắc nhở không được sử dụng các tài khoản cá nhân để thu và đề nghị ngưng, tôi cũng đã ngưng từ tháng 9/2024”.

Bà Nguyễn Thị Như Nghĩa, Trưởng Ban thanh tra nhân dân trường cũng khẳng định tài khoản cá nhân của bà Hằng để nhận các khoản kêu gọi hỗ trợ đã đóng từ cuối tháng 9.2024.

Bản thân bà Hằng cũng thừa nhận, bà chỉ phụ trách thu, còn phần lên kế hoạch chi được phân công cho Tổng phụ trách Đội, nên hiện bà không nắm được hiện các quỹ còn tồn hay không.

Vé số không bán hết phải đi năn nỉ các bạn học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh để mua hộ.

Vé số không bán hết phải đi năn nỉ các bạn học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh để mua hộ.

Trở lại với câu chuyện học bổng “San sẻ yêu thương”, mặc dù trên thư ngỏ kêu gọi quyên góp bằng những lời lẽ nhân văn, giúp đỡ hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn, song hành động thì ngược lại.

Cụ thể, học sinh thứ 10 nhận học bổng “San sẻ yêu thương” là một học sinh nghèo, gia cảnh khó khăn, mẹ làm công nhân và sống với ông bà ngoại bán quán nước tại một chung cư. Nhiều tháng sau khi phát động, phụ huyn học sinh này mới nhận được tin nhắn lên nhận tiền. Tuy nhiên, học vụ thông báo rằng gia đình phải đóng các khoản tiền tháng 9, 10 còn nợ nhà trường hơn 4 triệu đồng thì mới được nhận học bổng.

Có mặt tại quán nước của ông bà ngoại học sinh L.G.B, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nghe những lời chia sẻ:

“Thiếu tiền còn lại của nhà trường nên người ta không cho lãnh phần đó. Nhận được cái giấy đóng tiền về đưa cho mẹ cháu, chỉ có phiếu nợ tiền không. Nhà trường bảo thanh toán tiền nợ cũ mới nhận được tiền “San sẻ yêu thương”.

Các cô bảo mẫu cũng phải tham gia bán vé số

Các cô bảo mẫu cũng phải tham gia bán vé số

Trong khi bà Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định với phóng viên VOV Giao thông là chưa nắm được thông tin này thì cô giáo chủ nhiệm của học sinh vì áy náy nên đã gọi điện, đến nhà xin lỗi phụ huynh về sự sơ suất của nhà trường:

“Người ta rất là nghèo rồi, người ta đã có một cái mặc cảm rồi lên nhận tiền yêu thương, tiền khó khăn lên đến nơi lại bị chưng hửng không cho nhận vì còn nợ. Tôi nghĩ đúng người ta nghèo phải chấp nhận bị đối xử như vậy. Tôi phải gọi phụ huynh xin lỗi trước khi tôi ghé thăm nhà. Khi tôi nghe xong phải đi kiếm học sinh để chia sẻ với trò. Cách xử lý của nhà trường như vậy thật khủng khiếp, nghĩ sao người ta chạy xe tới bảo không cho nhận, người ta nghèo sẽ rất hay mặc cảm. Tôi nghĩ nếu mà còn nợ thì không nên gọi phụ huynh học sinh lên lấy tiền”.

Bà Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh)

Bà Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh)

Quỹ “San sẻ yêu thương” thực chất là các nhà hảo tâm của trường đóng góp, điều này cần tách biệt với việc một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu các khoản đóng góp. Hành xử này của trường THCS Lương Định Của dưới góc độ nào đó đã gây tổn thương đến gia đình em L.G.B.

Đó là chưa kể việc không thông báo kịp thời, thiếu lời giải thích chân tình, hợp lý đã khiến phụ huynh thôi thì vì nghèo mà đành chấp nhận.

