Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dự án sân bay Long Thành: Cầu thị, minh bạch để hiệu quả, không lãng phí

Phóng viên - 13/12/2019 | 5:39 (GTM + 7)

Để sân bay quốc tế Long Thành có thể cất cánh thành công, rất cần một tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các bên, cùng với một cái nhìn hết sức cầu thị để từ đó tìm ra phương án tối ưu nhất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Long Thành Ảnh: ACV
Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng cấp quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,8 tỷ USD); thời gian thực hiện từ năm 2020-2025.

Quy mô đầu tư giai đoạn 1, gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ, như hạ tầng khu bay, nhà ga hành khách, hệ thống điều hành bay, công trình phụ trợ, hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với cảng.

Cùng với dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thì sân bay quốc tế Long Thành là một trong những trường hợp hiếm hoi bước đầu tạo được sự đồng thuận từ nhiều phía; người dân thì cũng sốt ruột mong chờ. Thế nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì việc triển khai dự án sân bay Long Thành là quá chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh dự án.

"Chúng tôi không dám đầu tư gì để làm ăn, chuyển đổi cây trồng cũng không dám, quy hoạch rồi nhưng không biết đến ngày nào mới triển khai".

"Dự án không phải bây giờ mới có, đã có 20 năm nay rồi, dân xã Suối Trầu chúng tôi bị thiệt hại rất là nhiều".

"Người dân ở đây mong muốn bồi thường phải rõ ràng minh bạch. Phải bố trí chỗ tái định cư đàng hoàng thì người dân mới nhận đền bù, giờ chưa có chỗ tái định cư gì cả, chỉ toàn thấy nói thôi".

"Với giá đền bù này nếu mình lãnh mà đi mua đất chỗ khác thì không làm gì được vì giá đất cao quá. Mua được đất thì không có tiền làm nhà".

Lý do đầu tiên khiến cho sân bay Long Thành chậm triển khai chính là công tác thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng. Vì diện tích đất cần thu hồi là quá lớn (khoảng 5000ha) và số tiền để đền bù giải phóng mặt bằng lên đến hơn 23.000 tỷ nên Quốc hội đã cho phép tách ra thành một dự án thành phần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp không ít khó khăn, dự kiến đến cuối 2019 mới có thể giải ngân được 1900 tỷ (hơn 16% so với kế hoạch). Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TPHCM phân tích:

"Tôi đề nghị chúng ta cần quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư vào cuối năm 2020. Tôi cho rằng đây là thách thức đối với tỉnh Đồng Nai, Quốc hội Chính phủ cần có những chính sách giải pháp hay Nghị quyết về giải phóng mặt bằng ở dự án này để có thể triển khai tốt nhất và hiệu quả nhất".

Tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành
Tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành. Ảnh: Dân trí

Yếu tố thứ hai cũng không kém phần quan trọng chính là phương án chọn nhà đầu tư cho dự án. Mới đây Chính phủ đã trình Quốc Hội xem xét phương án chỉ định Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư thực hiện dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên Quốc hội đã không xem xét về việc này và khẳng định quyền quyết định chọn nhà đầu tư là của Thủ Tướng Chính Phủ dựa trên báo cáo của Hội đồng thẩm định Quốc Gia.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ "Việc lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; cũng như quản lý của Nhà nước về hàng không, quân sự". Quốc hội cũng lưu ý, vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành phải là "vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ".

Chia sẻ thêm về vấn đề này ông Phạm Đình Cúc - đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói:

"Đây là dự án mang tầm quốc gia trong khi ACV là đơn vị có khả năng về kỹ thuật, tiềm lực về kinh tế thì cũng tốt nhưng mà cũng cần xem xét cẩn thận. Nếu giao cho ACV thì phải giám sát chặt chẽ về tiến độ, kỹ thuật đúng theo thiết kế được duyệt".

Tỏ ra đồng tình với nhận định trên, ông Dương Trung Quốc - đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, cần có những chính sách phù hợp để làm sao có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án mà không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không:

"Sân bay Long Thành chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích rất tốt cho cả khu vực, cho đất nước. Nhưng nó cũng vừa là khó khăn trước mắt và vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật là rất cần thiết. Ai cũng biết phương thức đấu thầu là hết sức phù hợp với xu thế hiện nay, nhưng rõ ràng trên thực tế vừa qua việc thực hiện đấu thầu có những bất cập nảy sinh mà chúng ta chưa kịp điều chỉnh luật pháp. Vì vậy đã chuyển sang hình thức giao cho các doanh nghiệp Nhà nước huy động vốn đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhưng tôi lưu ý cần phải tạo điều kiện tối đa để huy động nguồn lực về công nghệ, kinh nghiệm. Thứ hai là phải giám sát thật chặt…thiếu 1 trong 2 là hỏng".

