Băn khoăn kế hoạch lắp camera tại đường ngang để giảm TNGT

VOVGT- Sau những sự cố tai nạn xảy ra liên tiếp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lên kế hoạch lắp đặt camera giám sát tại đầu máy, gác chắn đường ngang...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dọc đường sắt Bắc-Nam có rất nhiều đường ngang không gác chắn, không barie tự động

# “Vẫn có người tự mở chắn đi qua, xong chúng tôi đang đẩy chắn thì họ vẫn cố vượt, chạm nhẹ vào thì họ chửi là không đóng chắn kín các thứ. Trường hợp đó có nhiều.

# "Ý thức tham gia giao thông của mọi người qua đường ngang còn kém. Nên nếu có lắp camera cũng là tốt để nhân viên gác chắn có thể bật lại để xem các hành vi vi phạm qua gác chắn, tránh tranh cãi, gây gổ. Việc lắp camera cũng là tốt thôi”.

 

Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Linh và Hoàng Thị Lan Anh, những nhân viên gác chắn tại trạm Nguyễn Khuyến và Điện Biên Phủ thuộc tuyến đường sắt đi qua khu vực nội đô Hà Nội. Có thể thấy, việc lắp đặt camera tại các vị trí đường ngang phức tạp về trật tự an toàn giao thông hết sức cần thiết.

Chỉ tính từ 24/5 tới nay, trên hệ thống đường sắt Bắc - Nam đã xảy ra tổng cộng 7 vụ tai nạn nghiêm trọng, trong đó có 4 vụ tàu hỏa đâm ô tô vượt đường ngang, 1 vụ 2 tàu hỏa đâm nhau, 1 vụ tàu hỏa tự lật, và sáng 6/6 là toa tàu chập điện và bốc cháy.

Trước tình hình này, ngoài việc kỷ luật hàng loạt cán bộ, nhân viên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu các công ty thành viên lắp đặt camera nhằm tăng cường công tác quản lý và giám sát an toàn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động. Theo đó, 1 camera được lắp đặt bên trong gác chắn, 1 ở phía ngoài nhà gác chắn; còn hệ thống giám sát hình ảnh được lắp đặt tại cơ quan công ty.

Đồng tình với động thái mới nhất này của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề an toàn đường sắt, nhưng chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cũng tỏ ra băn khoăn với mục đích sử dụng cũng như chủng loại camera. TS. Phan Lê Bình nói:

 

“Ở nước ngoài người ta có thể dùng camera hoặc cảm biến ở những nơi giao cắt đường ngang với đường sắt, thì các thiết bị phải có hệ thống phần mềm kết nối với bộ phanh tàu khẩn cấp. Khi phát hiện chướng ngại vật trên đường sắt thì những cơ cấu tự động sẽ hoạt động đến phanh tàu để giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Còn nếu camera chỉ đơn thuần để quan sát sau đó phục vụ việc xử phạt nguội với các hành vi vi phạm thì tôi e là sẽ không đạt hiệu quả cao”.

Giải pháp cốt lõi để kéo giảm TNGT đường sắt là phải giải tỏa được vi phạm hành lang an toàn đường sắt

Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Linh – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa nhận định, việc nâng cao yếu tố công nghệ, giảm phụ thuộc yếu tố thủ công trong ngành đường sắt đang rất cấp thiết. Và kế hoạch triển khai lắp đặt camera của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần lưu ý đến khía cạnh này, dù chi phí là một thách thức lớn. Ông Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh:

 

“Chúng ta vẫn dùng còi, đèn lắp để tín hiệu với nhau trong ngành đường sắt. Các nước thì đã tự động hóa hết việc đó rồi, ít khi nghe thấy còi, ít khi chứng kiến các công việc thủ công ra tín hiệu cho tàu dừng lại, rồi xuất phát. Tuy nhiên, một gói kinh phí ngay tức thì cho việc này thì rất khó, mà chúng ta muốn từng bước cải thiện thì phải có lộ trình”.

Đại diện Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cũng nêu quan điểm, cái gốc của vấn đề là cần giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, khi dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam vẫn tồn tại hàng nghìn đường ngang, trong đó số đường ngang tự phát chiếm đa số. Nếu vẫn tồn tại các điểm giao cắt đồng mức này, ngành chức năng không thể kéo giảm được tỉ lệ tai nạn giao thông dù có làm chủ công nghệ hiện đại đến đâu.

 

“Có những vùng đất có liên quan trực tiếp đến hành lang an toàn giao thông đường sắt, một số tổ chức cá nhân đã lợi dụng các vùng đất này để mở đường ngang trái phép. Rõ ràng, ngành đường sắt cũng như các địa phương có đường sắt đi qua, lực lượng chức năng phải có biện pháp kịp thời để ngăn chặn. Nếu không, nó sẽ như một sự lây lan, người này làm được, người kia làm theo, và như vậy, chúng ta sẽ lâm vào tình thế bế tắc trong việc giải quyết vấn đề hành lang ATGT đường sắt”.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc lắp đặt camera cũng cần quan tâm đến những khu vực đường ngang chỉ có biển cảnh báo. Vì số đường ngang loại này cũng không nhỏ bên cạnh các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động.

Ông Trần Lê Thắng – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An, một trong những địa phương có nhiều đường ngang dân sinh tự phát thiếu gác chắn, đóng góp ý kiến:

 

“Địa phương cũng muốn kiến nghị, đối với đường ngang có biển cảnh báo thì bên Đường sắt cũng cần chuyển sang thành điểm cảnh báo, gác chắn tự động. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên Cục Đường sắt và Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Nếu làm được như vậy thì TNGT chắc chắn sẽ giảm xuống”.

Như ý kiến từ các chuyên gia ATGT đã nêu, việc trang bị camera giám sát dù rất cần thiết, song chỉ là động thái giải quyết phần ngọn của vấn đề. Về lâu dài, ngành đường sắt cần quyết tâm phối hợp với các lực lượng chức năng giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt, xóa bỏ hoàn toàn các đường ngang tự phát, những nơi tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

>>>Tăng cường đảm bảo TTATGT đường sắt ngay từ đầu năm

>>>Tai nạn do lỗi của nhân viên, ngành đường sắt sẽ làm gì?