Ngoài ra nhà tường còn chủ trương biến giáo viên thành những nhân viên phát tờ rơi quảng cáo cho một Trung tâm tiếng Anh. Thật khó tin, khi hình ảnh những người thầy, người cô đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức lại phải kiêm luôn vai trò như những “nhân viên tiếp thị”.

Việc nhà trường yêu cầu giáo viên phát tờ rơi có phải vượt quá giới hạn cho phép?

Giáo viên chủ nhiệm bị phân công phát tờ rơi cho Trung tâm tiếng Anh

Giáo viên chủ nhiệm bị phân công phát tờ rơi cho Trung tâm tiếng Anh

Xác nhận với VOV Giao thông, một giáo viên chủ nhiệm chia sẻ, cô được giao chỉ tiêu phát tờ rơi quảng cáo cho Trung tâm tiếng Anh do đích thân hiệu trưởng giao:

“Chúng tôi chuẩn bị đi lên họp với phụ huynh thì được hiệu trưởng đưa cho chúng tôi mỗi người một xấp tờ rơi để quảng cáo cho một Trung tâm tiếng Anh. Tùy theo số lượng sĩ số lớp, hiệu trưởng sẽ phát cho một xấp tờ rơi. Lúc đó trên đường đi nhiều thầy cô cũng thấy bức xúc vì thấy mình đi phát tờ rơi cho phụ huynh rất là ngại, thậm chí giáo viên nhiều người ngại quá không dám phát vẫn để nguyên trên bàn”.

Nhưng bà Vũ Thị Minh Hiếu lại cho biết, hiện trường không hợp tác với Trung tâm tiếng Anh được in trên tờ rơi phát cho học sinh mà chỉ giao lưu câu lạc bộ tiếng Anh vì trung tâm này gần trường, lại có giáo viên nước ngoài. Và khẳng định trường còn phát nhiều tờ rơi của trung tâm khác để phụ huynh an tâm về việc học của con em mình.

CƠM BÁN TRÚ: PHỤ HUYNH BỨC XÚC, VOV GIAO THÔNG VÀO CUỘC

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/11, PV VOV Giao thông đã làm việc trực tiếp với bà Vũ Thị Minh Hiếu, Hiệu trưởng trường THCS Lương Định Của (TP. Thủ Đức, TP.HCM) về các vấn đề VOV Giao thông đề cập.

Nội dung cụ thể liên quan đến suất cơm bán trú mà nhiều phụ huynh phản ánh đến THCS Lương Định Của, bà Vũ Thị Minh Hiếu đã đưa nhóm phóng viên tham quan nhà ăn của học sinh để ghi nhận thực tế. Bà Hiếu cho biết, mỗi ngày bếp trường nấu trung bình khoảng 1.700 suất ăn bán trú cho học sinh 4 khối lớp.

Vào lúc 10 giờ 45 phút, tại nhà ăn, PV VOV Giao thông ghi nhận bếp ăn với 13 nhân viên tất bật chuẩn bị cho bữa trưa của học sinh. Thực đơn hôm nay được niêm yết tại bảng thực đơn cả tuần, cơm thứ 2 ngày 25/11 gồm: món mặn thịt kho tiêu, món xào cải ngọt, canh mây và món tráng miệng là bánh mì paparoti…

Sau tiếng trống trường, học sinh hai khối 6 và 8 được xuống nhà ăn trước, ước lượng gần 800 học sinh đổ xuống và ngay ngắn ngồi vào bàn ăn. Theo quan sát của phóng viên, thực ăn được nấu tại bếp ăn của trường, các nhân viên phục vụ tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, cơm canh được đậy kỹ càng.

Khi phóng viên tiếp cận các học sinh để phỏng vấn, dưới sự giám sát của cô hiệu trưởng và bảo mẫu, các em có phần e dè và bảo cơm hôm nay “ăn cũng được”.

