400 nghìn thuyền viên mắc kẹt trên các con tàu

Ngành vận tải biển kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đã gặp phải vô vàn những khó khăn, trong đó phải kể đến lực lượng lao động của ngành này.

Khi thế giới đang hướng tới trạng thái bình thường mới, việc đảm bảo sức khỏe, nhất là hoàn thành liệu trình vaccine cho lực lượng lao động ngành vận tải biển là điều vô cùng cần thiết.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa: Igor Kadasov/Shutterstock.com

Dịch bệnh khiến ngành vận tải biển thời gian qua nóng lên với nhiều vấn đề như giá cước tăng phi mã, thiếu hụt container và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, lực lượng lao động của ngành này cũng gặp không ít khó khăn. Việc hạn chế đi lại khiến khoảng 400 nghìn thuyền viên mắc kẹt trên các con tàu, cạn kiệt sức khỏe cả về tinh thần và thể chất

Theo một thống kê, trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 8/2020, chỉ có 25% thuyền viên được thay ca. Theo quy định, thuyền viên không được phép làm liên tục quá 11 tháng, nhưng đại dịch COVID-19 khiến nhiều thuyền viên phải ở trên tàu tới 15 tháng. Một số lao động lại trong tình trạng thất nghiệp do không thể lên tàu làm việc. Thậm chí, theo Tổ chức Hàng hải quốc tế, lực lượng lao động ngành vận tải biển còn bị xem nhẹ.

Matt Forster, một kỹ sư làm việc trên tàu biển chia sẻ: “Chúng tôi không kỳ vọng được ca ngợi hay bất cứ thứ gì tương tự vì chúng tôi tự nguyện lựa chọn công việc này. Nhưng vì không được chú ý tới nên chúng tôi không có được sự trợ giúp cần thiết. Do vậy, chúng tôi hy vọng nhận được sự công nhận để lao động trong ngành được đảm bảo cuộc sống hàng ngày”.

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động, thì việc bảo đảm sức khỏe cho lao động ngành vận tải biển, bao gồm cả việc tiêm vaccine, là điều cần thiết. Theo công bố mới của Tuyên bố Neptune về sức khỏe của người đi biển và thay đổi thuyền viên, tính đến tháng 9 năm nay, đã có khoảng 1,4 triệu lao động vận tải biển, tức khoảng 22% lực lượng lao động toàn ngành đã được tiêm đủ liệu trình vaccine. Con số này đã tăng đáng kể từ tháng 8, khi đó mới chỉ khoảng 15%. 

Dù đó là sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên những thử thách vẫn còn. Theo tờ Maritime Executive, việc tiêm vaccine cho thuyền viên vẫn còn gặp khó khăn bởi nhiều lí do, ví dụ như một số loại vaccine không được công nhận toàn cầu như Covaxin của Ấn Độ hay Sputnik V của Nga khiến thuyền viên đã tiêm vaccine loại này gặp khó trong việc xin cấp xác nhận; hay tại một số nơi, sau khi tiêm đủ liệu trình vaccine, những gì mà thuyền viên nhận được chỉ là tờ giấy viết tay ghi lại thông tin lô vaccine và ngày giờ tiêm; và tờ giấy này vô giá trị đối với hải quan nhiều nơi. 

Ông Kitack Lim, tổng thư ký của Tổ chức Hàng hải quốc tế đã kêu gọi sự đối xử bình đẳng cho lao động ngành vận tải biển: “Chúng tôi kêu gọ các bên cùng tham gia chiến dịch Xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho lao động vận tải biển. Đây là chiến dịch nhằm thu hút sự quan tâm toàn cầu, hướng tới tạo nên môi trường làm việc an toàn, đối xử bình đẳng, tôn trọng với người lao động bất kể giới tính, màu da hay tôn giáo.”

Một thuyên viên Singapore đang được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Liên đoàn lao động vận tải biển Singapore

Theo các chuyên gia, ngành vận tải biển thời kỳ hậu COVID-19 sẽ có chuyển biến lớn. Dù tỉ lệ tiêm vaccine cho thuyền viên đang tăng dần, nhưng những mối lo ngại về một biến chủng COVID mới có thể xuất hiện khiến ngành vận tải biển bắt đầu có xu hướng áp dụng những công nghệ hiện đại, trong đó có tự động hóa.

Hiện đã bắt đầu có những dự án chế tạo tàu chở hàng, cảng biển được tự động hóa, tiêu biểu có thể kể tới dự án của công ty Yara tại Na-Uy. Dự án này hướng tới việc xây dựng các tàu chở hàng cỡ trung và nhỏ chạy bằng điện và có thể tự thực hiện một số quy trình như tháo dỡ hàng hóa, xuất nhập bến mà không cần có sự can thiệp của con người. Kết quả của dự án có thể dẫn ngành vận tải biển bước sang thời kỳ mới, do đó nhân lực trong ngành cũng cần có sự chuyển biến. 

Ông Gene Seroka, giám đốc điều hành cảng Los Angeles, Mỹ cho biết: “Chúng ta không thể bỏ lại lực lượng lao động ở phía sau. Ngành vận tải biển cần thay đổi, và họ cũng vậy, cho dù là phải nâng cấp hay thậm chí là đào tạo lại từ đầu. Có thể trong tương lai, những người lao động, kỹ sư của ngành thay vì cầm một chiếc cờ lê để sửa máy, thì họ sẽ cầm một chiếc laptop để vận hành mọi thứ”.

Còn tại Việt Nam, tại cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giao thông vận tải ngày 17/9 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thuyền viên là vấn đề cấp bách.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ hiện không chỉ đối mặt với việc tỷ lệ tiêm vaccine trong đội ngũ nhân viên còn thấp, mà còn gặp khó trong việc đảm bảo đủ nhân lực, công tác thay thế thuyền viên v.v…
Ghi nhận tình hình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực hàng hải phải tháo gỡ ngay những vướng mắc đang tồn tại để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời đề nghị các địa phương ưu tiên nguồn vaccine cho lực lượng lao động trong chuỗi vận tải qua cảng biển để góp phần phục hồi kinh tế.