Bạo lực gia đình: Cần sự chủ động vào cuộc của công an địa phương

Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, một số quy định đã không còn phù hợp, thủ tục hành chính và điều kiện xử lý phức tạp khiến các hành

Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, công đồng và chính quyền các cấp, số vụ bạo lực gia đình giảm theo từng năm. Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, một số quy định đã không còn phù hợp, thủ tục hành chính và điều kiện xử lý phức tạp khiến các hành vi bạo lực gia đình chưa được xử lý hiệu quả.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi.

Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo có 9 chương, 80 Điều (tăng 3 chương và 34 điều so với Luật Phòng chống BLGĐ hiện hành), gồm: những quy định chung; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong Phòng chống BLGĐ; Phòng ngừa BLGĐ; Báo tin, ngăn chặn; bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ và người tham gia phòng chống BLGĐ; Xử lý vi phạm pháp luật trong phòng chống BLGĐ…

Cụ thể, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong phòng chống BLGĐ, Điều 14, dự thảo Luật bổ sung quy định: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống BLGĐ; khuyến khích tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về phòng, chống BLGĐ.

Về phòng ngừa BLGĐ, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới gồm trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông; tư vấn về gia đình; các loại hình hòa giải; tiêu chuẩn đối với hòa giải viên tham gia hòa giải. Cụ thể, dự thảo Luật quy định 3 cấp hòa giải: do gia đình, dòng họ tiến hành; do cơ quan, tổ chức tiến hành; do tổ chức hòa giải cơ sở tiến hành.

Về xử lý vi phạm pháp luật trong phòng chống BLGĐ và các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi BLGĐ, dự thảo Luật bổ sung mới quy định về giám sát người có hành vi BLGĐ. Theo đó, người có hành vi gây BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị bị góp ý, phê bình, đến xử lý hành chính; kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm về BLGĐ bị xử lý vi phạm và thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý để giáo dục.

 Về cơ sở trợ giúp người bị BLGĐ, dự thảo Luật bổ sung quy định mới về cơ sở trợ giúp xã hội; trung tâm trợ giúp pháp lý; cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ; cơ sở hỗ trợ người bị BLGĐ; tiêu chuẩn đối với nhân viên hỗ trợ người bị BLGĐ; điều kiện thành lập cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ...

Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để gửi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Ảnh nh hoạ (internet)

Cơ quan soạn thảo lý giải như thế nào về những quy định mới đặt ra tại dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi? Mục tiêu hướng tới là gì và Ban soạn thảo kỳ vọng ra sao ở dự thảo Luật sửa đổi lần này?

Phóng viên VOVGT có cuộc phỏng vấn bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật:

PV: Xin bà cho biết những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình, sửa đổi?

Bà Trần Tuyết Ánh: Thứ nhất là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, những tỉnh nào mà lãnh đạo, người đứng đầu có quan tâm đến công tác phòng, chống BLGĐ thì tỉnh đó là công tác phòng, chống BLGĐ nó hiệu quả và BLGĐ tại địa phương đó cũng ít xảy ra. Thứ hai là hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực cũng còn những vấn đề rất bất cập.

Ví dụ như là nạn nhân bị bạo lực tái hòa nhập với cộng đồng thì trong tư tưởng của lối xóm hoặc là những người thân chưa cởi mở, cho nên chúng tôi cũng dự kiến đưa ra những vấn đề hỗ trợ nạn nhân trong quá trình bị bạo lực và sau khi tái hòa nhập với cộng đồng. Thứ ba nữa là công tác truyền thông về phòng, chống BLGĐ cũng như xã hội hóa lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.

PV: Trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực thi phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được quy định như thế nào?

Bà Trần Tuyết Ánh: Đầu năm 2020 thì Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị 08 về đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới. Trong Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định định trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ cũng đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ.

Tuy nhiên, cái phối hợp liên ngành ở đây không phải là ở Trung ương không, mà người thực thi là ở địa phương và tôi nghĩ là trong giai đoạn từ năm 2020-2025, đặc biệt là trong tình hình mới thì việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ càng đẩy mạnh hơn và đưa vào dự thảo sẽ quy định trách nhiệm rõ ràng hơn thì vai trò nâng cao này nó sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

PV: Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm, là dự thảo luật quy định như thế nào đối với những trường hợp mâu thuẫn chưa được hóa giải dù đối tượng gây bạo lực gia đình có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự?

- Bà Trần Tuyết Ánh: Chúng tôi thấy một số nước họ không có phạt bằng tiền của gia đình nữa mà họ bắt người gây bạo lực học thuộc những cái luật là nguyên nhân gây ra như thế. Hai nữa là bằng hình thức lao động, lao động ở địa phương, ở cộng đồng để họ nhận thức ra chứ không bằng hình thức lấy tiền của chính gia đình đó để đóng nộp phạt cho việc xử phạt nữa.