Song, trái ngược với nhận xét “ăn cũng được” là hình ảnh các học sinh liên tục cầm khay cơm chưa kịp ngồi vào bàn ăn đi đến khu vực đổ đồ ăn thừa trút bỏ. Có em trút bỏ gần 2/3 phần cơm của mình.

Cận cảnh các em học sinh bỏ đi phần cơm thừa của mình. Clip ghi nhận vào ngày 25.11.2024

Sau bữa trưa, PV VOV Giao thông tách riêng các học sinh ra khỏi khu vực nhà ăn và mong muốn các em có những góp ý chân thành để giúp cải thiện bữa cơm bán trú, chúng tôi đã nhận được những câu trả lời đầy trung thực và hồn nhiên.

Phản hồi của học sinh vào ngày 25/11/2024

"Mấy khi Bộ giáo dục tới thì cơm rất là ngon luôn!|

"Những ngày phụ huynh tới thăm, miếng thịt nó dày vầy nè!|

"Cơm có bữa ướt bữa khô, với lại đồ ăn rất là mặn. Bữa trước con ăn miếng thịt nghe mùi thum thủm, mấy bạn con bỏ bữa nhiều lắm mà bỏ bữa sẽ bị đưa lên giám thị."

"Cơm bị khô, con phải uống nước, mua nước mấy lần luôn á, lâu lâu nó dẻo vón cục lại. Có bữa con ăn cái chả nó mặn quá!"

"Cơm trường cơm hột cứng hột không, mà cá thì mùi tanh, xong rồi khét nữa. Mấy món nước như bún thì ăn được."

"Bạn này năm ngoái ăn không nổi phải “out” cơm trường ra."

"Bún bò ăn thịt cứng với lại nước nghe mùi ruốc luôn không có ăn được, với lại nước nguội, còn canh thì không bao giờ được nóng hết."

 

Dù cho biết 'cơm ăn cũng được' nhưng vẫn có những em bỏ đi tới 2/3 suất ăn của mình

Dù cho biết "cơm ăn cũng được" nhưng vẫn có những em bỏ đi tới 2/3 suất ăn của mình

Hiệu trưởng nhà trường cho biết công ty cung cấp suất ăn cho học sinh tại trường là công ty Vĩnh Thịnh, đã ký hợp đồng từ nhiều năm trước và có từ thời hiệu trưởng cũ. Bà Vũ Thị Minh Hiếu - hiệu trưởng xác nhận, phụ huynh có phản ứng chuyện cơm bán trú của con trên một nhóm Zalo. Sau khi nắm bắt thông tin này, nhà trường đã có sự điều chỉnh: 

“Về chất lượng bữa ăn thì ví dụ như món cá chiên xù đi thì có cá, có rau xào, có canh, có cả món ăn tráng miệng cho các con. Phần định lượng này thì tùy theo mỗi món ăn. Ví dụ thịt bò thì nó lại ít hơn một chút xíu, cá thì đỡ hơn hoặc là thịt heo, ram tép thì nó sẽ có nhiều hơn tùy định lượng mỗi món ăn.

Tại vì thực đơn là trường làm mỗi tháng chứ không phải là mỗi tuần, mỗi ngày. Khi phụ huynh học sinh trao đổi, tôi cũng đã thay đổi thực đơn, ví dụ như các con nói đồ xào, nhiều mỡ, tôi đã cho đổi thành các món luộc. Thực đơn đã gửi lên trang web và dán ở cổng trường”.

Nhà trường tiếp thu ý kiến phụ huynh bằng cách gộp bữa xế vào bữa ăn trưa

Nhà trường tiếp thu ý kiến phụ huynh bằng cách gộp bữa xế vào bữa ăn trưa

Khi chúng tôi chất vấn thêm rằng phụ huynh cần được kiểm tra đột xuất bếp ăn để xem tình hình thật sự thế nào thì bà Hiếu cho rằng điều này “làm khó nhà trường” và cần thiết phải lập danh sách thông báo trước để sắp xếp:

“Nếu phụ huynh muốn vào trường giám sát phần chuẩn bị thức ăn của các con thì phụ huynh có thể nhờ một phụ huynh lập danh sách cho tôi, rồi gửi cả căn cước công dân để tôi biết là phụ huynh của em nào. Tại vì thật sự ở trường công việc rất nhiều, hiện nay chúng tôi đang thiếu một phó hiệu trưởng nên rất nhiều công việc. Cứ lập danh sách báo trước thời gian tôi sẵn sàng mời phụ huynh vào để giám sát trường luôn. Điều này rất đáng hoang nghênh”.

Nhiều phụ huynh mong muốn đem cơm theo khi con học bán trú để ăn thêm vì cho rằng suất ăn không đủ chất cho các con tuổi đang lớn, với khối lượng vận động một ngày quá nhiều. Điều này bà Hiếu mong rằng phụ huynh nào có con học bán trú phải tin tưởng vào nhà trường chứ không thể cá biệt ưu tiên:

“Thật sự rất khó cho nhà trường về kiểm tra về an toàn thực phẩm. Phụ huynh nếu đăng ký bán trú thì mong phụ huynh tin tưởng nhà trường. Ở trường còn có một số phụ huynh yêu cầu, bây giờ đem thức ăn mang theo nhưng thức ăn từ sáng đến trưa các con mới ăn thì vấn đề thời tiết nắng nóng bây giờ rất dễ bị ôi thiu. Cho nên tôi lo lắng”.

Những bày tỏ của bà Hiệu trưởng cho thấy có vẻ người đứng đầu nhà trường rất quan tâm học sinh, từng bữa ăn giấc ngủ và luôn trấn an động viên phụ huynh tin tưởng nhà trường. Vậy điều gì đang xảy ra, tại sao mâu thuẫn cứ dai dẳng đến vậy?

Thực đơn tuần tại bếp ăn ghi nhận vào 25.11.2024, không có thông tin về định lượng các món ăn

Thực đơn tuần tại bếp ăn ghi nhận vào 25.11.2024, không có thông tin về định lượng các món ăn

Chị T. một phụ huynh chấp nhận đóng tiền bán trú nhưng lén đem cơm cho con ăn, vì gần như lần nào bé ăn cơm cũng bị đau bụng. Và nhiều lúc bị giám thị phạt, thật sự chị cũng khó chịu khi vừa mất tiền không ăn, lại phải lén lút:

“Tôi không có thời gian. Con tôi ăn cơm mang theo mà phải lén lút, trong khi tôi lại mất tiền. Tôi bỏ tiền ra mà phải lén lút, rồi các con đem đồ ăn lên cũng phải lén lút ăn. Thử hỏi hạnh phúc chỗ nào? Sắp tới tôi cũng xin cái giấy cho con mình và tôi phải đấu tranh với nhà trường. Mỗi năm 9 triệu, 4 năm trời tính ra mất gần 30-40 triệu bạc là không ít. Thật ra tiền không phải dễ kiếm. Mình lo cho con mình như vậy mà mình phải lén lút này nọ thì thật khó chịu vô cùng”.

Tương tự chị N. bày tỏ đến mức đường cùng sẽ chuyển trường cho con và đứa con thứ hai đang học tiểu học sẽ không gửi con vào trường Lương Định Của nữa.

Chị N. nói để mâu thuẫn này dai dẳng là một điều đáng tiếc gây thiệt hại cho tất cả các bên và chính các con mới là những người bị hứng chịu tất cả: “Ở trường Lương Định Của mọi thứ mình thấy ổn hết, chỉ có vấn đề suất ăn thôi. Lo lắng thì chỉ có thể làm như thế rồi góp sức với phụ huynh khác để đưa ý kiến lên ban giám hiệu có thể sửa. Để tình trạng này kéo dài thì ảnh hưởng đến các con, cả trường luôn thì thấy thật đáng tiếc.

