Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dẹp loạn vỉa hè có khó không?

Chu Đức - Hải Bằng - 03/05/2022 | 7:17 (GTM + 7)

Như VOV Giao thông từng phản ánh, hiện tượng lấn chiếm, trục lợi từ vỉa hè vẫn đang diễn ra tại Hà Nội, dưới vô vàn hình thức khác nhau. Gần đây nhất là tình trạng quán nước chiếm vỉa hè, vườn hoa, ghế đá để kinh doanh, buộc người qua đường phải trả tiền mới được ngồi tại khu vực Hồ Tây.

Ngay sau khi dư luận lên tiếng, công an trật tự quận, phường sở tại đã mở cao điểm và lập lại trật tự chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Câu hỏi đặt ra là liệu việc xử lý, duy trì trật tự này có thực chất? Dẹp loạn vỉa hè có phải công tác khó khăn?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

“Muốn ngồi ghế đá phải trả tiền nước”, đó là tình thế dở khóc dở cười của người dân và du khách khi đi dạo hóng mát tại khu vực ven hồ Tây.

Nhiều hàng quán, cá nhân tự phát đã cố tình xếp ghế nhựa quây kín vỉa hè, ghế đá như một hình thức khẳng định chủ quyền các diện tích và công trình công cộng.

Sau khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ về những hình ảnh làm xấu mỹ quan đô thị, hình ảnh du lịch Thủ đô, ngày 21/4, lực lượng chức năng quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra quân chấn chỉnh, xử phạt nhiều hộ kinh doanh vi phạm.

Kết quả, chỉ vào giờ đồng hồ có sự xuất hiện của công an trật tự, không gian công cộng đã được trả lại như chưa từng có sự lấn chiếm nào. Dù vậy, không phải ai cũng tin đây là một kết quả mang tính bền vững.

Đường Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội) bàn ghế bày la liệt trên vỉa hè sau khi lực lượng chức năng ra quân ngày 21/4

Đường Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội) bàn ghế bày la liệt trên vỉa hè sau khi lực lượng chức năng ra quân ngày 21/4

Ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông vào ngày 28/4, 1 tuần sau sự kiện, đúng như dự đoán, tình trạng lấn chiếm, độc quyền vỉa hè, vườn hoa lại tái diễn trên đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ).

Theo bà Lê Thị Nguyệt Nga, thường xuyên tập thể dục tại Hồ Tây, chỉ cần khách yêu cầu ngồi ven hồ, các chủ hàng quán sẽ lập tức trải chiếu hoặc mang bàn ghế ra kê trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

“Ngày công an người ta không làm thì người ta tràn hết cả ra đường. Đi bộ phải đi xuống đường, xe cộ để hết trên vỉa hè, rất mất vệ sinh, đổ các đồ ăn ra rất bẩn, những người đi bộ thì khổ lắm, lại phải chui xuống dưới lòng đường, đi rất nguy hiểm, nhiều xe cộ nữa”.

Empty

Không chỉ quán café, một số sạp bán đồ ăn vặt cũng tranh thủ cuối tuần đông khách để kinh doanh trên vỉa hè. Những ki-ốt, ghế sắt, bàn gỗ kiên cố được dựng lên ngay tại các con đường nhỏ hẹp ven hồ.

Cư dân tại khu vực hồ Tây không khỏi bức xúc vì sự nhếch nhác, chụp giật, gây hại môi trường tại nơi nổi tiếng thơ mộng bậc nhất của Thủ đô:

“Chính quyền ra quân thì những hàng quán này sẽ bị dẹp, nhưng họ đi, các hàng quán lại bày bán ra thì vẫn gây ảnh hưởng đến vỉa hè”.

“Học sinh lúc giờ tan tầm lại phải đi xuống lòng đường không an toàn cho việc đi lại của người đi bộ”.

“Nhiều hôm người dân bán hàng không có ý thức, bàn ghế bày la liệt, túi nilon không quét được tôi phải cúi xuống nhặt từng cái ra. Người dân phá cây để lấy chỗ bán hàng. Rất buồn vì công việc hàng ngày, dọn dẹp chăm sóc cây hàng ngày mà cây lại bị phá hết”.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đặt dấu hỏi về hiệu quả của các chiến dịch lập lại trật tự văn minh đô thị từ phía chính quyền các phường và quận Tây Hồ. Chưa kể có sự chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình, khi lực lượng hành pháp phải chạy theo dư luận thì mới vào cuộc rốt ráo.

“Không thể làm theo cách 7h sáng làm 1 cuộc tuần tra, 4h chiều làm 1 cuộc rồi về nghỉ. Nó thành quy luật như vậy thì những người lấn chiếm về kinh doanh rất dễ để đối phó. Muốn dẹp triệt để tình trạng đó thì chính quyền địa phương chỉ có thể thực hiện theo cách kiếm tra đột xuất, không theo quy luật nào cả.