PV: Theo bà, nếu như dự thảo luật được thông qua thì nó sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Bà Trần Tuyết Ánh: Thống kê từ các viện nghiên cứu cho thấy là BLGĐ nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình rất lớn và ảnh hưởng đến cộng đồng đến xã hội.

Ví dụ, một nạn nhân bị bạo lực trong một ngày làm việc thôi, thì nạn nhân đấy không thể có tinh thần và sức khỏe để làm việc, sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động của gia đình đó. Tôi nghĩ, nếu như chúng ta làm được việc này thì mỗi gia đình đều có một đời sống hạnh phúc thì không những tác động cho xã hội mà còn tác động tốt đến thế hệ tương lai.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà.

Ảnh nh hoạ (internet)

Những quy định mới đã phù hợp, hay cần điều chỉnh theo hướng nào? Nếu dự luật được thông qua sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOVGT phỏng vấn ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng về nội dung này:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo Luật này?

Ông Lê Văn Sơn: Việc ra đời Luật Phòng chống BLGĐ là hết sức cần thiết vì 2 lý do, thứ nhất, tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra phổ biến. So sánh đợt khảo sát quốc gia năm 2010 ghi nhận có khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực.

Đến khảo sát năm 2019, số liệu này tăng lên gần 63%. Thứ 2, Luật BLGĐ ra đời năm 2007 đến nay có một số vấn đề cần cải thiện. Vì thế luật mới ra đời sẽ góp phần khỏa lấp những thiếu sót, hạn chế của Luật trước đây.

PV: Với những quy định đặt ra tại dự thảo Luật, theo ông đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đó hay chưa và cần sửa đổi, bổ sung những gì?

Ông Lê Văn Sơn: Nhìn chung dự thảo đã đáp ứng khá đầy đủ, thứ nhất đã quy định 14 hành vi bạo lực và cũng quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong việc thực thi các quy định của luật này.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải chủ ý thêm, khi áp dụng nguyên tắc hòa giải thì phải đạt được 2 góc độ, thứ nhất là đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người bị bạo lực; nâng cao ý thức và trách nhiệm về việc cần phải xử lý nghiêm nh đối với những người gây ra bạo lực.

Điều này giúp ngăn ngừa một cách thấu đáo những hành vi. Thứ 3, liên quan đến điều kiện an toàn nơi tạm lánh, nếu chúng ta đảm bảo các điều kiện an toàn cho người đến nơi tạm lánh và trách nhiệm của người đứng đầu địa chỉ tin cậy thì nó sẽ đảm bảo hoạt động này được thực thi một cách hiệu quả.

PV: Trong thực tế, nhiều trường hợp dù đối tượng gây BLGĐ đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng mâu thuẫn chưa được hóa giải khiến tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn. Với những quy định tại dự thảo luật, theo ông liệu có giải quyết được tình trạng này?

Ông Lê Văn Sơn: Tôi nghĩ là đã giải quyết tình trạng này khá là tốt với 3 lý do, thứ nhất là đã quy định rõ hành vi nào cần được xử lý theo hành chính, hình sự; thứ 2 đã chú ý đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức thì nó sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi này trong tương lai. Đặc biệt là quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Tuy nhiên, để thực sự giải quyết thấu đáo câu chuyện này, cần chú ý thêm: một là sự chủ động vào cuộc của cơ quan công an địa phương khi xử lý các hành vi này; thứ 2 là sự nghiêm nh của pháp luật, để tránh coi thường hoặc nhờn với quy định của pháp luật và quy trình xử lý các vụ việc này đòi hỏi phải rất kịp thời.

PV: Theo ông, nếu dự thảo luật được ban hành sẽ có tác động xã hội như thế nào?

- Ông Lê Văn Sơn: Dự thảo Luật sẽ tác động đến 3 nhóm đối tượng chính: thứ nhất là người gây bạo lực gia đình, họ hiểu rõ hơn trách nhiệm cũng như hậu quả của bạo lực. Thứ 2 khi tuyên truyền nâng cao nhận thức thì bản thân những người gây bạo lực sẽ hiểu và thực thi tốt hơn.

Tác động thứ 2 là nhóm bị bạo lực, một trong những tác động lớn nhất là họ sẽ hiểu ra rằng các hành vi bạo lực này cần phải được lên án và cần phải được xử lý nghiêm nh và họ sẽ có thể chủ động khai báo hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền.

Nhóm tác động thứ 3 đó là các cơ quan thực thi, trong đó có chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, họ sẽ hiểu rõ hơn trách nhiệm của họ cũng như chủ động huy động các nguồn lực cần thiết để tham gia vào công tác phòng ngừa và ứng phó khi bạo lực xảy ra tại địa bàn họ quản lý.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Ảnh nh hoạ (vnexpress.net)

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 cho thấy, BLGĐ vẫn diễn ra phổ biến và gây thiệt hại 1,8% GDP/năm. Đặc biệt, sau gần 13 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã không còn phù hợp.

Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi được cho là sẽ khắc phục được những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này. Nếu được ban hành, dự luật sẽ góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng BLGĐ như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vov.vn, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.