Bài học vô giá từ Sea Games

SEA Games lần thứ 32 trên đất Campuchia đã chính thức khép lại. Vượt lên chuyện thắng thua, kỳ đại hội lần này là một dịp đáng suy ngẫm về cách mỗi người đối diện với những mục tiêu, thử thách trong cuộc sống. Đó là bài học về sự trưởng thành từ chính những vấp váp trong quá khứ.

SEA Games 32 với quá nhiều cung bậc cảm xúc đã khép lại, nhưng cũng gợi nhiều bài học giá trị. Ảnh: VTC

Nhiều người hẳn đã xem clip nổi tiếng ghi lại cảnh cô bé 15 tuổi Thanh Nhã nằm vật, khóc nức nở sau khi bỏ lỡ cơ hội trước lưới trống ở giải trẻ châu Á cách đây 7 năm.

Từ hình ảnh đáng quên ấy đến pha dốc bóng, ghi bàn đẳng cấp trong trận chung kết SEA Games mới đây trước Myanmar, Thanh Nhã đã trải qua hành trình dài tôi luyện với nỗ lực không biết mệt mỏi để được thừa nhận như một trong những cầu thủ trẻ đáng xem nhất của bóng đá nữ Việt Nam.

Ví dụ khác, mọi nỗi buồn thất trận ở hai trận chung kết SEA Games liên tiếp, trong đó có lần thua trên chính sân nhà, đã được các cô gái tuyển bóng rổ Việt Nam biến thành động lực to lớn ở kỳ đại hội này. Chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử mà họ đạt được đã mở ra cột mốc mới cho bóng rổ nước nhà.

SEA Games cũng là một bài học về sự chuyên nghiệp, tâm lý kiên định, không gục ngã trước nghịch cảnh.

Đó là 4 tấm huy chương vàng khó tin của nữ vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh, dù bị xếp 2 nội dung chạy đường dài liền nhau; hay kỷ lục gia Nguyễn Thị Huyền vẫn vững vàng giành huy chương vàng sau khi bị ban tổ chức sắp xếp làn chạy bất lợi ở nội dung trước đó. Đó là võ sĩ Nguyễn Thanh Liêm giành vinh quang cho đội Vovinam sau khi sốt 39 độ C; tay vợt Lý Hoàng Nam giành huy chương bạc trong tình trạng viêm dạ dày cấp.

Ngoài vận động viên Việt Nam, các đoàn thể thao nước bạn cũng có những câu chuyện rất gợi suy ngẫm. Bou Samnang, vận động viên điền kinh Campuchia đã truyền đi thông điệp: “dù đi chậm hay nhanh một chút, chúng ta sẽ đến đích như nhau”. Cô bị thiếu máu, bị tụt lại 3 vòng sân, được huấn luyện viên ra hiệu có thể dừng thi, nhưng vẫn kiên trì vừa chạy, vừa khóc một mình trong mưa để hoàn thành nội dung 5.000m.

Ivan Cruz, vận động viên thể dục dụng cụ người Philippines, chứng nh cho tất cả thấy, sống và cống hiến hết mình với nghề, nghề không phụ. Chiến tích và tiền thưởng giành huy chương vàng của anh sẽ được dùng để trang trải cho 6 người em không được đi học ở quê nhà, vốn còn nhiều khó khăn.

Dĩ nhiên, bên cạnh những hình ảnh tích cực, SEA Games cũng là bài học vô giá cho những ai có “cái đầu nóng”. Khi tâm lý bất ổn, quá máu ăn thua, bạo lực sẽ xảy ra, mà tiêu biểu là “cơn mưa thẻ đỏ” trong trận chung kết môn bóng đá nam.

Nó là vết gợn lớn trong suốt chiều dài lịch sử SEA Games, trong kỳ đại hội mà chủ nhà Campuchia đã nỗ lực gửi thông điệp “Thể thao - sống trong hòa bình” tới toàn Đông Nam Á.

Sự cố bạo lực ấy sẽ như một lời nhắc nhở kinh điển cho tất cả các vận động viên thi đấu đối kháng về tinh thần fair-play, thể thao thượng võ, thắng không kiêu, bại không nản.

Rõ ràng, với một kỳ SEA Games nhiều màu sắc với đủ hỉ, nộ, ái, ố, ý nghĩa của nó đã vượt xa khỏi lĩnh vưc thể thao thuần túy. Ở đó, người xem còn đươc nhìn thấy ánh xạ cuộc đời.