Bài 2: Xu hướng phát triển giao thông phi cơ giới: Đi bộ và đi xe đạp

VOVGT - Việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới đang là xu hướng được nhiều đô thị trên thế giới áp dụng.

 

Như chúng tôi đã đề cập trong chương trình trước, phát triển đô thị xanh, bền vững là xu hướng nhiều đô thị trên thế giới đang hướng đến. Trong đó, phát triển giao thông xanh là một nhân tố quan trọng trong việc giảm thiểu sự ô nhiễm khí thải ra môi trường. Thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thì việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới đang là xu hướng được nhiều đô thị trên thế giới áp dụng.

Trong phần tiếp theo của Loạt bài về “Phát triển giao thông phi cơ giới tại các đô thị -bài học nào cho Việt Nam”, chúng tôi sẽ giới thiệu một số bài học thành công của thế giới trong việc khuyến khích người dân đi lại trong thành phố bằng việc đi bộ hay đi xe đạp. 

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được biết đến là thành phố thân thiện với môi trường bậc nhất thế giới

Những ai đã từng có dịp đến tham quan châu Âu chắc hẳn sẽ vô cùng ấn tượng bởi những “thành phố xe đạp”- nơi có tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp rất cao như Copenhagen (Đan Mạch), Berlin (Đức), Amstecđam (Hà Lan), Stockhom (Thụy Điển), Paris (Pháp)… Hình ảnh những người dân thư thả đạp xe trên những con đường chạy vòng quanh thành phố rợp bóng cây xanh mát, mang lại cảm giác thanh bình về một không gian trong lành, không bị ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn từ phương tiện giao thông cơ giới.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển thành những thành phố xanh và bền vững, người dân và chính quyền của nhiều đô thị đã phải nỗ lực trong cả một quá trình dài suốt mấy chục năm qua. Chúng tôi mời Quý vị và các bạn lắng nghe một vài ý kiến về giao thông phi cơ giới trên thế giới:

# "Các quốc gia Châu Âu đã rất thành công trong chính sách phát triển giao thông phi cơ giới. Ví dụ như có những làn đường dành riêng cho xe đạp, có hệ thống cho thuê xe rất là tiện lợi, có thể thuê hoặc trả ở bất cứ đâu, rồi có những chính sách cho mang xe đạp lên các phương tiện GTCC khác. Điều này tôi ấn tượng ngay từ khi tôi là sinh viên khi đi sang Ireland, và trong suốt chuyến đi chúng tôi sử dụng xe đạp như một phương tiện chủ yếu".

# "Hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ tại Thụy Điển rất tốt. Tuy nhiên, một số người dân cảm thấy sợ hãi khi đi bộ qua cầu vượt dành cho người đi bộ do lo ngại có ai đó có thể tấn công hoặc bắt cóc trên cầu và không thể di chuyển. Do vậy, chính phủ đã có những chính sách để khuyến khích người dân sử dụng cầu vượt để đi bộ hay đi xe đạp".

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được biết đến là thành phố thân thiện với môi trường bậc nhất thế giới. Theo thống kê, tính đến tháng 11/2016, thủ đô Copenhagen đã đạt tới mức kỷ lục với gần 266.000 xe đạp, cao hơn cả số lượng ô tô của thành phố. Điều đáng nói, trong vòng 20 năm qua, số lượng phương tiện xe đạp lưu thông đã tăng 68% và đến nay có hơn 40% người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại. Hiện nay, mặc dù tuyến đường dành cho xe đạp dài tới 600 km nhưng người dân vẫn chưa cảm thấy hài lòng và vẫn mong muốn chính quyền thành phố tiếp tục mở rộng làn đường dành cho xe đạp.

Chia sẻ về ấn tượng của mình đối với thành phố này, bà Debra Efroymson- Chuyên gia về giao thông đô thị, Giám đốc khu vực Tổ chức Healthbreath cho biết: "Một điều tôi thấy ấn tượng là tôi thấy tấm biển ghi là “Chúng tôi muốn có 50% các chuyến đi được thực hiện bằng xe đạp”. Người dân thường than phiền là làn đường dành cho xe đạp quá nhỏ. Thành phố thơờng xuyên phải mở rộng làn xe đạp sang phía làn xe cơ giới. Những chính sách này đã được Đan Mạch thực hiện từ 40 năm nay và đến nay Copenhaghen thực sự trở thành thành phố sống tốt nhất thế giới. Và xu hướng đó cũng đang lan rộng ra các quốc gia Mỹ La Tinh và các nước châu Á".

Bà Debra cho biết thêm, để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện xe đạp, chính quyền thành phố đã xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp cùng với những luật ưu tiên dành cho các phương tiện này. Kể từ năm 2005 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 115 triệu euro vào cơ sở hạ tầng xe đạp, trong đó có cây cầu nổi tiếng dành cho người đi bộ và đi xe đạp có tên gọi Cykelslangen. Tại các khu vực trung tâm, thành phố còn cho thuê xe đạp ễn phí và cung cấp cho người dân những cuốn sách hướng dẫn về các tuyến đường, loại địa hình, khoảng cách đạp xe cho người tham gia giao thông. Hầu hết tại các siêu thị, trạm xăng đều có những dụng cụ để sửa chữa xe đạp cơ bản.

Cầu Cykelslangen dành cho xe đạp. Ảnh: Dissing+Weitling

Tại các thành phố của Châu Âu, phong trào sử dụng xe đạp phát triển rất mạnh mẽ. Tại Hà Lan, hiện có tới 1,2 triệu xe đạp được sử dụng, trong khi đó, tại Đức, xe đạp chiếm khoảng 13% lưu lượng giao thông ở Berlin với hơn 500.000 người đi xe đạp mỗi ngày…Tại thủ đô Stockhom, Thụy Điển, số lượng người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại chủ yếu cũng rất cao.

Chị Kim Ngân, người hiện đang sống và làm việc tại Thụy Điển cho biết, tại đây luôn tồn tại song song 3 loại đường gồm đường dành cho xe đạp, xe buýt và xe ô tô cá nhân. Mỗi một loại hình phương tiện đều có một bản đồ đường giao thông riêng, trong đó đường xe đạp được tách biệt hoàn toàn với làn đường dành cho ô tô, xe buýt bằng hệ thống hàng rào bảo vệ. Việc thuê xe đạp để đi lại trong thành phố cũng rất dễ dàng thông qua việc trả tiền bằng điện thoại di động.

Lý giải về cách mà người Thụy Điển nói riêng và nhiều người dân châu Âu nói chung đặc biệt ưa thích sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới, chị Kim Ngân cho rằng, người dân tại các nước châu Âu đã nhận thức được vấn đề bảo vệ sức khỏe cho bản thân và bảo vệ môi trường khi sử dụng xe đạp.

Chi Kim Ngân nói: "Tôi nghĩ Thụy Điển có một lịch sử lâu dài về đi xe đạp và đi bộ hơn Việt Nam rất nhiều. Ở đây không phải là cách làm việc đó mà là tinh thần của Thụy Điển, ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. Có hai điều đặc biệt ảnh hưởng là yếu tố môi trường và thứ hai là ưu tiên về sức khỏe. Việc mà tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tập thể dục đã ăn sâu vào người Thụy Điển. Cho nên bất kì khi nào có cơ hội để đi bộ, đi xe đạp họ sẽ làm".

Tại Singapore, làn đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp được quy hoạch thành một mạng lưới liên thông, kết nối với tất cả các nhà ga tàu điện ngầm, điểm dừng đỗ xe buýt, xe taxi. Làn đường này được tách riêng với làn đường dành cho ô tô, xe máy bằng dải cây xanh và kết nối với nhau thông qua các cầu vượt dành cho người đi bộ hoặc làn đường dành cho người đi bộ tại các ngã tư. Đặc biệt, để thu hút người dân sử dụng và tạo không gian thư thái cho người đi bộ, hầu hết các tuyến đường đều được trang trí với dải hoa leo và cây xanh che bóng mát.

Trong khi đó, tại thành phố cảng Incheon của Hàn Quốc, các tuyến đường mới được quy hoạch rất bài bản, không gian dành cho người đi bộ và người đi xe đạp rất rộng rãi. Làn đường dành cho người đi bộ và người đi xe đạp được bố trí tách riêng trên vỉa hè. Cách khoảng vài trăm mét lại được bố trí những chiếc ghế gỗ dành để nghỉ chân. Gần các bến xe buýt, ga tàu điện ngầm đều được xây dựng những điểm đỗ xe đạp có mái che. Người dân tự giác khóa xe mà không cần bất cứ ai phải trông coi, quản lý.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy dịch vụ cho thuê xe đạp gần nhà ga, bến xe buýt tại thành phố Jeju (Hàn Quốc)

TS Von Meding Jason- Giảng viên Trường Đại học Newcastle, Úc đánh giá, để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, trước hết cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi cho người đi bộ và đi xe đạp. Đặc biệt, các nhà quản lý đô thị và người dân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển giao thông xanh, hướng tới đô thị bền vững.

TS Von Meding Jason cho biết: "Để có thể chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thì phải có 2 sự thay đổi lớn: một là sự thay đổi về tư tưởng của những người lãnh đạo thành phố trong việc đưa ra những chính sách đặc biệt ưu tiên dành cho xe đạp và giao thông phi cơ giới. Hai nữa là chúng ta cũng phải có sự thay đổi hạ tầng tương ứng làm sao cho đô thị an toàn hơn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không được coi xe đạp là phụ thêm mà phải là một sự phát triển ưu tiên chính nhất thì mới có thể làm thay đổi giao thông đô thị theo hướng bền vững hơn".

Phát triển giao thông phi cơ giới là một trong những biện pháp để thực hiện phát triển giao thông xanh, hướng tới một lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế xã hội và thói quen của người tham gia giao thông mà Việt Nam cần tìm cho mình một hướng phát triển giao thông phù hợp, để làm sao bên cạnh việc tăng cường tiếp cận với các phương tiện công cộng, người dân cũng có cơ hội được rèn luyện sức khỏe, và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Việt Nam đã và đang có những chương trình, kế hoạch phát triển giao thông xanh như thế nào? Quá trình triển khai thực hiện gặp những khó khăn gì? Nội dung này chúng tôi sẽ đề cập trong chương trình tiếp theo.