Bảo lãnh xe vi phạm: Làm sao để bớt nhiêu khê?

Quy định về bảo lãnh xe thực chất là nhằm tạo điều kiện cho người vi phạm tự bảo quản xe nhưng thực tế người dân lại không quá mặn mà với hình thức này.

Những chiếc xe vi phạm bị tạm giữ. Ảnh: Lê Thoa - PLO

Theo Nghị định 31/2020 của Chính phủ, người vi phạm giao thông có thể tự bảo quản phương tiện của mình khi vi phạm, thay vì bị tạm giữ bằng cách làm thủ tục bảo lãnh.

Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực, người dân không quá mặn mà với hình thức này. Nhiều lý do đã được đưa ra như thủ tục hành chính rườm rà, thời gian làm thủ tục kéo dài hay mức tiền bảo lãnh còn cao… 

Về vấn đề này, phóng viên VOVGT đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đô thị:

 

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện quy định bảo lãnh phương tiện vi phạm thời gian qua?

TS Phan Lê Bình: Khi xem kỹ những nội dung liên quan đến việc bảo lãnh xe vi phạm, chúng ta thấy có những ràng buộc khá chặt chẽ. Ví dụ như phải đóng tiền bảo lãnh với mức tiền bằng mức tiền phạt cao nhất, đồng thời, phải nộp các loại giấy tờ chứng từ.

Tất cả những cái ràng buộc này đều cần thiết.

Vì nếu không có ràng buộc đó, có thể người vi phạm lại tiếp tục  dụng xe và cơ quan quản lý nhà nước rất khó truy theo. Thế nhưng, khi thực hiện đầy đủ tất cả những thủ tục cần thiết đó thì lại tốn thời gian và mức đóng tiền bảo lãnh tương đối cao. 

Theo đánh giá của tôi, chúng ta nên hiểu các biện pháp bảo lãnh phương tiện này có lẽ chỉ thích hợp với những trường hợp xe đắt tiền, khiến người chủ rất xót khi gửi xe vào các bãi trông giữ phương tiện.

Còn các loại ô tô, xe máy thông thường, nếu bị giữ phương tiện thì biện pháp nộp tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện không có nhiều tác dụng.

PV: Vậy làm thế nào để quy định bảo lãnh xe vi phạm đạt hiệu quả tốt nhất, thưa ông?  

TS Phan Lê Bình: Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, đường truyền cũng tốt hơn, và thiết bị cầm tay di động để lực lượng chấp pháp có thể sử dụng giá thành thấp hơn. Vì vậy, triển vọng áp dụng công nghệ thông tin, giúp giảm thiểu thời gian làm thủ tục là có.

Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi sự trang bị đồng bộ trên diện rộng và tốn kinh phí. Đó là việc mà cơ quan quản lý nhà nước ở cấp cao nên có lộ trình cũng như là chiến lược để dần dần ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong việc xử phạt các phương tiện vi phạm.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông! 

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 14/7 tại đây: