Biến xe 3 bánh thành xe cứu thương miễn phí

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, một nhóm tài xế ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã biến những chiếc xe ba bánh của mình thành xe cứu thương tạm thời, để đưa những người cần cấp cứu đến bệnh viện.

Đây được xem là giải pháp vô cùng hữu ích nhằm hỗ trợ hệ thống y tế đang quá tải và kiệt sức của quốc gia này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Đội xe cứu thương ba bánh ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Reuter

Kể từ tháng 3 năm nay, dịch COVID-19 trở nên tồi tệ đáng báo động tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới, các bệnh việc luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải xếp hàng dài để chờ gặp bác sĩ.

Để giúp những người dân cần đến bệnh viện trong thời gian nhanh nhất có thể, một nhóm các tài xế xe ba bánh đã tình nguyện chuyển đổi những chiếc xe của họ thành những chiếc xe cứu thương tạm thời để đưa người dân đến bệnh viện.

Ajay Kumar - một trong những tài xế tham gia vào đội xe cứu thương ba bánh tự nguyện đưa đón bệnh nhân và người nhà của các bệnh viện chia sẻ: "New Delhi đang nghẹt thở vì COVID-19. Vì vậy, chúng tôi cung cấp dịch vụ xe 3 bánh cứu thương ễn phí để giúp đỡ mọi người".

Giống như các tài xế khác, Kumar tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch khi làm việc, đeo kính bảo hộ, tấm che mặt và mặc quần áo bảo hộ ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. Trên xe luôn có nước khử trùng và bông băng.

"Dĩ nhiên là ai cũng đang lo lắng. Nhưng nếu tất cả đều ở nhà vì sợ hãi thì ai sẽ là người ra ngoài giúp đỡ những người gặp khó khăn đây? Vì vậy tất cả chúng ta phải ra khỏi nhà giúp đỡ mọi người bằng mọi cách có thể, bằng tiền bạc hay sức lực. Tất cả chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau", Kumar chia sẻ.

Kumar bắt đầu công việc hàng ngày của mình tại cổng bệnh viện vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ, sau đó một tài xế khác sẽ đến thay ca cho anh. Đội xe cứu thương 3 bánh hiện nay bao gồm 20 xe phân bổ khắp thành phố.

Anh Ajay Kumar cho biết thêm: "Chúng tôi có một tài khoản mạng xã hội. Những chiếc xe cứu thương bằng xe 3 bánh này được triển khai ở nhiều nơi khác nhau. Nếu ai đó gửi tin nhắn hoặc gọi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đến đón họ."

Kumar tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch khi làm việc, đeo kính bảo hộ, tấm che mặt và mặc quần áo bảo hộ ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. Ảnh: Reuter

Những chiếc xe cứu thương ba bánh có thể dễ dàng nhận diện bởi chúng thường được bọc bởi một một tấm bạt khổ lớn in hình các thành viên đội xe và các số điện thoại khẩn cấp bằng chữ in đậm. Các tài xế cũng phải hết sức can đảm để có thể túc trực tại bệnh viện trong suốt 12 tiếng; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang ở mức nghiêm trọng chưa từng có.

Anh Servesh Mishra, người khởi xướng Sáng kiến Xe cứu thương bằng xe 3 bánh cho biết: "Thời gian đầu, chúng tôi ngập trong các cuộc điện thoại, trả lời khoảng 1.000 đến 1.200 cuộc mỗi ngày. Chúng tôi phải tăng số lượng xe 3 bánh từ 10 lên 20 xe. Trong thời gian cao điểm, chúng tôi sẽ vận chuyển từ 100 đến 150 bệnh nhân và người nhà của họ một ngày. Trung bình, mỗi xe đón từ 7 đến 8 người mỗi ngày. Tất cả các tài xế đều làm việc theo ca kéo dài 12 giờ. "

Anh Mishra cho biết họ chủ yếu phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và người nhà của họ, trên xe luôn có sẵn bình dưỡng khí y tế trong trường hợp khẩn cấp: “Ở New Delhi, xe cấp cứu của thành phố thường xuyên chật cứng. Ngoài ra, thành phố có một số con hẻm rất hẹp hoặc các khu vực xây dựng không thể tiếp cận được bằng xe cấp cứu cỡ thường. Trong những trường hợp này, xe cấp cứu tạm thời của chúng tôi rất hữu ích. Chúng tôi hỗ trợ những người có nhu cầu sử dụng bình oxy”.

Người dân Ấn Độ rất ủng hộ sự ra đời của dịch vụ xe cứu thương ba bánh này. Ảnh: Reuters

Sau một thời gian hoạt động, kế hoạch này nhận được nhiều phản hồi tich cực. Họ không chỉ nhận được yêu cầu từ các bệnh nhân COVID-19 mà còn từ các nhân viên tuyến đầu, những người không thể tìm được phương tiện vận chuyển bệnh nhân và cả những người mắc các bệnh khác.

Ngoài Delhi, nhiều địa phương khách cũng hi vọng dịch vụ xe cứu thương ba bánh được triển khai. 

Mặc dù công việc sơ cứu ban đầu của những lái xe cứu thương ba bánh “bất đắc dĩ” này đã trở nên ít vất vả hơn so với hồi tháng 5 thế nhưng Mishra cho biết đội xe sẽ tiếp tục hoạt động với tất cả khả năng của mình cho đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn ở Ấn Độ.

Việt Nam cũng đang trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 vô cùng phức tạp và mức độ nguy hiểm hơn hẳn các đợt dịch trước đó. Trong những ngày Bắc Giang căng mình chống dịch với hàng chục, hàng trăm ca mỗi ngày, bên cạnh các đoàn y bác sĩ từ nhiều địa phương đến chi viện, còn có những người dân tình nguyện lái xe cứu thương từ Quảng Bình, Nghệ An lao vào tâm dịch, sẵn sàng hỗ trợ chống dịch.

Mới đây, trước nhu cầu cấp thiết của người dân trong việc đi đến các bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép 400 chiếc xe taxi của 2 hãng Mai Linh và Vinasun được hoạt động trở lại.

Các xe taxi được hoạt động trở lại đều phải dán tem để nhận diện, nhân viên lái xe và khách hàng phải sử dụng khẩu trang trong suốt chuyến đi, thực hiện khai báo y tế theo quy định, phun tẩy phương tiện sau mỗi lần vận chuyển.

Mong rằng sự đóng góp, đồng hành của người dân sẽ giúp công tác chống dịch phần nào bớt khó khăn, dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình yên cho đất nước.