Ấn Độ đối phó với vấn nạn cảnh sát giao thông tham nhũng thế nào?

VOVGT - CSGT là lực lượng tuần tra, kiểm soát, giữ bình yên cho từng cung đường, con phố, nhưng Ấn Độ đang phải đối phó với nạn tham nhũng trong lực lượng này

 Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đầu tháng 1 năm 2017, Sunil Toke, một cảnh sát trưởng tại Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ, đệ đơn lên tòa án cáo buộc tình trạng cảnh sát giao thông tham nhũng tràn lan; đồng thời kêu gọi giải pháp từ cơ quan chức năng.

Được biết, ông Suni có trong tay hơn 40 clip ghi lại việc cảnh sát giao thông nhận mãi lộ.

Đây không phải lần đầu ông Suni lên án những hành vi này; nhưng không được giải quyết. Đó là lí do khiến Suni buộc phải đệ đơn lên tòa án.

Tệ nạn tham nhũng đang tràn lan trong một bộ phận lớn cảnh sát giao thông Ấn Độ

Hệ thống đường bộ của Ấn Độ đứng thứ ba thế giới với tổng chiều dài trên 3,3 triệu km với gần 5 triệu xe tải hoạt động hàng ngày trên các quốc lộ. Và đó là “mảnh đất màu mỡ” cho tệ nạn tham nhũng.

Theo thống kê của Thời báo Ấn Độ, số tiền hối lộ mà cảnh sát giao thông Ấn Độ nhận được vào khoảng gần 394 tỷ rupee (rúp-pi) (hơn 136 nghìn tỷ VNĐ). Trung bình, mỗi ngày người dân Ấn Độ “mất” 650 rupee (khoảng 220 nghìn VNĐ) vào tay những cảnh chất biến chất. 1 chiếc xe quá tải có thể được thả đi sau khi đưa hối lộ khoảng 10-50 nghìn rupee (Khoảng 3 triệu 500 nghìn – 17 triệu 500 nghìn VNĐ) tùy theo tải trọng; xe taxi hoạt động trái phép có thể tiếp tục đi với “giá” 2 nghìn rupee (khoảng 700 nghìn VNĐ)…

Những con số biết nói này khiến nhiều người giật mình vì mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng trong cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, vẫn còn những người như ông Sunil Toke, sẵn sàng đứng lên đấu tranh, chống lại tệ nạn tham nhũng. Ông cho biết:

Kể từ ngày nộp đơn lên tòa, tôi đã nhận được nhiều đoạn băng và bằng chứng tố cáo hành vi nhận mãi lộ của cảnh sát giao thông. Điều đó chứng tỏ vẫn còn nhiều người như tôi, không muốn làm ngơ trước tình trạng tham nhũng. Đó là lí do để tôi đấu tranh tới cùng.

Tuy nhiên, có thực tế rằng, hiện lực lượng cảnh sát giao thông đang bị quá tải. Trung bình mỗi cảnh sát giao thông phải làm việc ít nhất 12 tiếng một ngày, phải đi tuần tra vào ban đêm. Lương hàng tháng khoảng 20 nghìn rupee (khoảng 7 triệu VNĐ). Đó được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới tham nhũng.

Dù tình trạng này tồn tại đã nhiều năm, nhưng hiện giới chức Ấn Độ vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm giải pháp. Năm 2016, Ấn Độ bỏ việc nộp phạt bằng tiền mặt. Thay vào đó, cảnh sát giao thông được trang bị máy quẹt thẻ để thu tiền phạt.

Đồng thời, giới chức cho lắp thêm nhiều camera an ninh trên nhiều khu phố. Mục đích của việc này phòng khi có khiếu nại hay tranh chấp, sẽ dựa vào camera để phân định đúng sai.

Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng, việc cải thiện nhận thức của người dân cũng sẽ giúp giảm tình trạng tham nhũng. Nhiều người vẫn còn mang theo tâm lý, nếu bị cảnh sát giao thông dừng xe thì hãy đưa họ một ít tiền để được đi, cho đỡ tốn thời gian.

Một cảnh sát giao thông chia sẻ:

Nhiều người khi bị dừng xe, luôn cố gắng đưa tiền mãi lộ. Họ có thể được thả đi mà chẳng ảnh hưởng gì, nhưng danh tiếng của chúng tôi thì có. Cần loại bỏ ý nghĩ mua chuộc cảnh sát nếu như muốn dập tắt tình trạng tham nhũng.

Để ngăn chặn nạn tham nhũng của cảnh sát giao thông, Tổ chức Minh bạch quốc tế từng khuyến nghị giới chức Ấn Độ những giải pháp như thành lập, kết nối các văn phòng giao thông điện tử trên toàn quốc; đăng kiểm và cấp phép trực tuyến, thống nhất các quy định về giao thông trên toàn quốc... Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chính quyền từ cấp cao nhất đến chính quyền các bang.

Câu chuyện tham nhũng cảnh sát giao thông Ấn Độ, khiến chúng ta liên tưởng đến những lùm xùm quanh cách xử lý của cảnh sát giao thông Việt Nam đối với người vi phạm. Và cũng giống như Ấn Độ, vấn đề này cần phải được giải quyết triệt để; đồng thời, giáo dục, cải thiện ý thức, không chỉ của các chiến sĩ cảnh sát giao thông, mà chính cả người dân để ngăn chặn tình trạng hối lộ, tham nhũng xảy ra.