ATGT trong doanh nghiệp vận tải: Quản nghiêm để nâng cao hiệu quả phòng ngừa

Bộ phận ATGT trong doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, từ việc giám sát tài xế trước khi xuất phát, khi xe đang hoạt động và cả khi kết thúc hành trình, đặc biệt là giám sát trực tuyến hoạt động của phương tiện và người lái.

Bởi vậy, cần theo dõi, giám sát việc thành lập bộ phận ATGT trong doanh nghiệp, cũng như có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa nguy cơ mất  ATGT.

Không phải bỗng dưng cơ quan quản lý coi trọng và quy định thành lập bộ phận ATGT trong doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Bởi vậy, từ Thông tư 63/2014 đã quy định bộ phận ATGT trong doanh nghiệp vận tải có các nhiệm vụ: Lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của đơn vị; Xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông; Kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe tham gia hoạt động…

Đặc biệt là quản lý, theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Không ít trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã vẫn thờ ơ, bỏ qua hoặc thành lập bộ phận ATGT chỉ mang tính đối phó

Tại Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT, quy định thành lập bộ phận ATGT tiếp tục được nhắc lại và bổ sung nhiều quy định giám sát phương tiện trong quá trình hoạt động, đồng thời yêu cầu người lái xe trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.

Quy định là vậy, song không ít trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã vẫn thờ ơ, bỏ qua hoặc thành lập bộ phận ATGT chỉ mang tính đối phó. Hệ quả là bộ phận này hoạt động không hiệu quả, thiếu chuyên môn và trang thiết bị, dẫn đến việc không thể kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho phương tiện khi tham gia giao thông.

Việc này còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi các vụ tai nạn xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động và khách hàng mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản và uy tín của doanh nghiệp.

Đối với xã hội, các vụ TNGT liên quan đến các doanh nghiệp vận tải còn tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế, gia tăng áp lực lên cơ quan quản lý và làm giảm niềm tin của người dân vào công tác đảm bảo an toàn giao thông. 

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo hiệu quả của bộ phận ATGT trong các doanh nghiệp vận tải, trước hết, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ tầm quan trọng của công tác ATGT, từ đó cam kết đầu tư và hỗ trợ cho bộ phận này hoạt động hiệu quả.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên ATGT; Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về ATGT cho cán bộ phụ trách, đảm bảo họ có đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ.

Khi đã có quy định về bộ phận ATGT thì cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế, biện pháp kiểm soát xem doanh nghiệp có thực hiện đúng như quy định hay không

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình và kế hoạch cụ thể, từ việc thiết lập các quy trình và kế hoạch cụ thể để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro giao thông, bao gồm kiểm tra định kỳ phương tiện và theo dõi trực tuyến thiết bị giám sát hành trình, cảm biến cảnh báo khi phương tiện vi phạm và phần mềm quản lý để nâng cao hiệu quả kiểm soát ATGT.

Một giải pháp khác cũng cần được tính đến là việc khuyến khích thành lập các đơn vị cung cấp dịch vụ ATGT cho doanh nghiệp. Các đơn vị này có thể chính là các hợp tác xã vận tải hoặc đơn vị hoạt động chuyên nghiệp và độc lập, cung cấp các dịch vụ như kiểm tra, giám sát, đào tạo và tư vấn về ATGT cho các doanh nghiệp vận tải.

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn giao thông mà còn giúp họ tiết kiệm chi phí và tập trung vào hoạt động kinh doanh chính.

Việc khuyến khích thành lập các đơn vị dịch vụ ATGT sẽ tạo ra một hệ sinh thái an toàn giao thông toàn diện và chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội.

Để triển khai hiệu quả, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị dịch vụ ATGT phát triển.

Đặc biệt, khi đã có quy định về bộ phận ATGT thì cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế, biện pháp kiểm soát xem doanh nghiệp có thực hiện đúng như quy định hay không. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính nh bạch và công bằng.

Khi đó, công tác đảm bảo an toàn giao thông mới thực sự hiệu quả, góp phần giảm thiểu tai nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cũng như nâng cao uy tín và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.