Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Huy Văn: Thứ tư 15/05/2024, 10:21 (GMT+7)

Kể từ đại dịch COVID-19, thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc bùng nổ và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tài xế của các nền tảng giao đồ ăn tại quốc gia tỷ dân này đang phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, với thời gian làm việc kéo dài nhưng thu nhập lại thấp.

Theo Nikkei Asia, thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng mặt trong khoảng 3 năm trở lại đây, hiện có giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ NDT (tức khoảng 208 tỷ USD), gấp 2,3 lần so với năm 2020.

Sự tiện lợi của việc chỉ phải trả một khoản phí vận chuyển nhỏ để nhận đồ ăn trong vòng 30 phút đã cho phép các dịch vụ giao đồ ăn ngày một phát triển mạnh mẽ.

Hiện tại Trung Quốc có khoảng 84 triệu lao động đang làm trong ngành dịch vụ vận chuyển như tài xế taxi công nghệ hay giao hàng, giao đồ ăn. Chỉ tính riêng 2 ứng dụng đứng đầu quốc gia này là Meituan hay Ele.me đã có khoảng 10 triệu lao động.

Tuy nhiên, theo Nikkei, điều kiện làm việc của các lao động làm trong ngành này rất khắc nghiệt nhưng thu nhập thấp.

Các tài xế công nghệ chờ bên ngoài một nhà hàng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Các tài xế công nghệ chờ bên ngoài một nhà hàng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Anh Lu, 19 tuổi, hiện đang làm tài xế giao đồ ăn cho Meituan tại Quảng Châu. Với mỗi đơn hàng, anh kiếm được khoảng 7 nhân dân tệ (khoảng 25 nghìn đồng). Trung bình mỗi ngày hoàn thành 30 đơn, số tiền anh Lu nhận được mỗi tháng là 4 nghìn tệ, sau khi đã trừ các chi phí sinh hoạt. Thu nhập này chỉ cao hơn một chút so với làm việc tại một nhà máy gần nơi anh ở.

Hay với anh Dai, 35 tuổi, cũng là tài xế giao đồ ăn cho Meituan nhưng làm việc tại Thượng Hải. Bắt đầu trở thành tài xế công nghệ từ đầu năm 2023, anh cho biết ban đầu chỉ muốn kiếm một công việc tạm thời, nhưng sau đó nhận ra rằng ở độ tuổi của anh, việc tìm kiếm một công việc khác là không hề dễ dàng. Vì vậy, anh quyết định gắn bó với công việc giao đồ ăn. Anh chia sẻ:

“Nhiều người nói rằng họ thích làm tài xế công nghệ vì công việc này rất linh động về thời gian. Tôi cho rằng họ chưa làm nghề này thì mới nói như vậy. Tôi làm việc từ 8h sáng tới tận 11-12h đêm. Có người thậm chí còn làm lâu hơn. Vì có quá nhiều tài xế nên lượng đơn hàng và số tiền tôi nhận từ mỗi đơn bị giảm nhiều. Với những người mới vào nghề tính từ đầu năm nay, tôi không nghĩ rằng thu nhập của họ đủ để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày”.

Trong một cuộc khảo sát với khoảng 300 nhân viên giao hàng tại Bắc Kinh, khoảng 40% người được hỏi cho biết họ không có ngày nghỉ nào trong cả tháng làm việc. Số giờ làm việc cao, thu nhập thấp là những vấn đề tồn tại trong ngành này ngay từ những ngày đầu xuất hiện.

Không chỉ vậy, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng giao đồ ăn lại càng khiến người lao động gặp khó. Việc giao hàng muộn hoặc bị khách hàng đánh giá kém trên ứng dụng ảnh hưởng rất lớn tới các tài xế, thậm chí có thể khiến tài khoản của họ bị đình chỉ tạm thời. Anh Dai chia sẻ thêm:

“May mắn là khi bạn gặp khách hàng dễ tính hoặc những người tốt bụng. Họ giữ thang máy cho tôi, hoặc thậm chí nhường tôi đi trước nếu thấy tôi đang vội. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Như hôm qua tôi giao hàng tới một toà nhà nhưng không để ý biển báo “không phải nhân viên không được phép vào”. Thế là tôi bị quát mắng và bị đuổi ra ngoài”.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng giao đồ ăn ảnh hưởng rất nhiều tới thu nhập của các tài xế công nghệ

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng giao đồ ăn ảnh hưởng rất nhiều tới thu nhập của các tài xế công nghệ

Dù các ứng dụng hàng đầu như Meituan hay Ele.me “chào hàng” rất nhiều lợi ích trong các quảng cáo tuyển dụng, nhưng theo đài CNA, dường như những lợi ích đó vẫn chưa đủ. Tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc hồi tháng 3 vừa qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị cải thiện điều kiện làm việc của các tài xế công nghệ. Ví dụ như việc các ứng dụng giao hàng cần thay đổi thuật toán, tránh ép buộc các tài xế phải giao hàng nhanh nhất có thể.

Dù vậy, khi mà quốc gia đang đối mặt với áp lực thiếu hụt nguồn cung việc làm, nhiều tài xế công nghệ tại Trung Quốc vẫn kiên định, cố gắng bám trụ với nghề. Anh Deng, tài xế 26 tuổi, làm việc tại Thượng Hải chia sẻ:

“Tôi cho rằng, nghề tài xế công nghệ khó khăn hay không còn tuỳ vào mỗi cá nhân. Với tôi, công việc này không tệ vì tôi sẽ không gặp phải những rắc rối như tại nơi công sở. Làm nghề tài xế công nghệ, tôi không phải báo cáo công việc với ai cả. Với cả, tôi thấy Thượng Hải không tệ. Hầu hết mọi người đều hiểu và thông cảm cho những khó khăn của các tài xế như tôi”.

Trở lại với Việt Nam, các nền tảng online đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng. Cùng với sự phát triển của các mô hình kinh doanh online, các hãng xe công nghệ cũng ngày một mở rộng. Tính tới đầu năm 2024, hệ thống xe công nghệ hãng Be và Grab ghi nhận có khoảng 300.000 tài xế mỗi hãng, một hãng xe ôm công nghệ mới xuất hiện thời gian gần đây là Xanh SM Bike cũng có khoảng hơn 90.000 tài xế.

Tuy nhiên, một “rào cản” lớn hiện nay là lái xe công nghệ chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động nên không được hưởng các chính sách an sinh về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, so sánh với giới hạn pháp lý về số giờ làm việc của Bộ luật Lao động năm 2019 thì số giờ làm việc trung bình một ngày của tài xế gần ở ngưỡng giới hạn tối đa 12h/ngày.

Vì vậy, trong tương lai, chúng ta cần có quy định cụ thể đối với tài xế công nghệ để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng khoảng trống luật pháp để đẩy thiệt thòi cho người lao động.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn