Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định không có “đợt bệnh hô hấp mới”

So sánh trong vòng 5 năm 2019-2024, số lượng bệnh nhân hô hấp trong năm 2024 tương đương với các năm trước đó. Vì vậy, Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, đây không phải là “đợt bệnh hô hấp mới” như phản ánh của báo chí.

Từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận và điều trị số lượng bệnh nhi hô hấp tăng cao so với các tháng khác trong năm. Trong năm 2024, Bệnh viện đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân hô hấp tương đương so với cùng kỳ năm 2023 (viêm tiểu phế quản 129% và viêm phổi 90,8% so với cùng kỳ năm 2023).

So sánh trong vòng 5 năm 2019-2024, số lượng bệnh nhân hô hấp trong năm 2024 tương đương với các năm trước đó. Vì vậy, Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, đây không phải là “đợt bệnh hô hấp mới” như phản ánh của báo chí.

Phóng viên có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM xung quanh nội dung này. 

 

PV: Thưa bác sĩ, vậy số lượng bệnh nhi hô hấp tăng cao so với các tháng trong năm không phải là điều bất thường?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thông thường, bệnh hô hấp có hai mùa tăng, là mùa trời mát chuyển sang trời nóng, và mùa trời nóng chuyển sang trời hơi se lạnh (trong khoảng tháng 10 đến tháng 12).

Vào thời điểm cuối năm thì số ca sẽ tăng cao hơn. Điều này không có gì lạ bởi thời tiết phù hợp cho virus phát triển. Thứ hai, khi trẻ con con đến trường học sau hè, môi trường tiếp xúc của trẻ nhiều thì có nguy cơ lây từ trường về nhà. Đó là những yếu tố làm cho bệnh hô hấp tăng cao.

Do vậy, việc số ca ở Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao theo thông tin từ báo chí thì không phải là điều bất thường, không phải là “bệnh hô hấp mới”, hoàn toàn không có tác nhân gây bệnh nào mới ở đây cả.

PV: Virus thường gây ra các bệnh hô hấp phổ biến trong mùa này, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Ngoài virus cúm ra, thì có hai loại virus chưa có vắc xin là virus hợp bào hô hấp (RSV) và Adenovirus. Tuy nhiên, mùa ca bệnh tăng cao đa số là virus hợp bào hô hấp.

PV: Những triệu chứng điển hình nào cho thấy trẻ đang mắc bệnh về đường hô hấp?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thông thường, bệnh đường hô hấp chỉ có biểu hiện nóng, ho, sổ mũi, đa số tự khỏi. Tuy nhiên, với một số trẻ nhỏ dưới 12 tháng hoặc dưới 6 tháng thì có khả năng khò khè, khó thở nhiều hơn nên số lượng trẻ nhập viện đông.

Ngoài ra, một số trẻ có cơ địa suyễn hoặc có sẵn bệnh phổi mãn tính nên khả năng nhiễm bệnh nhiều hơn.

Đa số các đợt nhập viện là do viêm tiểu phế quản và tới theo mùa.

Thông thường, một đứa trẻ khi lớn lên đến 1 tuổi, 2 tuổi có thể sẽ có ít nhất 2 đợt viêm tiểu phế quản.

PV: Liệu BV Nhi đồng 1 đã có những giải pháp nào để đối phó với tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhân tăng cao?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: BV Nhi đồng 1 có một Khoa Hô hấp và hai Khoa Nội tổng quát sẵn sàng chia sẻ số bệnh hô hấp tăng cao. Còn ở Bệnh viện Nhi đồng 2 có tới hai Khoa Hô hấp.

Ở Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu như Khoa Hô hấp quá tải, các khoa khác sẽ “tải” thêm cho Khoa Hô hấp.

Bênh cạnh đó, nếu số ca bệnh Khoa Hô hấp tăng cao và không đủ “tải”, sẽ có chương trình điều trị ngoại trú, một số trẻ cần chích thuốc thì đến giờ vào, sau đó về nhà và sáng hôm sao vào thăm khám và chích thuốc thì sẽ bớt được số ca nhập viện.

Nếu cần, những Khoa Nội tổng quát hay Khoa Tiêu hoá, Khoa Thận... sẽ nhận thêm bệnh nhân hô hấp. Đó là cách để chia sẻ cho nhau khi có vấn đề liên quan đến bệnh lý nhi theo mùa. Hiện tổng số giường của Bệnh viện Nhi đồng 1 đủ lo cho các bé.

PV: Để phòng tránh các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em vào mùa này, bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên cụ thể cho phụ huynh không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đến mùa này, phụ huynh cần phải lưu ý để phát hiện sớm. Một em bé nóng, ho, sổ mũi (đặc biệt em bé dưới 12 tháng tuổi) thì phải theo dõi cách thở, cách ăn, cách bé bú.

Nếu ăn kém, bú kém đi, thì phải kiểm tra xem có phải do ngạt mũi không rồi nhỏ nước muối sinh lý làm sạch mũi; trẻ lớn hơn thì cho trẻ uống chút nước để loãng đờm. Cũng cần cho trẻ uống đủ nước và uống đủ sữa.

Đặc biệt quan trọng là phải theo dõi cách trẻ thở. Nếu trẻ thở khò khè nhiều hay thở nhanh thì phải đi bệnh viện ngay để bác sĩ đánh giá, điều trị vì lúc đó có thể trẻ từ viêm đường hô hấp trên hay viêm tiểu phế quản biến chứng qua viêm phổi bội nhiễm.

Thứ hai, phụ huynh phải phòng ngừa bằng cách không nên tới chỗ đông người; người lớn ra ngoài làm việc, khi về nhà phải rửa tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ.

Chúng ta nên nhớ, khi điều trị tại nhà không nên xông mũi vì viêm tiểu phế quản xông không có tác dụng, bên cạnh đó sẽ làm đứa trẻ sợ, quấy khóc dẫn đến khó thở thêm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!