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư chính là số vốn tổng mức đầu tư 16 tỷ USD (theo đơn giá khái toán năm 2014) trong đó mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 4,8 ty USD, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng với quy mô đầu tư như sân bay Long Thành thì đây là con số quá cao. Nếu không tính toán và cân nhắc kỹ thì sẽ tái diễn tình trạng thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng dự án.

Cầu thị, minh bạch hóa để hoạt động hiệu quả, không lãng phí

Việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành sân bay quốc tế Long Thành được xem là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ của ngành giao thông mà của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, áp lực thành công của dự án này là không hề nhỏ. Nhưng nếu làm không tốt sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án trùm mền, đắp chiếu đang tồn tại.

Và để sân bay quốc tế Long Thành có thể cất cánh thành công, rất cần một tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các bên, cùng với một cái nhìn hết sức cầu thị để từ đó tìm ra phương án tối ưu nhất.

Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành

Nhiều thập kỷ qua, đã có không ít công trình dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần liên tục diễn ra. Dù Quốc Hội, Chính Phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp để ngăn chặn nhưng thực trạng này vẫn không thay đổi là mấy. Nhiều người lo ngại, dự án Sân bay quốc tế Long Thành rất có thể là “biểu tượng” tiếp theo.

Bên cạnh nguyên nhân quen thuộc là chậm giải phóng mặt bặng thì câu chuyện tổng mức đầu tư và chỉ định nhà đầu tư dự án sân bay Long Thành một lần nữa khiến dư luận cả nước sôi sục.

Như đánh giá của người đứng đầu ngành giao thông thì không có sân bay nào ở nước ta có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, đặc biệt là ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Nói thì nói vậy bởi tất cả vẫn còn đang ở thì tương lai trong khi những cái đang diễn ra ở hiện tại lại làm không ít người phải đau đầu.

Việc Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ trình Quốc Hội chỉ định Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam làm nhà đầu tư dự án sân bay Long Thành được nhiều người cho là không thật sự hợp lý. Ở vai trò điều hành quản lý ngành, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải cân nhắc, rà soát lựa chọn một cách tối ưu nhất trước khi tham mưu cho Chính phủ chứ không phải tìm cách đá quả bóng trách nhiệm sang chân người khác.

Việc đa số đại biểu Quốc hội mới đây biểu quyết thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong đó không có nội dung giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là nhà đầu tư, thực hiện dự án thể hiện vai trò giám sát của Quốc hội đồng thời cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ GTVT cần cẩn trọng hơn để đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; cũng như quản lý của Nhà nước về hàng không, quân sự.

Chắc chắn việc chỉ định thầu hay đấu thầu để tìm ra nhà đầu tư đủ năng lực triển khai dự án sân bay Long Thành sẽ là một bài toán khó. Chọn một đơn vị có số vốn gần như 100% nhà nước để đảm bảo tính an toàn hay chọn một nhà đầu tư tư nhân thậm chí là nhà đầu tư nước ngoài khác thông qua đấu thầu để tối ưu hóa hiệu quả thì điều mà người dân cả nước quan tâm nhất chính là sự công khai, minh bạch.

Phải nói không với lợi ích nhóm cũng như có cơ chế để loại bỏ những nhà đầu tư thiếu năng lực kiểu như “dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông”. Đó là chưa kể, mới đây nhiều chuyên gia hàng không và kinh tế đã lên tiếng cho rằng với công suất 80-100 triệu lượt khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.800 ha và 2 đường cất hạ cánh thay vì 5.000 ha đất với 4 đường cất hạ cánh.  Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và ACV nghiên cứu ý kiến này trước khi quyết định.

Rõ ràng, sân bay quốc tế Long Thành muốn thàng công rất cần tạo cơ hội cho người dân thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát bởi họ là chủ thể chi trả cho các khoản đầu tư, cũng như thụ hưởng sau này.  Hơn hết là cần phân định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan để có thể “chỉ mặt đặt tên” khi xảy ra sự cố hay chậm trễ.

Phải hết sức nỗ lực để dự án thực sự hiệu quả, không thất thoát, lãng phí; tránh những “vết xe đổ” như đã từng xảy ra ở nhiều dự án trọng điểm khác để các thế hệ mai sau phải gánh chịu, khắc phục.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //