Bảo đảm an toàn nguồn nước cho thủ đô: Đề xuất bảo vệ đặc biệt một đoạn sông Đà

Để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước đặc biệt quan trọng vì đó là nguồn nước đầu vào cho các nhà máy khai thác, sản xuất kinh doanh nước sạch, cung cấp cho hàng chục triệu người dân thủ đô. Vậy làm thế nào để đảm bảo nguồn cung nước đầu vào an toàn cho các nhà máy?

Về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (VIWASUCO) và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp Thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

 

Ảnh nh họa

PV: Thưa ông Trịnh Văn Nam, việc sử dụng hồ Đầm Bài có vai trò như thế nào đối với hoạt động sản xuất, khai thác nước sạch của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà?

Ông Trịnh Văn Nam: Sự cố nước năm 2019 khiến tỉnh Hòa Bình có quyết định thu hồi hồ Đầm Bài. Sau khi thu hồi hồ Đầm Bài, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà thay đổi phương án về thủ tục pháp lý để lấy nước cần phải qua rất nhiều thủ tục pháp lý khác nhau, kết hợp với sự thay đổi thủy văn của sông Đà nữa nên công ty phải thay đổi hạng mục công trình nguồn, điều chỉnh vị trí lấy nước của công ty và đang trình phương án đó để tỉnh Hòa Bình chấp thuận. Đó là một trong những lí do chậm tiến độ dự án giai đoạn 2.

Việc chậm tiến độ dự án tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước của sông Đà, đầu tiên ảnh hưởng đến khả năng phát triển về cung cấp nước của các công ty phân phối lấy nước từ nước sông Đà. Hiện tại, sông Đà bán buôn qua các khách hàng phân phối và nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của các công ty phân phối.  

Việc không sử dụng hồ Đầm Bài ảnh hưởng đầu tiên đến khả năng dự trữ nguồn nước của nhà máy. Những biện pháp đảm bảo an toàn cấp nước chung. Bởi vì khi có hồ Đầm Bài thì vừa có vùng dự trữ và sơ lắng.

Trên sông Đà có sự cố gì thì hồ Đầm Bài có thể dự trữ nước từ 1-2 ngày. Tuy nhiên, khi không có hồ Đầm Bài nữa, lấy trực tiếp từ sông Đà sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn, chất lượng nước sông Đà lưu lượng ổn định.

Hồ Đầm Bài có khả năng dự trữ nguồn nước, thứ hai là khi có hồ Đầm Bài sẽ giúp cho nước lắng đọng, chất lượng nước trong hơn, tiết kiệm lắng giúp cho chất lượng nước trong hơn thì tiết kiệm về hóa chất. Khi có độ đục thấp hơp, chất lượng nước xử lý tốt hơn và chi phí hóa chất giảm xuống, tiết kiệm năng lượng.

PV: Để đảm bảo an ninh, an toàn cho nguồn nước đầu vào của Nhà máy, đơn vị có đề xuất gì, thưa ông?

Ông Trịnh Văn Nam: Trong tương lai khi hoàn thành toàn bộ dự án giai đoạn 2 lấy nước trực tiếp từ sông Đà lên nhà máy, Công ty nước sạch sông Đà cần kiến nghị các cơ quan chức năng một số công việc như sau:

Thứ nhất, tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, những đơn vị quản lý liên quan đến sông Đà cần đưa việc bảo vệ dòng sông Đà, đoạn từ đập thủy điện Hòa Bình về các cửa lấy nước mới của Nhà máy nước sông Đà vào trường hợp cấp bảo vệ đặc biệt, để đảm bảo an ninh an toàn nước của thủ đô. Bởi vì, bất cứ sự cố nào xảy ra trên dòng sông đó đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào của Nhà máy nước sông Đà và có thể phải dừng hoạt động.

Thứ hai, để giúp cho việc bảo vệ dòng sông đó, các cơ quan quản lý về môi trường, giám sát môi trường cần có biện pháp ngăn chặn mọi hoạt động xây dựng cũng như xâm phạm môi trường mà có thể tác động đến dòng sông Đà, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sông Đà ảnh hưởng đến cấp nước của Nhà máy.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh,Trưởng Bộ môn Cấp Thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc lấy nước từ các sông để làm nguồn nước đầu vào cho các nhà máy, công ty sản xuất, khai thác nước sạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do vậy, GS Nguyễn Việt Anh khuyến nghị: "Đối với hệ thống cấp nước, vấn đề tối quan trọng là phải đảm bảo nguồn, đảm bảo cho đơn vị khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch tiếp cận được nguồn nước an toàn, ổn định, có chất lượng tốt. Hiện nay, chúng ta trông vào nước ngầm một phần, nước sông Hồng và sông Đà. Ở nhiều thành phố phải lấy nước từ xa với khoảng cách hàng trăm cây số nhưng quy hoạch những hồ chứa lớn.

Về lâu dài, phải quy hoạch những hồ chứa dành riêng cho nước sinh hoạt, đây là mục tiêu mang tính chiến lược thì mới an toàn, an toàn hơn là lấy nước từ sông- nguồn nước mang nhiều yếu tố bất định, dao động cả về số lượng và chất lượng. Hồ chứa đó phải giao cho các đơn vị liên quan đến khai thác sử dụng nước.

Như hiện nay, Công ty CP nước sạch sông Đà đang phải trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình, Công ty cấp nước Quảng Ninh đang phải trả lại hồ Cao Vân cho bên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đấy là cách làm hơi ngược lại so với xu thế của thế giới là chúng ta phải ưu tiên quy hoạch các nguồn nước có sức chứa lớn, ổn định dành cho cấp nước.

Bên cạnh đó, còn quan tâm cho vấn đề sinh thủy cho cho các nguồn nước đó. Về dài hạn, nếu chúng ta muốn có một nguồn nước tốt cần phải nghĩ cách bảo tồn các cánh rừng sinh thủy cho các nguồn nước đó. Điều quan trọng phải thực hiện trong các quy hoạch"./.