“Bão” giá vật liệu xây dựng, cơ quan quản lý không thể "khoanh tay"

“Cơn bão” giá vật liệu xây dựng kéo dài thời gian qua đến nay vẫn chưa dừng lại khiến từ người dân đến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Hàng loạt dự án công, tư cho đến nhà đơn lẻ của người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Vì sao giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng, thậm chí còn bị bắt tay “thổi giá”? Vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước ra sao trong vấn đề này?

Cần những điều chỉnh về chính sách ra sao để bình ổn giá vật liệu xây dựng, góp phần để tiến độ các dự án được hoàn thành theo đúng kế hoạch?

Mặc dù giá thép đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng xi măng, gạch cát... vẫn đồng loạt tăng giá từ đầu năm đến nay khiến nhiều người dân có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo. Hoãn thi công là phương án được nhiều người lựa chọn.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Tây Hồ, Hà Nội cho biết phải hoãn kế hoạch xây nhà trong năm nay vì giá vật liệu xây dựng tăng cao: “Suất đầu tư xây dựng tính theo m2 sàn, theo tính toán của tôi tăng rất cao, từ 15-20% ảnh hưởng trực tiếp tới người có nhu cầu xây nhà như tôi. Bằng giờ này năm ngoái, phí tính trên m2 xây dựng khoảng 5 triệu đồng cho 1m2 nhưng hiện nay vào khoảng 6,5 triệu đồng”.

Đáng lo hơn, “bão giá” vật liệu xây dựng đang ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thi công các công trình hạ tầng.

Ông Phạm Việt Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - một nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn ở phía Bắc cho rằng, giá vật liệu xây dựng luôn trong xu thế tăng khiến nhiều nhà đầu tư không dám nhận dự án, còn nhà thầu không dám nhận thi công:

“Rất rủi ro, các nhà đầu tư nói thật là không dám triển khai dự án, giá tăng như vậy khi lựa chọn các đơn vị nhà thầu không làm được, tiến độ dự án sẽ bị kéo dài, chi phí quản lý bị đội lên gấp rưỡi, gấp đôi. Nhà thầu không dám làm còn chủ đầu tư cũng phải cân nhắc. Chính phủ mà không có phương án gỡ cho các nhà thầu thì cực kỳ khó khăn”, ông Phạm Việt Sơn nói.

Vật liệu xây dựng tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay. Ảnh: Thanh niên

Cơn sốt giá vật liệu xây dựng khiến mà các nhà đầu tư đứng trước nhiều khó khăn, rủi ro; nhà thầu thiếu nguyên vật liệu hoặc buộc phải mua với giá cao hơn. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng bù đắp chênh lệch giá nên sẽ bỏ công trình.

Do đó, mong muốn của các nhà thầu là được nhà nước xem xét hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là để tiến độ các dự án công được hoàn thành theo đúng kế hoạch.

TS. Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý Công nghiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, rủi ro về giá cần được Chính phủ chia sẻ với các nhà thầu khi triển khai các dự án xây dựng nói chung hay hạ tầng, giao thông nói riêng. Nếu không có sự điều chỉnh theo sát thực tế thì tình trạng nhà thầu bỏ công trình gây đình trệ các dự án sẽ khiến cả nền kinh tế bị thiệt hại.

TS. Dương Như Hùng phân tích, về nguyên tắc thì khi có biến động giá mạnh như thời gian qua, các địa phương phải cập nhật ngay bảng giá mới thay vì cập nhật định kỳ như trước. Để hạn chế tình trạng bắt tay “thổi giá” hoặc do năng lực của cán bộ thực hiện ở địa phương không đủ thì phải có sự tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính trong việc công bố giá vật liệu xây dựng làm cơ sở điều chỉnh giá cho các dự án đầu tư công.

“Bản chất câu chuyện hạn chế “bắt tay” với nhau là phải nh bạch quá trình, các bên liên quan tham gia một cách nh bạch. Giá nguyên vật liệu có giá trên thế giới, nếu việc tăng giá quá nhiều rất dễ dàng phát hiện ra. Các cơ quan Nhà nước có quá trình giám sát nh bạch sẽ hạn chế được rất nhiều”, TS. Dương Như Hùng cho biết. 

Nếu không có sự điều chỉnh theo sát thực tế thì tình trạng nhà thầu bỏ công trình gây đình trệ các dự án sẽ khiến cả nền kinh tế bị thiệt hại. Ảnh: Bất động sản

Hiện nay, theo quy định, các địa phương xác định và công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh (chung hoặc theo các khu vực); tổ chức xác định và công bố chỉ số giá xây dựng của các loại công trình trên địa bàn.

Trước những biến động của giá vật liệu xây dựng, ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức và Đơn giá, Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp quản lý của nhà nước tại địa phương nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá:

“Bộ Xây dựng quyết liệt thực hiện các biện pháp, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc công bố giá theo quy định pháp luật, tăng tần suất công bố, thường xuyên cập nhật, công bố chỉ số giá vật liệu xây dựng để đảm bảo kịp thời với những biến động giá trên thị trường cũng như tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường để không có tình trạng lợi dụng khả năng cung cầu để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý”, ông Đặng Hoài Nam cho biết.

Đứng trước biến động quá lớn về giá cả các loại vật liệu, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang mắc kẹt và đối mặt với nguy cơ vỡ tiến độ bởi trong khi nhiều loại vật liệu chính tăng “phi mã” thì cơ chế điều chỉnh giá, bù giá lại rất chậm. Quốc hội đã chỉ đạo phải làm rõ vấn đề này nhưng tới nay vẫn chưa giải quyết được cơ bản, nên nhiều dự án vẫn mắc kẹt.

Lo lắng về thực tế này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, cần kiểm soát được giá các mặt hàng này; bằng cách tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra... để biết mức độ tăng giá có hợp lý không:

“Yêu cầu thanh kiểm tra để có giải pháp, ra những khuyến cáo đối với các doanh nghiệp “tát nước theo mưa” nhân cơ hội này để đồng loạt tăng giá và neo giá ở mức cao; có biện pháp xử lý, có chế tài xử phạt về mặt kinh tế đồng thời tạo môi trường cạnh tranh thực sự để các doanh nghiệp cố gắng hạ giá, mà nếu không hạ giá sẽ mất thị phần”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Cần kiểm soát được giá các mặt hàng vật liệu xây dựng; bằng cách tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra... để biết mức độ tăng giá có hợp lý không: Ảnh: Kinh tế môi trường

Những tháng cuối năm là mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ cao hơn, và dự báo giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, để chặn đà “leo thang” của giá vật liệu xây dựng, 2 công cụ được cho là hữu hiệu và cần làm tốt là công tác dự báo thị trường và nh bạch quá trình điều hành giá.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Dự báo và nh bạch để chặn đà “leo thang”.

Thời gian qua, hầu hết các sản phẩm, hàng hóa đều có xu hướng tăng giá, vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài “cơn bão” giá, tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng có diễn biến tăng giảm hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến các công trình xây dựng, trong đó có các công trình giao thông trọng điểm.

Để “hạ nhiệt”, rất cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cường kiểm tra, giám sát thị trường vật liệu xây dựng để đảm bảo việc kinh doanh nh bạch và ổn định thị trường: Bộ Công thương kiểm tra các cơ sở kinh doanh; Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát các quy hoạch về vật liệu xây dựng để xác định nguồn cung các vật liệu trong nước.

Các địa phương cần khắc phục tình trạng chậm công bố chỉ số giá vật liệu xây dựng, thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường. Đặc biệt, đối với vật liệu có biến động nhiều, cần tổ chức xác định, công bố giá hàng tháng.

Qua việc công bố giá được thực hiện sát sao, kịp thời sẽ trở thành công cụ để kiểm soát giá vật liệu một cách hiệu quả. Khi chúng ta nh bạch được thông tin sẽ góp phần ngăn chặn đầu cơ, thổi giá và các hiện tượng tiêu cực.

Mặt khác, việc cập nhật giá các loại vật liệu xây dựng hiện nay không phải là khó khi các công ty sản xuất, phân phối đều có thông báo giá rộng rãi và thường xuyên. Giá các nguyên vật liệu trên thế giới được cập nhật liên tục. Vấn đề là sự phối hợp, quyết tâm triển khai các giải pháp từ địa phương để đảm bảo mặt bằng giá phù hợp.

Thêm vào đó, những giải pháp này cần triển khai nhanh, thực hiện luôn mới có thể đưa đến những thay đổi tích cực cho thị trường.

Cùng với đó, cần xác định các loại vật liệu xây dựng là sản phẩm quan trọng và phải có dự báo cung - cầu. Qua đó, có sự điều tiết thương mại, giảm được cú sốc giá. Khi dự báo được sớm biến động về giá thì các đơn vị liên quan sẽ chủ động các giải pháp đối phó như dùng công cụ bảo hiểm giá hiệu quả hoặc ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo giá ổn định.

Đây cũng là giải pháp hữu hiệu mà các nước hiện đang áp dụng nhằm phòng ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực do biến động giá gây ra.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương, cơn “bão giá” nguyên vật liệu xây dựng mong rằng sẽ có chuyển biến tích cực, tháo gỡ một cách thực tế, kịp thời những khó khăn mà các doanh nghiệp và nhà thầu đang phải đối mặt.

Về lâu dài, để giảm thiểu những hệ lụy không đáng có từ việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô như một chiến lược phát triển tổng thể ngành công nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ phía cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng vật liệu xây dựng chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó mỗi khi có “bão giá”.