An toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô: Cần 'bước ngoặt' về nhận thức

VOVGT- Những năm gần đây, an toàn giao thông cho trẻ em luôn là nội dung trọng tâm được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đối với trẻ nhỏ, thắt dây an toàn là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tử vong và thương tích nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn. (Ảnh: Thanh niên)

Thường thì họ cũng không để ý đến thắt dây an toàn, vì nó là thói quen, họ chưa hình thành thói quen đấy. Mình nhắc thì họ cũng chả làm. Ghế đầu thì có thể họ thắt, chứ ghế sau thì không bao giờ họ thắt.

Tớ có hai đứa bé, tớ thường xuyên bảo chúng ngồi ghế sau cho an toàn. Chứ thắt dây an toàn thì quả tình mà nói chưa có ý thức lắm. Đi đường cao tốc, đường nhanh thì mới cần thôi. Chứ đi trong phố này thì máy móc quá, vì có vượt quá 40 km/h bao giờ đâu mà dây rợ cho nó phiền phức. 

 

Đó là những ý kiến phản ánh chân thực sự thờ ơ của người dân liên quan đến hành vi thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô. Đáng lưu ý, đa số người được phỏng vấn đều thừa nhận có biết đến quy định từ ngày 1/1/2018, tất cả vị trí ngồi trên xe con có trang bị dây an toàn thì buộc phải thắt dây an toàn, nếu không sẽ bị xử phạt. Thống kê mới nhất từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, ở Việt Nam, chỉ có 20% người đi ô tô thắt dây an toàn (thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển là 90%).

>>> Nguy hiểm từ việc cho trẻ lái xe

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, việc không thắt dây an toàn, đặc biệt cho trẻ em, rất nguy hiểm. Khi xảy ra sự cố, người ngồi ghế trên có thể bị xô về kính lái, người ngồi cạnh cửa có thể bị va chạm với kính xe, thậm chí tỉ lệ tử vong với người ngồi trên ô tô khi tai nạn giảm tới 50% nếu người đó thắt dây an toàn.

Đề cập khó khăn trong việc xử phạt hành vi không thắt dây an toàn khi đi ô tô, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói:

 

“Phạt cũng là tình huống tiếp theo của việc chấp hành thôi. Hơn ai hết, mọi người cần có ý thức với chính mình khi ngồi trên xe ô tô tại những nơi có dây an toàn phải tự giác thực hiện, không cần phải chờ ai nhắc. Còn việc xử lý tình huống trên đường, thực sự rất tế nhị. Vì có người khi bị cảnh sát kiểm tra lại bảo do tôi vừa tháo ra, tìm mọi cách để trốn tránh việc xử phạt. Rồi việc chứng nh bằng hình ảnh hiện nay vẫn còn gặp khó”.

Từ ngày 1.1.2018, nếu không thắt dây an toàn khi ngồi ghế sau ô tô sẽ bị xử phạt (Ảnh: Thanh niên)

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện các cơ quan chức năng còn gặp khó khăn trong việc xử lý hành vi không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô dù các quy định, chế tài cụ thể đã có đầy đủ. Nguyên nhân do các lực lượng này còn thiếu công cụ hỗ trợ như camera quan sát độ nét cao để lưu bằng chứng, lấy căn cứ xử phạt.

Bên cạnh đó, TS Trần Hữu Minh lưu ý một nội dung quan trọng khác liên quan đến an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô, vốn ít được các bậc phụ huynh và cả cơ quan chức năng chú ý, đó là ghế ngồi thiết kế riêng cho trẻ em trên xe.

 

“Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, với những trẻ em dưới 14 tuổi hoặc dưới 1m4, dây an toàn cho người lái ít có tác dụng, thậm chí gây thương tích cho các em do cơ thể các em còn nhỏ. Chính vì vậy, ở các nước phát triển, khi trẻ em ngồi trên ô tô, bố mẹ có trách nhiệm cung cấp, lắp đặt ghế cho trẻ em và phải sử dụng đúng”.

Vị đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nêu một số bất cập như: Việc sử dụng ghế ngồi trẻ em còn chưa đúng chức năng, chưa có quy chuẩn cho ghế ngồi trẻ em, các quy định bắt buộc trang bị thiết bị này ở những độ tuổi, chiều cao, cân nặng nhất định cũng chưa có và cần được cập nhật trong đợt sửa đổi Luật giao thông đường bộ sắp tới.

>>> Thói quen thắt dây an toàn trên ô tô: Vẫn chưa có gì thay đổi

Năm nay, chủ đề được Ủy Ban ATGT Quốc gia lựa chọn là “An toàn giao thông cho trẻ em”, vì vậy, cơ quan này đã lên kế hoạch cho nhiều chương trình tuyên truyền đến các nhóm đối tượng khác nhau nhằm tác động sâu rộng, tạo bước ngoặt về mặt nhận thức về vấn đề này. TS. Trần Hữu Minh nói:

 

“Chúng ta sẽ cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để làm sao người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan nhận thức được tầm quan trọng của các giải pháp mà chúng ta đưa ra. Khi hiểu được thì họ mới thực hiện, cần kiên trì với việc này. Sau khi tuyên truyền, cung cấp tất cả điều kiện để thực hiện mà vẫn không chấp hành thì tôi nghĩ, phải chuyển sang việc xử phạt thôi. Còn xử phạt ở đây là mang tính răn đe, mang tính giáo dục chứ không phải mục đích là tăng ngân sách cho Nhà nước”.

Theo thống kê năm 2017, có gần 7% nạn nhân TNGT là trẻ em. Mục tiêu của chúng ta trong năm nay là giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm ngoái.

Để thực hiện mục tiêu này, thắt dây an toàn và lắp ghế ngồi trẻ em trên ô tô cần phải được các bậc phụ huynh nhìn nhận đúng mức vai trò và tầm quan trọng. Không nên có bất cứ lý do nào để ngụy biện cho những hành vi gia tăng nguy cơ thương tích cho chính con em mình.

>>> Cha mẹ thiếu chú ý đến đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô