Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Đi làm bằng xe đạp có thực sự an toàn?

Phóng viên - 27/10/2020 | 5:54 (GTM + 7)

Xe đạp vốn là phương tiện không gây ô nhiễm với môi trường, đồng thời đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người sử dụng; giảm thiểu ô nhiễm và ùn tắc. Nhưng một nghiên cứu mới đây lại cho thấy đi xe đạp sẽ có tỉ lệ gặp sự cố, tai nạn giao thông cao hơn

Nghiên cứu ở Anh chỉ ra rằng đạp xe đi làm dễ gặp tai nạn giao thông hơn việc sử dụng các phương tiện khác.
Ảnh minh họa

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Khi các thành phố nỗ lực thúc đẩy đi bộ và đi xe đạp, về lâu dài, chúng có thể dẫn đến giao thông ít áp lực hơn, không khí sạch hơn và người dân khỏe mạnh hơn. Nhưng không phải tất cả các kết quả đều tích cực, đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn.

Thay vào đó, việc đạp xe đi làm có thể khiến người sử dụng dễ gặp tai nạn giao thông hơn so với những phương tiện khác như ô tô, tàu điện.

Theo CNN, các chuyên gia tại Đại học Tổng hợp Glasgow khảo sát hơn 230 nghìn người tham gia giao thông tại 22 địa điểm ở nước Anh, trong đó: Hơn 5.700 người sử dụng xe đạp như phương tiện đi lại chính.

Kết quả khảo sát cho thấy, 7% số người đạp xe đi làm đã từng gặp tai nạn; 6% với những người sử dụng xe đạp thường xuyên. Đáng lưu ý, chỉ có 4,3% với những người sử dụng ô tô hoặc tàu điện làm phương tiện chính đã từng gặp tai nạn. 

Kết quả chung chỉ ra rằng, đi lại bằng xe đạp có liên quan đến nguy cơ nhập viện vì chấn thương cao hơn 45% so với các phương pháp đi lại khác.

Không chỉ tại Anh, trước đó một nghiên cứu tại Mỹ cũng đã chỉ ra kết quả tương tự. Nghiên cứu năm 2018 tại thủ đô Washington cho thấy, khi đẩy mạnh khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, thì dù số vụ tai nạn trong năm giảm so với năm 2017, tuy nhiên, số ca tử vong của người đi xe đạp lại tăng 20%.

Khảo sát tại những thành phố khác như New York, Los Angeles cũng cho kết quả tương tự. 

Một vài người dân chia sẻ:

“Khi còn ở Đan Mạch, tôi có thể đạp xe đi khắp nơi. Nhưng từ khi chuyển tới Mỹ sinh sống, tôi đã bị xe tông 2 lần. Hiện tôi không còn đi xe đạp nữa”.

“Nhiều tài xế ô tô đã hét, bấm còi liên tục để dành phần đường tôi đang đi. Có người còn cố gắng đẩy tôi ra khỏi phần đường của mình”.

Nguyên nhân của những con số này không quá khó để nhận ra, đó là vì hạ tầng giao thông đô thị chưa thể theo kịp so với sự tăng trưởng về số lượng người đi xe đạp.

Nếu như tại Amsterdam (Hà Lan), thủ đô của xe đạp, người đi xe đạp sẽ được sử dụng làn đường riêng thì tại nhiều đô thị, xe đạp vẫn phải chia sẻ làn đường với các phương tiện khác, cũng như diện tích làn đường cho xe đạp vẫn còn rất hạn chế.

Theo nhà báo Misha Ketchell của trang The Conversation, các đô thị ngày nay được thiết kế phù hợp với phương tiện cơ giới hơn là các phương tiện thô sơ như xe đạp.

Ông Misha Ketchell chỉ ra rằng, từ sau thập niên 1950, đô thị ở Mỹ mất đi sự thân thiện với người đi bộ và phương tiện thô sơ. Các con đường được thiết kế để phương tiện có thể di chuyển nhanh và ít bị cản trở, trong khi phần đường cho người đi bộ và xe đạp ngày càng bị hạn chế.

Để rồi đến thời điểm hiện tại, khi xe đạp lại được khuyến khích, thì việc xây dựng hạ tầng phục vụ cho phương tiện này chưa được thực hiện triệt để, khiến người đi xep đạp phải chịu nhiều thiệt thòi.

Tại nhiều thành phố, xe đạp vẫn phải dùng chung phần đường với ô tô, xe máy....

Quay trở lại với nước Anh, từ năm 2010, thủ đô London bắt đầu khuyến khích xe đạp bằng việc dành một phần đường dành riêng cho xe đạp, đánh dấu bằng màu sơn xanh. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như tính toán của giới chức.  

Trong một phóng sự thực hiện vào năm 2018, Jay Foreman, một nhạc sĩ, diễn viên chia sẻ: “Dù phần đường cho xe đạp được đánh dấu rất rõ ràng, nhưng lại không có bất cứ thứ gì để phân tách xe đạp với các phương tiện cơ giới như ô tô, xe buýt. Người đi xe đạp có cảm giác an toàn, nhưng thực tế không phải như vậy”.

Những phần đường bị đứt quãng giữa chừng, đi qua bến xe buýt hay bị ô tô lấn chiếm làm nơi đỗ xe. Sự thiếu đầu tư hạ tầng đã khiến số vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe đạp tăng nhanh chóng.

Thậm chí có những điểm đen với 5 vụ tai nạn chỉ trong 1 tuần. Điều này khiến thành phố phải quy hoạch lại đường cho xe đạp.

Hiện tại London, xe đạp có phần đường riêng biệt; một số nơi hạn chế ô tô; thậm chí cấm ô tô vào các ngày cuối tuần; thay thế một số đèn giao thông tại ngã tư bằng bùng binh để hạn chế va chạm v.v… Việc đạp xe tại đây đã trở nên dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.

Còn tại Việt Nam, Hà Nội đã từng lên kế hoạch thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng từ năm 2016. Đến đầu năm 2020 UBND Hà Nội mới thống nhất chủ trương báo cáo, đề xuất của Sở KH-ĐT về việc thí điểm đầu tư hệ thống xe đạp điện tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Dự kiến ban đầu sẽ thí điểm từ tháng 6 năm nay, tuy nhiên hiện vẫn chưa triển khai.

Tại TP.HCM, Sở GTVT cũng đang kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép thí điểm 500 xe đạp công cộng, kết nối các loại hình vận tải hành khách khác ở khu vực trung tâm TP để giải bài toán giảm ùn tắc giao thông và tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, hiện tại, hạ tầng giao thông dành riêng cho xe đạp tại Việt Nam chưa có nhiều.

Người đi xe đạp vẫn phải đi chung phần đường với xe máy, thậm chí là ô tô, xe buýt… Nếu hướng tới việc khuyến khích người dân đi xe đạp, chúng ta cũng cần phát triển hạ tầng tương ứng để đảm bảo ATGT cho nhóm người sử dụng đi xe đạp mỗi khi ra đường.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Những người trẻ tiếp nước, “giải khát” cho miền Tây hạn mặn

Những người trẻ tiếp nước, “giải khát” cho miền Tây hạn mặn

Khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, các tỉnh miền Tây Nam Bộ xuất hiện nhiều đợt xâm nhập mặn vào sâu nội đồng cùng các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, hệ thống sông Tiền, sông Hậu.

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mới đây Sở GTVT Hà Nội có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng), với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng.

Garage tư nhân “mọc” trên vỉa hè

Garage tư nhân “mọc” trên vỉa hè

Những ngày hè tháng Năm này, hoa bằng lăng tím trổ bông dọc theo dòng Kim Ngưu khiến các cung đường phía Nam Hà Nội như duyên dáng hơn. Tuy nhiên, chút chất thơ đó không khỏa lấp được những bất cập trên vỉa hè khu vực này, khi người đi bộ thực sự bối rối với những chướng ngại vật không ngờ tới.

Quà chiều trên phố

Quà chiều trên phố

Cao điểm chiều, đó là thời điểm nhộn nhịp nhất của phố xá, khi dân công sở tan làm, học sinh sinh viên tan học, dòng người ngược xuôi trên phố trong sự sốt ruột, mau chóng để sớm trở về nhà sau một ngày lao động.

Giao thông thông minh, cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông bền vững

Giao thông thông minh, cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông bền vững

Để giải quyết những thách thức trong sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hoá thạch, giao thông công cộng chậm phát triển, các thành phố đứng trước cơ hội rất lớn trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề hướng tới giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.

Tăng cường xử lý, vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh

Tăng cường xử lý, vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh

Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội đã triển khai nhiều phương án, huy động các lực lượng phối hợp lập nhiều chốt, thành lập các tổ tuần lưu kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. nồng độ cồn.

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Kể từ đại dịch COVID-19, thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc bùng nổ và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tài xế của các nền tảng giao đồ ăn tại quốc gia tỷ dân này đang phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, với thời gian làm việc kéo dài nhưng thu nhập lại thấp.

// //