Như vậy, những người lấn chiếm vỉa hè không có cơ hội để đề phòng. Mỗi lần bị tịch thu các phương tiện kinh doanh sẽ là thiệt hại rất lớn, thu như vậy sẽ mất vốn để kinh doanh, khó có thể trở lại kinh doanh công việc đó. Chỉ có làm như vậy, đột xuất, không theo quy luật, làm nhiều lần mới may ra vãn hồi được trật tự đô thị”, ông Phan Lê Bình nói.

Empty

Ở góc nhìn khác, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, vấn đề xử phạt kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, “đầu voi đuôi chuột”, không mang tính răn đe đã xuất hiện và tồn tại nhiều năm qua bao cuộc ra quân của các lực lượng chức năng nhằm lật lại trật tự vỉa hè, không gian công cộng.

Mấu chốt cần gắn trách nhiệm tới từng cán bộ phụ trách địa bàn và người đứng đầu của địa phương nơi xảy ra tình trạng vi phạm.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh: “Các vị tham gia ứng cử, bầu cử họ nói hay lắm. Tôi chỉ hỏi thế này, ông đang ứng cử ở địa phương, tôi sẽ theo dõi nhiệm kỳ của ông vỉa hè, lòng đường của khu phố chúng ta có được quản trị tốt không. 5 năm nữa, tôi sẽ có câu trả lời với ông.

Còn các báo cáo bao nhiêu % tăng trường, công tác cán bộ ra sao thì nó vô nghĩa với tôi, chả có giá trị gì. Phải nhìn vào thực tế, anh sinh ra để quản trị, địa phương đó có tiến hóa, được quản trị tốt hay không. Đó chính là thước đo đánh giá, phẩm chất, năng lực của ông”

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên giám đốc nhà xuất bản giao thông khẳng định, dư luận có quyền nghi ngờ sự thỏa hiệp, dung túng của cơ quan chức năng với các đối tượng chiếm dụng, trục lợi từ vỉa hè, không gian công cộng: “Dung túng việc chiếm dụng vỉa hè, chiếm dụng vỉa hè đã gây ra tâm lý nhờn luật, người dân sử dụng vỉa hè một cách tự do. Cơ quan chức năng có sự buông lỏng, không quản lý, thậm chí có quản lý nhưng biến vỉa hè thành nơi gửi xe, sản xuất, buôn bán.

Người ta sử dụng đất đai công đó thành của riêng của họ. Có nơi cho thuê vỉa hè đỗ ô tô, xe máy để cho vào túi riêng chứ không đổ vào ngân sách. Tôi nghĩ đây là suy nghĩ hết sức sai lầm”.

Luật sư Phạm Thành Tài đặt dấu hỏi về sự mập mờ, “mắt nhắm mắt mở” hiện nay của chính quyền địa phương về các mối quan hệ, lợi ích trên vỉa hè, gồm cả từ người trục lợi lẫn người kiểm tra, xử lý vi phạm.

Có nơi vỉa hè bị cấm khai thác, nhưng có nơi được công khai thuê để kinh doanh, lại có nơi tồn tại “luật ngầm” để được kinh doanh trên vỉa hè.

“Những người sinh sống ở đó kinh doanh, các hàng quán ở đấy sử dụng luôn vỉa hè trước cửa nhà mình. Nhiều người mặc định coi đấy là diện tích của nhà họ được sử dụng.

Để quản lý, sử dụng vỉa hè đúng mục đích dành cho người đi bộ, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, nhà làm luật phải có quy định chi tiết, bóc tách từng quyền lợi của các đối tượng khác nhau”, Luật sư Phạm Thành Tài nói

Một bãi xe lấn chiếm vỉa hè tại cổng Công viên Hòa Bình

Một bãi xe lấn chiếm vỉa hè tại cổng Công viên Hòa Bình

Bừa bãi một cách… trật tự

Hình ảnh ngày 21/4/2022 khi công an, chính quyền quận Tây Hồ ra quân dẹp loạn tình trạng “muốn ngồi ghế đá công cộng phải trả tiền nước” khiến người viết liên tưởng tới nhiều vụ việc tương tự trước đây.

Cụ thể, ngày 30/6/2021, nhóm phóng viên VOV Giao thông có cuộc làm việc với UBND phường Hàng Bông về bãi đỗ xe không phép trên vỉa hè phố Quán Sứ. Bãi xe đã bất ngờ sạch bóng vào buổi sáng, nhưng ngay khi buổi làm việc kết thúc, vào chiều cùng ngày, bãi xe lại tái lập, các đối tượng ngang nhiên vẫy xe thu tiền.

Trước đó, vào ngày 19/2/2020, từ phản ánh của VOV Giao thông, các lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông-trật tự quận Hoàng Mai đã ra quân xử lý, cẩu xe vi phạm và dẹp bãi đỗ xe tự phát cạnh nhà văn hóa thể thao quận. Nhưng cũng chỉ sau đó ít tuần, và kéo dài đến tận năm 2022, bãi xe này không những không biến mất mà còn ngày càng mở rộng quy mô.

Rõ ràng, việc các đối tượng trông giữ xe giải tán bãi xe “lậu” ngay khi cơ quan chức năng có động thái xử lý đã là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi: “Dẹp loạn vỉa hè có khó hay không?”

Vấn đề đặt ra là: tại sao dù không hề khó, thậm chí không cần ra quân liên ngành mà chỉ các lực lượng chỉ cần có xe đi tuyên truyền, đẩy đuổi đã xong việc, mà xử lý mãi vẫn không triệt để?

Hãy cùng nhìn sâu hơn vào các mức phạt với các đối tượng này. Tại bãi xe lậu ở phường Hàng Bông, trong 2 năm, cơ quan chức năng xử phạt được… 2 đối tượng, với mức phạt 2,5 triệu đồng mỗi trường hợp.

Còn tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, trong 2 tháng ở thời điểm đó, có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính từ 5,5 triệu đến 12,5 triệu đồng mỗi trường hợp.

Đem so với số tiền thu được từ việc trông giữ hàng chục, hàng trăm ô tô mỗi tháng, số tiền xử phạt quá nhỏ bé và không có tính răn đe.

Như vậy, bản chất vấn đề chính là lợi ích kinh tế. Lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng công sản, vi phạm trắng trợn pháp luật nhưng ít bị xử phạt hoặc kể cả bị xử phạt thì vẫn “lãi”. Đó là lý do vỉa hè Hà Nội vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục là mục tiêu, miếng lợi ích khó bỏ của các đối tượng trục lợi.

 Trở lại với góc nhìn từ phía các lực lượng quản lý. Theo thống kê, có ít nhất 6 đơn vị có chức năng xử lý vi phạm liên quan vỉa hè. Họ là lý do, là chốt chặn cho việc các đối tượng có dừng trục lợi vỉa hè hay không.

Nhưng thật đáng buồn, trong loạt bài “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?”, VOV Giao thông đã chỉ rõ, đối tượng được vỉa hè nuôi ngoài những người chiếm dụng, còn có cả lực lượng giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, thông qua những khoản được gọi là “phí ủng hộ”, “tiền trà nước”.

Một nhà Hà Nội học từng cảm thán, sự dễ dãi, tùy tiện, thiếu minh bạch trong các mối quan hệ đã dẫn đến sự lạc hậu, phi trật tự của đô thị, mà vỉa hè là bộ mặt. Người ta đang bày ra sự bừa bãi, dung túng cho bừa bãi, và rồi khi đến kỳ cuộc, lại hô hào nhau “hay là chúng ta bừa bãi một cách… trật tự hơn đi!?”.

Những chiến dịch dẹp loạn vỉa hè, không gian công cộng theo kiểu của Hà Nội như thời gian qua đã chứng minh luận điểm ấy.

Ý kiến của bạn
TP.HCM: Hơn 1,7 triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học mới

TP.HCM: Hơn 1,7 triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học mới

Hôm nay (5/9), hơn 1,7 triệu học sinh tại TP.HCM từ bậc mầm non đến THPT đã đồng loạt đến trường, tham gia lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, năm nay toàn thành phố tăng hơn 24.000 học sinh so với năm học trước.

Hiện tượng bạo hành như ở Mái ấm Hoa Hồng không phải là hiếm gặp?

Hiện tượng bạo hành như ở Mái ấm Hoa Hồng không phải là hiếm gặp?

Ngay trong ngày bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh bạo hành bé hơn 6 tháng tuổi bị tuyên án tù chung thân thì cũng là lúc hình ảnh ngược đãi, bạo hành trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, quận 12 tiếp tục được phơi bày, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ, bức xúc.

Xúc động Lễ Khai giảng 'hát Quốc ca bằng tay'

Xúc động Lễ Khai giảng "hát Quốc ca bằng tay"

Quốc ca vang lên. Khối các học sinh bình thường bắt đầu cất tiếng hát. Nửa còn lại, những học sinh đặc biệt của trường cũng ngước mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay và "hát" Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu.

5 lời nhắn đổi 1 cuốn sách cho trẻ em vùng cao

5 lời nhắn đổi 1 cuốn sách cho trẻ em vùng cao

Với trẻ em vùng cao, sách vở là con đường tuyệt diệu để các em khám phá tri thức và thế giới xung quanh.

Vành đai 2 trên cao và Đại lộ Thăng Long: Gọi là đường gì cho chuẩn?

Vành đai 2 trên cao và Đại lộ Thăng Long: Gọi là đường gì cho chuẩn?

Như VOV Giao thông đã thông tin, lâu nay, dư luận vẫn băn khoăn tên gọi, cấp đường của Đại lộ Thăng Long, Đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 2 trên cao, có được coi là cao tốc, hay đường đô thị?

Tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” mùa tựu trường?”

Tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” mùa tựu trường?”

8 tháng đầu năm 2024, khu vực phía Nam ghi nhận hơn 2000 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có hơn 800 ca dương tính với vi rút sởi và có 3 ca tử vong. Riêng tại TP.HCM, ghi nhận hơn 500 ca mắc, chiếm hơn 1/2 toàn khu vực.

Giao xe cho con hay thương con sai cách?

Giao xe cho con hay thương con sai cách?

Bất chấp những khuyến cáo từ cơ quan chức năng và trường học, khi vào năm học lại xuất hiện tình trạng học sinh mặc đồng phục điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường.

// //