Ở trường cũ các con ngày nào cũng bàn nhau về đồ ăn, đứa lớn đang học Lương Định Của hỏi em ăn cái gì? Trời ơi em khen ngon quá trời luôn! Trời ơi, chị thèm quá, chị ước được về trường cũ để ăn, tức là bạn rất mê trường cũ”.

Khu bếp ăn của trường. Ảnh ghi nhận vào ngày 25.11.2024

Khu bếp ăn của trường. Ảnh ghi nhận vào ngày 25.11.2024

Trong khi đó chị N. T. một phụ huynh năm trước phản ứng rất gay gắt chuyện cơm bán trú tha thiết mong mỏi lãnh đạo các cấp thấu hiểu một bữa ăn không chỉ mang lại giá trị thể chất mà còn là giáo dục các em về những giá trị tình yêu thương và niềm tin.

Nếu thấu hiểu và thực sự hành động sẽ không có nhiều câu chuyện kéo dài. Đây là nỗi đau đáu của phụ huynh và nếu không được giải quyết triệt để sẽ không có đoạn kết.

“Đau đáu trong lòng của phụ huynh vẫn là suất ăn, cái mà các con tiếp nhận hàng ngày. Có thực mới vực được đạo mà! Rõ ràng cái tâm của họ ở góc độ và nghe ai phản ánh câu chuyện nào đó tác động tới mình. Họ đến kiểm tra thôi, chỉ một ngày sao hiểu được cả một năm, chỉ một ngày làm sao hiểu cả một tháng?

Những năm tháng dài đó các con phải nhận những hậu quả hằng ngày. Nên họ chỉ có thể tác động đến sự sắp xếp nào đó để thông cáo cho truyền thông, cho ngành để báo cáo cái điều thấy là tốt, rất ổn. Nhưng chỉ có những đứa trẻ tội nghiệp đáng thương này mới là những đứa trẻ nhận hậu quả hàng ngày, nó không cảm nhận được đó là bữa cơm của trường cũng giống như của nhà, không bao giờ”, chị N. T. chia sẻ.

Học sinh xuống nhà ăn để ăn trưa. Ghi nhận ngày 25.11.2024

Học sinh xuống nhà ăn để ăn trưa. Ghi nhận ngày 25.11.2024

Qua ghi nhận ý kiến phụ huynh, sau những bức xúc, họ cũng dịu lại và có phần cảm thông với nhà trường khi ít nhiều chịu áp lực từ trên xuống và cả nhiều phía.

Song, tự đáy lòng, họ luôn mong mỏi sự lắng nghe, thấu hiểu và có sự cải thiện thực chất. Và họ cũng ước ao những đứa trẻ thành thị cũng có một tuổi thơ, chẳng phải khổ sở vì những bữa cơm bán trú:

“Mỗi ngày nghe con tôi than thở Cơm ở trường chán lắm mẹ ơi! Tôi chỉ ước như ngày xưa ở quê, mỗi ngày đi bộ về mấy cây số, mệt nhưng vui vẻ với bữa cơm gia đình, nhiều khi chỉ có canh cà nước mắm, nước thịt kho thôi mà vẫn vui vẻ. Các con đi học yêu thương thầy cô, tin tưởng thầy cô đã dẫn dắt các con.

Còn thế hệ bây giờ, các con sẽ có sự nhận xét, đánh giá và phán xét nữa vì bị mất đi niềm tin không chỉ là vấn đề giáo dục mà cả bữa ăn. Thậm chí các con chấp nhận nhịn đói để ăn mì gói còn hơn là ăn suất cơm của trường.... Đau lòng!”

---

Vẫn còn đó nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về những ẩn khuất tại ngôi trường chuẩn quốc gia này trong bài viết với nhan đề “Phòng giáo dục nói gì về nhất bất ổn của Trường THCS Lương Định Của?”.

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn