Ai Cập xây dựng mạng đường sắt cao tốc lớn thứ 6 thế giới, 4,35 triệu USD/1 km

Bộ Giao thông vận tải Ai Cập mới đây cho biết đang lên kế hoạch xây dựng siêu hệ thống đường sắt cao tốc có trị giá 8,7 tỷ USD.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hôm 28/5 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi (Áp-đi Pha-ta Eo-si-si) chứng kiến Bộ Giao thông Vận tải nước này và Tập đoàn Siemens của Đức ký kết hợp đồng xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới cho Ai Cập.

Theo thông báo, gói thầu có giá trị  tới 8,7 tỷ USD (giá trung bình 4,35 triệu USD/ 1 km) được Siemens Mobility, công ty con thuộc Tập đoàn Siemens, ký với Chính phủ Ai Cập cùng 2 tập đoàn lớn của Ai Cập là Orascom Construction và The Arab Contractors.

Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi ca ngợi, dự án đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, không chỉ cho đường sắt Ai Cập mà rộng hơn là cả châu Phi và khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, ông Kamel El-Wazir, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ai Cập khẳng định: “Các chuyến tàu cao tốc sẽ củng cố cơ sở hạ tầng tại những khu vực đi qua, từ đó giúp nhiều đô thị trên cả nước mở rộng và phát triển. Dự án cũng sẽ thúc đẩy du lịch thông qua một phương tiện giao thông nhanh chóng, hiện đại, an toàn. Theo tôi, đây là bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực vận tải đường sắt, đáp ứng mong đợi của tất cả người dân”.

Dự án được kỳ vọng có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt đường sắt Ai Cập, giúp nước này nằm trong 6 quốc gia sở hữu mạng lưới đường sắt hiện đại nhất thế giới - Ảnh Siemens Mobility

Theo thiết kế, mạng lưới đường sắt cao tốc của Ai Cập  có tổng chiều dài 2.000 km, kết nối 60 thành phố. Các đoàn tàu có thể chạy với vận tốc 230 km/giờ, phục vụ khoảng 90% người dân ở Ai Cập. 

Siemens Mobility sẽ cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng và 41 đầu tàu kéo hàng. Ngoài ra, 8 nhà ga cũng sẽ được xây dựng với hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.

Ông Mathias Deul, Phó giám đốc phụ trách tài chính dự án chia sẻ: “Đây là một trong những dự án lớn nhất mà Siemens thực hiện và cũng là dự án có một không hai tại Ai Cập bởi ở đây chưa có đường sắt cao tốc. Theo tôi hệ thống đường sắt mới sẽ góp phần định hình mạng lưới giao thông và tầm nhìn chiến lược cho tương lai”.

Còn theo ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens, với những công nghệ mới nhất của Siemens về đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu và dịch vụ bảo trì, Ai Cập sẽ sở hữu hệ thống đường sắt lớn thứ 6 và hiện đại nhất thế giới, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng xe buýt và ô tô hiện tại.

Bản siêu hợp đồng này cũng góp phần thay đổi cuộc sống cho hàng triệu người dân Ai Cập khi tạo ra khoảng 40.000 việc làm trực tiếp, gần 7.000 việc làm gián tiếp thông qua các thành phần kinh tế khác.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, dự án đường sắt không chỉ giúp củng cố thêm mối quan hệ hợp tác kinh tế thành công giữa Đức và Ai Cập, mà còn góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu: “Các chuyến tàu sẽ thay thế hàng triệu hành trình bằng ô tô, xe tải hay xe buýt, điều này có nghĩa lượng khói bụi, khí thải sẽ ít hơn. Theo tôi việc thực hiện dự án là quyết định táo bạo và có tầm nhìn xa của chính phủ Ai Cập”.

Được biết, mạng lưới đường sắt tốc độ cao của Ai Cập sẽ bao gồm 3 tuyến chính. Trong đó, tuyến đầu tiên, với tên gọi ‘Kênh đào Suez trên đường ray’, có chiều dài 660 km, nối các thành phố cảng Ain Sochhna ở Biển Đỏ với Marsa Matruh cũng như Alexandria ở Địa Trung Hải.

Tuyến thứ hai dài 1.100 km chạy giữa Cairo và Abu Simbel gần biên giới Sudan, giúp kết nối thủ đô với các trung tâm kinh tế đang phát triển ở phía Nam cũng như hỗ trợ các cộng đồng dân cư dọc sông Nil.

Chặng thứ ba dài khoảng 225km sẽ kết nối các điểm khảo cổ học là Di sản văn hoá thế giới ở Luxor với Hurghada trên Biển Đỏ.

Bà Rania Victor, trợ lý dự án cho rằng, công trình mang tính bước ngoặt này có ý nghĩa  lịch sử đối với Ai Cập: “Tôi rất tự hào về đất nước mình vì lần đầu tiên Ai Cập cũng sắp có một dự án đường sắt cao tốc mang tầm đẳng cấp thế giới”.

Ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens - Ảnh DW

Việc Ai Cập tiên phong xây dựng đường sắt cao tốc đang được xem là động lực đối với nhiều quốc gia láng giềng ở châu Phi, đặc biệt là Nigeria.

Theo các chuyên gia, Chính phủ Nigeria nên học hỏi Ai Cập bằng cách thiết lập các hệ thống đường sắt cao tốc. Điều này có thể giúp Nigeria giảm bớt khủng hoảng nhà ở tại một số thành phố lớn như Lagos, Abuja và Port Harcourt, bởi khi giao thông thuận lợi, người lao động có thể dễ dàng di chuyển ra ngoài khu vực trung tâm để sinh sống và làm việc. 

Bao giờ Việt Nam có đường sắt cao tốc? đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Sau hơn 10 năm trầy trật, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có hy vọng hiện thực hóa khi Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559 km, tốc độ 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58,7 tỷ USD (giá trung bình 37,99 triệu USD/ 1 km). Giai đoạn một (trước năm 2030) sẽ đầu tư hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2021, nguồn vốn đầu tư dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt được bố trí qua Bộ GTVT là hơn 4.100 tỉ đồng (chiếm khoảng 9,6% tổng vốn cho giao thông), trong đó hơn một nửa đã chi cho công tác bảo trì hằng năm. Hiện nguồn lực chủ yếu vẫn phân bổ cho các dự án hạ tầng đường bộ, đặc biệt là cao tốc Bắc Nam.

Như vậy, chỉ từ năm 2026 mới có sự tăng tốc nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc.