Bệnh nhân xếp hàng còn bệnh viện xây mãi chưa xong...

Năm 2017, dự án xây dựng bệnh viện Ung Bướu TP.Cần Thơ được khởi công trước sự vui mừng và mong đợi của Nhân dân. Thế nhưng, đã 5 năm, dự án này vẫn chưa hoàn thành, trong khi bệnh viện hiện hữu đã quá tải và xuống cấp trầm trọng.

"Được sự giúp đỡ của Chính phủ Hungary tài trợ cho TP Cần Thơ xây dựng bệnh viện Ung bướu, khi bệnh viện hoàn thiện sẽ có được một cơ sở phục tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân, cũng như có được cơ sở để đội ngũ y bác sĩ học tập nghiên cứu tại đây". 

Trên là lời nói của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thời điểm khởi công dự án đã đặt kỳ vọng trong tương lai gần, Cần Thơ có một bệnh viện hiện đại, đồng bộ cơ sở hạ tầng - nhân lực – thiết bị để tầm soát và điều trị các bệnh ung bướu.

Đồng thời, đây là cơ sở dữ liệu ung thư, kết nối dữ liệu quốc gia và quốc tế để phục vụ cho nghiên cứu đào tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, dự án vẫn “trăm mối ngổn ngang”.

Công tác tầm soát và điều trị bệnh ung bướu ở Cần Thơ thời điểm hiện tại phụ thuộc vào bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ (tọa lạc đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều). Đây là bệnh viện được chia tách từ bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ năm 2007 với cơ sở hạ tầng “đơn sơ”.

15 năm hoạt động, vách tường và cầu thang đã xuống cấp nghiêm trọng. Thêm phần chật hẹp nên bệnh nhân phải nằm ghép để chờ được lên ca phẫu thuật. Bệnh viện tận dụng cả hành lang để bình ôxy và làm bãi giữ xe.

Cỏ dại mọc đầy trong công trường bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ

Tình trạng này kéo dài đã lâu, cách đây hơn nửa năm, trong một cuộc phỏng vấn, Nguyên Giám đốc bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - ông Nguyễn Trường Giang đã than thở: “Bệnh nhân có ngày tăng 600 người, nhưng mà bệnh viện chỉ có 400 giường. Với đội ngũ nhân viên, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng… so với lượt bệnh nhân có nhu cầu chữa bệnh thì đang quá tải”.

Trong khi đó, dự án xây dựng bệnh viện Ung Bướu mới (tọa lạc đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, quận Ninh Kiều) thì lại đang thi công theo phong cách “sống chậm”. Năm 2017, UBND TP Cần Thơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (quy mô 500 giường), rộng 17 nghìn mét vuông, tổng vốn 1.700 tỷ đồng. Trong đây, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary là 1.400 tỷ, còn lại là vốn đối ứng của Cần Thơ.

Sau 5 năm, dự án này chỉ mới đạt 21% khối lượng thi công, những khối nhà đã hình thành “trơ thân” dưới nắng. Rêu phong, cỏ dại…đua nhau mọc bám chi chít trên các hạng mục còn dở dang. Từ tháng 7/2022, toàn bộ công nhân lao động đã rút khỏi công trường.

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, dự án này đang vướng rất nhiều khó khăn. Theo đó, dự án thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC nhưng khối lượng công trình mới chỉ được 21% tổng giá trị khối lượng hợp đồng Tổng thầu EPC. Hiện nay, hợp đồng Tổng thầu EPC đã hết hiệu lực. Hiệp định vay của dự án được ký kết (lần 2) cũng đã hết hiệu lực từ tháng 7/2022.

Từ tháng 7/2022 lực lượng lao động thi công đã rút khỏi công trường. Để lại nơi này trăm ngàn "ngổn ngang". Các đơn vị liên quan vẫn chưa hợp tác tháo gỡ khó khăn.

Sở Y tế đã yêu cầu phía nhà thầu xác định khối lượng đã thực hiện để thanh lý hợp đồng, sau đó tổ chức lựa chọn nhà thầu mới để thực hiện khối lượng công việc còn lại nhưng phía nhà thầu lại không phản hồi. Sở Y tế vẫn chưa thu hồi được vốn tạm ứng hợp đồng với phía nhà thầu (3,8 triệu Euro). Đã vậy, Tổng thầu EPC trong quá trình thi công không tuân thủ hiệp định khung được ký kết.

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết: "Mong muốn của địa phương và cả chủ đầu tư là dừng sử dụng nguồn vốn ODA để sử dụng vốn của địa phương giúp hoàn thành công trình. Pháp luật giữa 2 nước và đặc biệt là điều khoản cho vay rất khó cho phía Việt Nam. Bên họ yêu cầu phải có trên 50% thiết bị của Hungary nhưng Hungary lại không sản xuất trang thiết bị y tế nên họ cứ thay đổi danh mục liên tục làm cho chủ đầu tư không đáp ứng được, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án".

UBND TP.Cần Thơ có đề xuất Thủ tướng xin ngừng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hungary, thanh toán phần đã vay, xác định khối lượng đã thực hiện, quyết toán cho các nhà thầu. Sau đó, xin vốn Trung ương, vốn đối ứng địa phương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các công việc còn lại, sớm hoàn thành dự án. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ chưa đồng thuận theo đề xuất và giao cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp tục theo dõi.

Hiện tại, công trình dang dở này vẫn ngày ngày “thi gan cùng tuế nguyệt” trong niềm mong mỏi của người dân là sớm có bệnh viện mới, để bệnh nhân ung bướu có được nơi điều trị rộng rãi, tươm tất…