Ai thực sự muốn chuyển đổi số?

Chiến lược chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn là con người, tư duy, phương pháp, quy trình thực hiện, và văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức. Để chuyển đổi số doanh nghiệp thành công phải bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo.

Ảnh nh họa

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu: “Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới, thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số”.

Thực chất, chuyển đổi số không chỉ là một khái niệm, nó còn là một quá trình “lột xác” dần dần tại các doanh nghiệp. Tuy không phải bắt buộc, nhưng nó lại là xu thế tất yếu của thế giới.

Một doanh nghiệp sử dụng các công cụ thủ công và phần mềm công nghệ cơ bản không thể cạnh tranh lại với những đối thủ đã sử dụng Máy học, Trí thông nh nhân tạo để xử lý được gấp hàng trăm, hàng nghìn lần các dữ liệu khách hàng.

Một doanh nghiệp giao hàng truyền thống sẽ không thể cải thiện thời gian xử lý đơn hàng tốt bằng một doanh nghiệp ứng dụng Dữ liệu lớn, Kiểm soát tháp điều khiển tới từng công đoạn thông qua smartphone, có hệ thống phần mềm liên thông được hàng trăm, nghìn kho bãi.

Một người chủ tịch, một vị lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cũng không thể chỉ đạo nhân viên cấp dưới về chuyển đổi số, mà bản thân chưa thực sự muốn thực hiện, hoặc còn lơ mơ về vấn đề này.

Học và cập nhật liên tục – Đó là cách duy nhất để chiếm lĩnh kiến thức về chuyển đổi số.

Khi bản thân người đứng đàu đã hiểu và lên được lộ trình chuyển đổi số, các công đoạn được tính toán chi tiết về thời hạn, tiến độ, các doanh nghiệp sẽ không còn cảm giác “sợ” chuyển đổi số nữa.

Khó khăn về tài chính hoàn toàn có thể vượt qua nếu doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn, tìm được sự liên kết hợp tác với đối tác nước ngoài, nhà đầu tư quốc tế, hoặc hợp tác với nhà cung cấp giải pháp, mua lại các startup công nghệ.

Khó khăn về trình độ nhân lực công nghệ thông tin có thể tìm giải pháp ở các khóa đào tạo tại chỗ theo yêu cầu của doanh nghiệp, tìm kiếm nhân sự thông qua kết hợp các trường học, trung tâm đào tạo nghề, gửi nhân sự thực hành tại nhà trường, thực tập tại doanh nghiệp.

Nỗi sợ về việc đánh mất dữ liệu quan trọng, tuyệt mật khi tham gia vào chuyển đổi số là có thực. Nhưng khi quan tâm và đầu tư bài bản, một đơn vị có thể tự tin về mức độ bảo mật doanh nghiệp của mình thông qua việc xây dựng riêng một bộ phận công nghệ thông tin; xây dựng được chính sách bảo mật, thiết kế tài liệu hướng dẫn tới từng nhân viên.

Đồng thời, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, hệ thống máy tính chuyên dụng, mô hình mạng riêng biệt. Bên cạnh đó, nếu điều kiện chưa cho phép, doanh nghiệp có thể mua phần mềm hỗ trợ lưu trữ có tính năng bảo mật cao. Ngoài thị trường không thiếu những giải pháp.

Dĩ nhiên, mọi lý thuyết về chuyển đổi số đều là con số không, nếu chuyển đổi số không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng nếu chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực Logistics sẽ có cơ hội vươn lên nhanh chóng trong giai đoạn giao thời của cách mạng công nghệ.

Một số đơn vị đã trở thành hình mẫu, điểm sáng tác động tới cả các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng, hợp tác, liên kết, buộc các đơn vị này cũng phải chuyển đổi số để bắt kịp nhịp độ tăng trưởng và yêu cầu thực tiễn đề ra.

Vì vậy, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt, các ông chủ doanh nghiệp cần phải trả lời ngay câu hỏi “Bản thân họ có thực sự quyết tâm chuyển đổi số ngay hôm nay?”.